Miền Bắc, miền Trung đón Tết dương lịch trong giá rét

29/12/2018 14:36 GMT+7

Bão số 10 ảnh hưởng đến Nam bộ. Rét và mưa phùn, gió bấc là đặc trưng thời tiết ở nửa phía bắc từ miền Bắc cho đến Hà Tĩnh, Quảng Bình do không khí lạnh rất mạnh liên tiếp tràn về.

Đợt rét lần này kéo dài đến tuần đầu tháng 1.2019. Vùng đồng bằng rét cả ngày đêm, nhiệt độ thấp nhất hầu hết dưới 10 - 12oC, vùng núi dưới 3 - 5oC.
Nhiều khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở các vùng núi cao từ 1.500 m trở lên, trên đỉnh Fansipan có thể dưới 0oC, từ -3 đến -5oC, tuyết rơi nhiều hơn. Một số nơi cũng có thể xấp xỉ hoặc dưới 0oC là Sìn Hồ, Mù Căng Chải, đèo Ô Quý Hồ, đèo Pha Đin, Ngân Sơn... cũng có thể thấy tuyết rơi.
Đáng lưu ý, trong 4 ngày nghỉ dịp Tết dương lịch, sương mù khá dày đặc làm cho tầm nhìn xa rất hạn chế, lại thêm trơn trượt do mưa và băng giá trong tiết trời giá rét nên các chuyến xe ngược xuôi ở vùng đèo núi chú ý đề phòng nguy hiểm.
Đây cũng chưa hẳn là đợt rét nhất trong mùa đông năm nay. Từ nay đến giữa tháng 2.2019 sẽ còn nhiều đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, kèm theo front lạnh cực đới, nên ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, bắc Trung bộ trong mùa đông xuân rét đậm, rét hại sẽ tiếp tục, mỗi đợt có thể kéo dài 4 - 7 ngày.
Miền Trung sẽ đón năm mới 2019 trong thời tiết nhiều mây và bắt đầu có mưa nhỏ mưa vừa từ 29 - 31.12. Sau đó từ ngày 1- 4.1 thời tiết chuyển xấu nhanh do không khí lạnh kết hợp với rìa phía bắc của hoàn lưu bão nên mưa nhiều hơn và mở rộng xuống phía nam. Vùng có mưa to là từ Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến nam Trung bộ (nơi mưa lớn nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), ngày 3 - 4.1 từ Quảng Trị đến Huế có thể mưa khá lớn.
Miền Trung trời rét ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, càng xuống phía nam đỡ rét hơn nhưng do trời âm u nhiều mây không có nắng, mưa dầm và gió đông bắc thổi mạnh làm tăng thêm cảm giác rét buốt. Đợt mưa lần này có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng đồng bằng và gió mạnh sóng cao có thể gây sạt lở vùng ven biển
Trong khi đó, từ nam Trung bộ đến Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía nam, thời tiết tương đối ổn định, khá đẹp trong 3 ngày cuối năm do mưa giảm và nắng nhẹ. Đêm giao thừa tiết trời se lạnh, ít mây và sương mù nhẹ, không mưa.

Sự xuất hiện của cơn bão mạnh lên từ một áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông cho thấy sự bất thường của thời tiết trong những ngày cuối năm. Đây là cơn bão thứ hai ảnh hưởng đến Nam bộ chỉ trong hơn một tháng cuối năm, sau bão số 9 (USAGI) vào đất liền TP.HCM và miền Đông ngày 25.11.
Ngày 1.1, cơn bão số 10 vào gần hơn, ở phía đông đảo Phú Quý và ngoài khơi vùng biển từ nam Trung bộ đến Nam bộ, rìa tây cơn bão bắt đầu gây mưa từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, Bình Thuận và ven biển Bà Rịa- Vũng Tàu. Ngày 2 và 3.1, hoàn lưu bão sẽ gây đợt mưa trái mùa trên diện rộng ở nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ.
Cơn bão này chịu tác động của gió mùa đông bắc mạnh nên di chuyển chủ yếu theo hướng tây - tây nam, ngày 2 và 3.1 có thể vào gần phía nam mũi Cà Mau rồi đi sâu vào vùng biển Kiên Giang và vịnh Thái Lan gây mưa giông và lốc xoáy, sóng to gió lớn, biển động mạnh (rất bất thường vì vùng biển này thường vào cuối năm không chịu ảnh hưởng nhiều bởi gió mùa đông bắc nên thời tiết tốt và khá êm so với vùng biển phía đông). Do vậy tàu thuyền và vùng ven bờ cần hết sức đề phòng.
Đề phòng rầy nâu, đạo ôn trên lúa; sâu bệnh hại cà phê, điều, tiêu
Thời tiết bất thường nên ở các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt tiếp tục là các đối tượng có thể gây hại trên lúa giai đoạn chín và đẻ nhánh đến đòng trổ. Tiết trời vào chính đông mưa ẩm trái mùa, trời chuyển lạnh và sương mù nhiều vào sáng sớm, nên chú ý theo dõi bệnh đạo ôn lá hại trên trà lúa đông xuân sớm. Ở Tây nguyên và miền Đông, trên cây cà phê, điều, tiêu có thể bọ xít muỗi, sâu đục thân, các loại tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh, thán thư tiếp tục gây hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.