Tại buổi làm việc, báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết ĐBSCL đang triển khai 5 dự án (DA) giao thông trọng điểm quốc gia. Tiến độ các DA chưa đáp ứng kế hoạch chủ yếu do thiếu hụt nguồn cát đắp nền. Hiện vấn đề này đã được cơ bản giải quyết khi vùng xác định được nguồn cát cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu m3 cho 5 DA. Song khó khăn dự báo là nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, khi tổng nhu cầu cho các DA là 5,5 triệu m3.
Mặc dù ĐBSCL có nguồn đá trữ lượng lớn, đáng kể là nguồn đá mỏ Antraco tỉnh An Giang, nhưng giấy phép khai thác đã hết hạn từ tháng 6.2024. Các nhà thầu đã khảo sát và dự kiến sử dụng mỏ đá tại Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Để đủ vật liệu phải nâng công suất 50% từ các mỏ cơ chế đặc thù và chỉ cấp cho các DA này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ĐBSCL đang phát triển đúng đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông. Hình hài, phương tiện, phương thức giao thông phát triển nhanh, bao trùm, toàn diện. Thành tích này có được nhờ vào sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, làm việc trên tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "bàn làm chứ không bàn lùi".
Thủ tướng cho rằng việc quản lý nguyên vật liệu chỗ khắt khe, chỗ lỏng lẻo. Việc triển khai cát biển còn lúng túng, chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình khai thác vật liệu, nhiều địa phương còn thận trọng, gây chậm trễ.
Về vấn đề thiếu vật liệu xây dựng, Thủ tướng cho biết ĐBSCL cần khoảng 30 triệu m3 cát cho 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Dựa trên các lợi thế sẵn có, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Đông và miền Tây cần trao đổi, chia sẻ lẫn nhau trên tinh thần cùng phát triển. Miền Đông cung cấp đá (sỏi nếu có) cho miền Tây; miền Tây cung cấp cát cho miền Đông. Người đứng đầu địa phương cần vào cuộc nhiều hơn, tích cực và trách nhiệm cao hơn. Các cơ quan tham mưu đề xuất cần mạnh dạn, nghiên cứu kỹ theo hướng dẫn của các bộ, các ngành.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ (nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc xã Thạnh Tiến, H.Vĩnh Thạnh) và tỉnh Hậu Giang (nút giao QL61C, thuộc xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp). Thủ tướng biểu dương các địa phương đã tập trung khảo sát hướng tuyến xây dựng DA, giải phóng mặt bằng; cân đối nguồn vốn cho DA cao tốc này trong điều kiện khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nguyên vật liệu thi công gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự cố gắng của các bên, vấn đề đã từng bước được giải quyết.
Theo quy hoạch, ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc gồm 3 tuyến Đông - Tây và 3 tuyến Bắc - Nam với khoảng 1.200 km; trong đó tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cao tốc trục Đông - Tây kết nối với cao tốc Bắc - Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, phải quyết tâm hoàn thành khoảng 600 km và nhiệm kỳ sau hoàn thành khoảng 600 km còn lại. Để thực hiện được mục tiêu trên, các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng T.Ư với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
Bình luận (0)