Sách hay

'Miền đất mặn' - khúc nối ca tình người từ biển Tây qua Biển Đông

Đào Thị Thanh Tuyền
Đào Thị Thanh Tuyền
28/09/2024 07:02 GMT+7

Đọc tiểu thuyết Miền đất mặn (NXB Tổng hợp TP.HCM) của Phùng Quang Thuận, tôi liên tưởng đến tiểu thuyết Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của tác giả người Mỹ Delia Owens đã được dựng thành phim công chiếu cách đây không lâu. Điều thú vị, đây là một bối cảnh Nam bộ VN chứa chan cảm xúc.

Miền đất mặn, một bài ca tuyệt đẹp về thiên nhiên, môi trường, con người. Tác giả dẫn người đọc về vùng đất hoang sơ mà thấy gần gũi: "Đất rộng mênh mông, biển lớn, sông dài nhiều tôm cá, không có người để làm hàng xóm bầu bạn, gặp nhau thấy hợp tâm tánh, có nghĩa khí là chia nhau, cho nhau mọi thứ để cùng sống. Cây lá rừng đốn về dựng nhà gần nhau, kết làm anh em, hợp sức nhau cùng sống trong những ngày mưa sa gió táp, những đêm tối lửa tắt đèn...; còn không thấy hợp với nhau hoặc không thật với nhau thì chia tay, thảy đồ xuống ghe, dẫn vợ con xuống ghe, đốt nhà, xô ghe theo nước đi tìm một nhánh sông khác, một cánh rừng khác... Không cần phải thủ đoạn, tranh giành, bức hại nhau, không thể sống hèn hạ, gian dối với bạn bè vì một miếng đất, một miếng ăn hay một danh vị hão huyền... Đất rộng người thưa - người mới quý, còn đất thì bao la, bỏ hoang...".

'Miền đất mặn' - khúc nối ca tình người từ biển Tây qua Biển Đông- Ảnh 1.

Bài sách Miền đất mặn

ẢNH: NXB cung cấp

Câu chuyện xoay quanh hai gia đình, vô tình gặp nhau, quý nhau, giang hồ trọng nghĩa, chỉ cho nhau công ăn việc làm để cùng sống trên một miền đất muỗi nhiều như tôm cá, khó - dễ ngang nhau, miễn có chí thì khó sẽ thành dễ.

Ở vịnh có cây mắm đen ban đầu chỉ có ba người: ông Năm Quới cùng đứa cháu nội Quế Lan và một người không họ hàng gọi là cô Ba. Ông Năm Quới người Bạc Liêu, ông đến nơi này và loanh quanh trong miền đất mặn chỉ để tìm gia đình người con trai mất tích gồm có con trai ông, con dâu và một cháu nội là anh ruột của Quế Lan. Cô Ba là cư sĩ Tịnh Độ Phật hội ở Bạc Liêu xuống miệt này mở phòng thuốc nam khám bệnh từ thiện cho dân nghèo tứ xứ về đây lập nghiệp... Ban đầu có vài y sĩ nhưng rồi do đường sông nước xa xôi cách trở, cơ sở vật chất thuốc men thiếu thốn, các y sĩ chưa tạo được lòng tin cho người dân, thêm điều kiện sống kém, các y sĩ rút về dần; cuối cùng hoạt động của cô Ba thu nhỏ lại như một cái am và người ta quen gọi là am Cô Ba. "Giữa cái vịnh vắng vẻ này chỉ có hai căn nhà lá ở hai bên và một cây mắm đen cao, tàng lớn đứng giữa một bên là am Cô Ba, một bên là nhà ông Năm Quới và ông thường gọi nhà của mình là trại câu".

Một ngày ông Năm Quới gặp gia đình Hai Tín cũng kiếm sống trên dòng sông này, giang hồ hạ bạc cảm thông nhau khởi từ câu ca mang tính triết lý sâu sắc về kiếp nhân sinh; hai bài ca nối tiếp trên sông vắng, tâm sự chuyện mình rồi kết nghĩa anh em.

Hai Tín vốn người Rạch Giá, cưới vợ là người Hòn Sơn, mang theo con trai là Tư Hữu lênh đênh đời sông nước, rày đây mai đó.

Thật dễ dàng hình dung qua miêu tả của tác giả về địa lý trong truyện. Từ cách nhau hai vùng biển Tây và Biển Đông, họ quy tập về miền đất mặn sau một lần Hai Tín bị thương khi "đánh vật" với ông xà vện, hay ông cá đuối hùng cứ cửa biển khiến người dân sợ sệt.

Đến đây tôi lại liên tưởng về câu chuyện Ngư ông và biển cả của Ernest Hemingway khi hiểu rằng đó là mộng ước vươn ra biển lớn của đời một con người. Ngược với ước mơ thầm kín của người vợ chỉ mong cuộc sống cá muối êm đềm, không phải nơm nớp lo âu về người chồng lúc nào cũng muốn chinh phục "thần sông, thần biển, thần rừng" bằng những vật dụng thô sơ cùng với các chiêu lừa kế mọn của con người.

Vịnh có cây mắm đen, thêm người thì phải nghĩ đến chuyện làm ăn. Ông Năm Quới trong vai trò đầu tàu, nhiều kinh nghiệm đã nghĩ kế và phân công việc cho những người còn lại. Thời gian trôi đi, họ làm ăn phất lên, vịnh có cây mắm đen giờ ngoài trại câu còn có trại biển, trại đáy, ghe lưới, ghe xuồng, vựa muối... và mỗi người đều có vốn liếng riêng. Đến lúc ông Năm Quới nghĩ đến việc về Bạc Liêu, cất nhà trên đất, gần gũi ngôi mộ người vợ mà ông yêu quý, để hằng ngày tâm sự cùng bà. "Đối với ông, mùi nhãn Bạc Liêu là mùi tóc của bà Xa Ly, là mùi thời gian, mùi kỷ niệm của ông... Và còn nữa, màu hột nhãn của giống nhãn này giống màu mắt của bà Xa Ly một cách kỳ lạ, đen, sâu thẳm, pha một chút nâu sáng bóng của ánh lửa"; đồng thời, biết đâu ông nhận được tin tức về gia đình con trai mất tích.

Ba lá thư ông viết gửi đến cô Ba, vợ chồng Hai Tín, vợ chồng Tư Hữu (Tư Hữu bây giờ là chồng của Quế Lan) dặn dò việc phân chia tài sản và hứa hẹn sẽ trở lại Giá Lồng Đèn (vịnh có cây mắm đen) thăm mọi người. Cái kết có hậu khi một ngày ông Năm Quới nhận tin gia đình người con trai hiện còn sống ở nước ngoài...

Với lượng thông tin khá nhiều, cuốn sách đã giúp người đọc hiểu biết về cuộc sống sông nước, miền đất mặn, câu chuyện về con người, văn hóa, lịch sử... Cuốn sách thật sự truyền cảm hứng khi đóng trang cuối lại, ngẫm ra cuộc đời quá đẹp, quá nhân ái khi con người hiểu nhau, cùng ý chí vươn lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.