Nghiên cứu do các chuyên gia tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) thực hiện. Kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày 29.10 trên chuyên san Morbidity and Mortality Weekly Report của cơ quan này, theo Newsweek.
Nghiên cứu mới phát hiện miễn dịch do vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech có khả năng ngăn nhiễm Covid-19 cao gấp hơn 5 lần so với miễn dịch ở người nhiễm rồi khỏi bệnh |
shutterstock |
Chuyên gia của CDC Mỹ đã phân tích dữ liệu được thu thập từ 187 bệnh viện ở 9 bang của Mỹ. Các bằng chứng cho thấy miễn dịch do vắc xin tạo ra có khả năng bảo vệ cao gấp 5,49 lần so với miễn dịch ở người khỏi bệnh. Vắc xin sử dụng trong nghiên cứu là loại vắc xin mRNA do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất.
Kết quả nghiên cứu này được cho là trái ngược với một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 của Israel. Nghiên cứu Israel cho rằng những người nhiễm Covid-19 ít có nguy cơ nhiễm biến chủng Delta so với người tiêm vắc xin.
“Cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19, kể cả các biến thể mới, là tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách và ở nhà khi mắc bệnh”, tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, cho biết.
TP.HCM: Đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho tuyến đầu chống dịch, nhóm nguy cơ cao |
Giới chuyên gia tin rằng sở dĩ có sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu mới của CDC Mỹ và của các nhà khoa học Israel là do sự khác biệt trong phương pháp nghiên cứu và thời gian tiêm chủng. Cụ thể, đối tượng nghiên cứu của Israel là mọi bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong khi đó, đối tượng trong nghiên cứu của CDC Mỹ là những người dương tính và đã nhập viện.
Tuy nhiên, dù mức độ miễn dịch của tiêm vắc xin có thế nào thì các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo không được chủ động để mình bị nhiễm Covid-19 để có kháng thể tự nhiên. Đây là điều đã xảy ra ở một số nơi trên thế giới, theo Newsweek.
Người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ít khả năng lây virus hơn |
Bình luận (0)