Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3

Một 'cuốn sách' về bão Yagi

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/09/2024 08:11 GMT+7

'Phải có một cuốn sách về bão Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão này', TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, chia sẻ.

Bộn bề việc, bộn bề bài học

Những ngày qua, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, sáng lập viên của Think Playgrounds (một đơn vị chuyên làm sân chơi trẻ em - TPG), đã liên tục "bám" sân chơi do mình tổ chức xây dựng, cũng như công viên rừng Bờ Vở Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày 13.9, TPG hỗ trợ bà con P.Phúc Tân dựng lại cây đổ, lai dắt các thiết bị sân chơi bị lũ cuốn trôi. Ngày 14.9, các hoạt động ra quân dọn rác của đơn vị này cũng bắt đầu...

A1.jpg

Cây đổ, sân chơi ngập nước ở Hà Nội

ẢNH: TPG

Song song với các hoạt động nói trên, ông Đạt tiếp tục ghi lại những điều đáng chú ý trong kinh nghiệm ứng phó đợt bão lũ sau khi tham gia cứu hộ, cứu trợ trong quy mô nhỏ (100 chó mèo) và 40 gia đình chỉ trong phạm vi bán kính 3 - 5 km từ văn phòng của mình. Đó là tình trạng mất điện dẫn đến mất sóng do trạm BTS hỏng, điện thoại cũng không thể gọi báo lực lượng chức năng hay những người khác về vị trí, hiện trạng. Vì thế, việc lập trạm sạc rất quan trọng; radio bộ đàm trong phạm vi ngắn hoặc trạm vệ tinh rất cần thiết.

Ông Đạt cũng cho rằng cần phải có một bản đồ chạy lũ, được trình bày đơn giản, dễ hiểu bằng biển ký hiệu. "Chúng ta đang thiếu những cuốn hướng dẫn cho các tình huống thảm họa", ông Đạt nói.

Những vấn đề khác cũng được mọi người chia sẻ là các cách đóng gói thực phẩm đưa đến vùng lũ sao cho hợp lý, hay kinh nghiệm xử lý khi bánh chưng ùn ứ, không thể chuyển đi kịp thời.

Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cũng đưa ra nhiều hướng dẫn. Lâu nay, TS Huy thường đăng tải trên trang cá nhân nhiều thông tin chuyên môn cũng như các dự báo, khuyến cáo chính xác về thời tiết, thiên tai và được nhiều người dân theo dõi.

Trong đợt bão lũ lần này, ông đăng một clip ghi lại cảnh chiếc xuồng khó thi hành nhiệm vụ trong vùng lũ, cùng lời khuyên chuyên môn làm cách nào để cứu hộ bằng xuồng một cách hiệu quả, những ai nên và không nên tham gia cứu hộ theo cách này. Ông cũng đưa ra các thông tin vạch trần tin giả về "bão số 4 sắp đổ bộ". Các chỉ dẫn của TS Huy đều rất chi tiết. Thậm chí, trong ngày 14.9, ông Huy còn có ý kiến rằng nếu áo phao không phát hết thì không nên phát cố cho hết mà nên để dành cho dịp cứu hộ khác.

A2.jpg

Việc có một hệ thống kết nối minh bạch và thông suốt sẽ giúp công tác cứu hộ, cứu trợ hiệu quả hơn nữa

ẢNH: ANH TRẦN ĐẠI CƯƠNG, NGƯỜI THAM GIA CỨU HỘ TẠI THÁI NGUYÊN, CUNG CẤP

Theo TS Huy: "Đa số các điểm đô thị đã tiếp cận được nhu yếu phẩm và đã qua giai đoạn cứu trợ khẩn cấp. Vì vậy, chúng ta chuyển pha từ cứu nạn, sang cứu trợ và giờ là tái thiết, phục hồi. Bà con miền núi phía bắc vẫn sẽ rất cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng trong một hành trình dài phía trước".

Ông Huy cho rằng muốn giúp bà con miền núi phía bắc có thể tính đến các chương trình dài hơi để đồng hành cùng nhau. Các tỉnh cần đánh giá nhanh nhu cầu từ mỗi địa phương, công bố số liệu về nhu cầu minh bạch.

"Phần nào nhà nước có thể giải quyết sớm, phần nào cần đến sự chung tay của cộng đồng. Lúc đó, các nhóm, tổ chức và cá nhân có thể đăng ký hỗ trợ với chính quyền địa phương", TS Huy nêu ý kiến.

Lào Cai 'chốt' nơi xây dựng khu tái định cư Làng Nủ

Cuốn sách Yagi

TS Nguyễn Ngọc Huy viết ngày 13.9: "Chúng ta cần một cuốn sách để tất cả mọi người, để con cháu chúng ta biết về cơn bão Yagi với hậu quả rất lớn này". Theo TS Huy, đó là những kinh nghiệm, những bài học được đúc kết sau bão từ nhiều góc độ.

"Những điều đó sẽ giúp những nơi không tránh được thảm họa thiên nhiên trong tương lai, họ có thể biết cách vận hành hệ thống ứng phó thiên tai. Rồi nhà quản trị rủi ro sẽ như thế nào", ông Huy chia sẻ.

Với TS Huy, trong sách, ông có thể đưa ra các chỉ số so sánh với các cơn bão lớn khác, phân tích khí tượng, biến đổi khí hậu cộng với bối cảnh tương lai và cách tác động mỗi địa hình vùng miền tùy sinh kế sẽ khác nhau ra sao.

"Chúng ta có thể so sánh cấu trúc hạ tầng, hệ thống sông ngòi, đê điều. Nó thiên về kỹ thuật và khoa học, nhưng viết theo hướng bình dân để người dân có thể hiểu được, nó không khô khan như báo cáo của các nhà khoa học", TS Huy nói. Cũng theo ông Huy, với Quảng Ninh hay Hải Phòng, nên có nhìn nhận bài học cho người chủ bè cá, hay việc mua bảo hiểm cho công trình…

Những kinh nghiệm kết nối các nguồn lực cũng được kỳ vọng xuất hiện trong cuốn sách về bão Yagi. Trong thời gian qua, TS Huy, với các nội dung đăng tải trên Facebook cá nhân của mình, đã kết nối được nhiều nguồn lực. Ông Huy làm điều này khi thiên tai diễn ra diện rộng trên toàn miền Bắc, dẫn đến hệ thống quá tải và làm nảy sinh các điểm hở, đặc biệt là trong điều phối vận hành của các nhóm cứu hộ, thiện nguyện tự phát.

"Thiên tai là khẩn cấp. Chúng ta đã huy động một lực lượng rất lớn của công an, quân đội, cán bộ địa phương, mọi ngành, mọi lĩnh vực vào nhưng phải nhìn là chúng ta thiếu một kịch bản tổng thể, không vận hành trơn tru và thiếu cái gọi là diện rộng", TS Huy nói.

Trong suốt những ngày này, cùng với TS Huy, nhiều nhóm đã kết hợp với nhau thành mạng lưới. Chẳng hạn, có 3 nhóm cứu hộ ca nô rất mạnh, có nhóm có thể huy động trong cùng một thời điểm lên tới 30 chiếc ca nô. Nhóm chuẩn bị nhu yếu phẩm hình thành sớm hơn, ngay sáng 10.9 đã có những chuyến xe đầu tiên từ Quảng Bình đi cứu lũ. TS Huy cho biết nhờ các bài đăng và Google form, nhiều nhóm có khả năng hỗ trợ đăng tin, rồi tự tìm nhau để kết nối. Một nhóm khác tập trung khắc phục hậu quả. Ngay khi hết bão ở Hải Phòng, đã có hơn 100 tình nguyện viên đến chung tay dọn hiện trường. Sau đó, còn kết nối 200 tình nguyện viên chuyên nghiệp, không tham gia cứu trợ nhưng tham gia tái thiết, hỗ trợ bà con dọn lụt.

"Thường họ chủ động liên lạc với tôi hỏi xem ai có nhu cầu, rồi tôi lại hỏi mạng lưới ở đâu có nhu cầu. Nó chỉ là nơi trung chuyển thông tin để người ta gặp nhau giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng", TS Huy nói.

Nhờ những nhóm, phần mềm kết nối như vậy, đã hình thành nhóm giải quyết nhiều nhu cầu. "Sau 1 status khoảng 2 tiếng có thể lên đến 145 nhà hàng khách sạn dọc quốc lộ cũng như miền núi phía bắc sẵn sàng cung cấp chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các đoàn cứu trợ cứu hộ. Nhóm công nghệ giúp thu thập thông tin từ nhiều nguồn, vì như tôi nói rất cần một nền tảng online minh bạch, chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ trong cứu hộ cứu nạn. Họ lọc các thông tin trên mạng, lọc tin rác, tin lặp, sau đó kết nối xác minh với địa phương xem đúng không, cung cấp cho bên cứu trợ. Như thế bên cứu trợ và địa phương sẽ gặp nhau", TS Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.