Miền hoang dã - Kỳ 4: Bức tranh hồng hạc

06/03/2014 00:05 GMT+7

Ngoro Ngoro thuộc Arusha nằm ở miền bắc Tanzania, giáp với Kenya, được mệnh danh là “thủ đô của hồng hạc”.

>> Miền hoang dã - Kỳ 3: Cuộc chiến sinh tồn trên thảo nguyên

 Xa xa là hàng triệu con hồng hạc trên mặt hồ - Ảnh: Lê Trí
Xa xa là hàng triệu con hồng hạc trên mặt hồ - Ảnh: Lê Trí

Từ tiếng bò kêu

Từ Nairobi (Kenya), chúng tôi theo quốc lộ Meserani dài 270 km đến biên giới Tanzania. Thủ tục nhập cảnh khá đơn giản (giống như cửa khẩu 2 nước cũng chỉ có một cái hàng rào bằng gỗ): 50 USD một người, lăn tay, chụp hình, đóng dấu là có thể tự do trên đất Tanzania. Từ đây, chúng tôi lại tiếp tục hành trình 250 km để đến khu bảo tồn Ngoro Ngoro. Cũng từ đây, người tài xế của chúng tôi là một chàng trai Tanzania có cái tên rất dễ mến: Yohana.

Yohana, 28 tuổi, không thuộc bộ lạc Maasai (vì bộ lạc này gần như sống bao trùm miền biên giới giữa Kenya và Tanzania nên cũng có cụm từ gọi là nền văn hóa Maasai). Yohana chỉ có một vợ và một cô con gái 15 tháng tuổi. Gia đình Yohana thuộc hàng trí thức ở Tanzania khi có anh là bác sĩ, chị gái là kỹ sư xây dựng, bố và mẹ đều làm trong ngành du lịch. Bản thân Yohana cũng đã tốt nghiệp trường du lịch ở Arusha, có 8 năm lái xe đưa hàng ngàn du khách đến với vùng Ngoro Ngoro và vùng hồ Manyara (cũng là công viên quốc gia, cạnh Ngoro Ngoro).

Giải thích vì sao khu bảo tồn có cái tên Ngoro Ngoro mà không là Ngo Ro, Yohana cười hiền bảo: “Vì con bò nó kêu như thế”. Nói xong, Yonaha giả tiếng bò kêu từ trong cổ họng để phát ra tiếng “ngo... ro... ngo... ro”.  Quả là tiếng bò kêu thật. “Ngày xưa người Maasai đến vùng đất này chăn bò, rồi theo ngày tháng họ lấy tiếng bò kêu đặt tên cho vùng này luôn”, Yohana giải thích. Anh cho biết rất vui vì làm việc giống như  “một đại sứ du lịch” của đất nước mình, dù chỉ với đồng lương 130 USD/tháng. Anh cũng không quên “khoe” chiến tích là có lần đã cứu được 6 du khách người Đức bị đàn voi tấn công vì đi lạc đường trong khu bảo tồn. “Đang đi thì gặp đàn voi 5 con đứng ngang con đường độc đạo, tiến thoái lưỡng nan. Giữa lúc ấy, con voi mẹ tự dưng chạy đến tấn công trực diện vào đầu xe. 6 du khách hoảng hốt định tông cửa xe bỏ chạy, tôi đã kịp bảo họ ngồi xuống ghế và im lặng. Con voi tấn công khoảng 10 phút mà không thấy động tĩnh gì nên cả đàn bỏ đi. Hậu quả là đầu xe bị dập nát, tôi phải dùng bộ đàm gọi xe khác đến cứu”, Yohana hào hứng kể. Anh rất tự hào khi nói 6 du khách đó vẫn còn giữ liên lạc với mình, dù câu chuyện đã xảy ra cách đây 2 năm rồi.

Nơi sinh sống của triệu con hồng hạc

Buổi sáng sớm ở Ngoro Ngoro thật bình yên. Khác với khu Masai Mara ở Kenya chỉ là bình nguyên với các loài cây thấp, nhiều gai và đồng cỏ úa vàng, Ngoro Ngoro có nhiều loại cây to của rừng nhiệt đới, đồng cỏ vẫn còn xanh như tiết trời xuân. Cũng có thể do Ngoro Ngoro nằm trên độ cao hơn 2.500 m so với mặt nước biển. Điều đặc biệt là ở khu bảo tồn này có nhiều suối và một cái hồ rộng cả cây số vuông được hình thành từ miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Hồ có nhiều thủy sinh nên cũng là nơi lý tưởng cho những con hồng hạc khắp nơi ở châu Phi di trú về đây kiếm ăn khi các vùng khác trở nên khô cằn vào mùa nắng.

Yohana dặn chúng tôi rằng sáng hôm sau nên đi sớm để thấy hàng triệu con hồng hạc mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy một lần trong đời. Quả là không sai. Cả đoàn chúng tôi như cùng thảng thốt ồ lên khi chứng kiến triệu triệu con hồng hạc phủ kín mặt hồ. Đẹp như một bức tranh. Cận cảnh là hàng ngàn con ngựa vằn, linh dương đang nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa mặt hồ chỉ còn một màu hồng của những cánh hạc chấp chới bay lên đậu xuống. Anh Lê Trí, người đã đi hơn 50 nước, cùng đồng hành với VYC Travel hàng chục năm nay với những đường tour độc và lạ, cũng là người giúp chúng tôi rất nhiều khi thực hiện các clip, hình ảnh cho loạt ký sự này, cũng phải kêu lên: “Có một không hai!”. Có lẽ chính vì thế mà Ngoro Ngoro được Yohana rất tự hào là “thủ đô của hồng hạc”.

Ngoài hồng hạc thì ở Ngoro Ngoro, các loài thú khác không là bầy nhỏ, lẻ tẻ như tại Masai Mara mà có thể nói là “rừng thú”. Trâu rừng, sơn dương, heo rừng, ngựa vằn... khi có một tín hiệu từ thú ăn thịt đang ẩn núp gần đó thì chạy ngộp cả trời đất. (Còn tiếp)

Khu bảo tồn quốc gia Ngoro Ngoro của Tanzania có diện tích 8.292 km2,  cách trung tâm tỉnh lỵ Urusha 180 km về hướng tây. Một núi lửa đã ngưng hoạt động, đường kính miệng núi lửa khoảng 20 km, là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã như sư tử, ngựa vằn, linh dương. Đặc biệt nơi đây còn có một hồ nước lợ, là nơi sinh sống của hàng triệu con chim hồng hạc. Với hệ sinh thái độc đáo cùng nhiều loài động vật đa dạng, khu bảo tồn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979. Hằng năm nơi đây đón tiếp khoảng 500.000 du khách.

Cao Minh Hiển
(từ Tanzania)

>> Miền hoang dã - Kỳ 2: Bộ lạc đa thê
>> Miền hoang dã: Ngôi làng sống bằng... máu
>> Nhật ký từ miền hoang dã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.