Vì điều này, nhiều người sẽ nghĩ Quảng Bình là… tỉnh giàu. Nhưng không hẳn thế, bởi với nhiều nỗ lực phát triển kinh tế, đặc biệt là mũi nhọn du lịch, Quảng Bình cũng mới chỉ vươn mình trong vài năm gần đây. Năm 2022, tổng thu ngân sách của Quảng Bình ở mức hơn 8.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ chứ chưa dám so sánh với các TP lớn trên cả nước.
Đến ông Trần Hải Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, cũng thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên rằng "Quảng Bình không "dư dả" gì" và tỉnh phải sử dụng hơn 70 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện việc miễn học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024. Sử dụng hơn 70 tỉ đồng từ ngân sách, cũng có nghĩa là phải "bóp" một số khoản đầu tư khác xét thấy chưa cần thiết bằng giáo dục.
Nhưng vì sao Quảng Bình vẫn quyết làm? Theo ông Châu, tất cả là để học sinh tự tin bước vào một năm học mới, vừa "thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội". Bởi một khi người dân chưa phải lo nộp học phí cho con, thì ít nhất họ cũng có thêm khoản tiền để tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Điều ông Châu nói hoàn toàn có cơ sở, bởi sau khi có thông tin về chính sách miễn học phí, rất nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thở phào nhẹ nhõm, khỏi phải lo thêm gánh nặng tài chính trong chi tiêu gia đình.
Miễn học phí trong bối cảnh toàn dân vừa trải qua đại dịch Covid-19, khó khăn kinh tế bủa vây…, dù trong "địa hạt" nhỏ như Quảng Bình, cũng được xem là quyết định mạnh mẽ, hợp lý từ chính quyền địa phương. Đã có một số tỉnh, thành miễn giảm học phí từ trước đó nhưng với cách làm và điều kiện thực tế của Quảng Bình, có lẽ nhiều địa phương khác có thể tham khảo.
Bình luận (0)