Dù ở nơi xa xôi hẻo lánh hay tại các đô thị lớn, bất cứ khi nào người bệnh cần, nhiều y bác sĩ không nề hà, miễn sao giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.
|
Người “hộ mạng” của dân làng
Đại úy Huỳnh Văn Ngọc, Trưởng trạm Quân dân y kết hợp xã Axan (H.Tây Giang, Quảng Nam), là bác sĩ duy nhất của trạm nên những ca bệnh khó đều đến tay anh. Không ít lần đại úy Ngọc vã mồ hôi hột khi gặp những ca bệnh quá khó trong khi trang thiết bị còn thiếu thốn. Nhưng bằng cả tâm và trí của người thầy thuốc bộ đội, anh đã giúp nhiều người vượt cơn thập tử. “Cách tỉnh lỵ Quảng Nam đến hàng trăm cây số đường rừng, nếu chuyển trực tiếp lên tuyến trên thì nhiều trường hợp người bệnh không thể sống sót được. Cho nên, người dân đã không đến trạm thì thôi, đã tìm đến thì bằng mọi cách tôi phải cấp cứu, sơ cứu để giúp họ qua cơn nguy kịch”, bác sĩ Ngọc trải lòng.
Trong lòng người dân khắp khu 7 gồm 4 xã Tr’Hy, Gary, Axan và Ch’Ơm, bác sĩ Ngọc như một người “hộ mạng”, không nề hà bất cứ việc gì miễn là cứu được người.
Trạm Quân dân y Axan nằm trong một thung lũng nhỏ, cách nước bạn Lào khoảng nửa ngày đường đi bộ. Đời sống người dân ở phía bên kia biên giới còn nhiều khó khăn và đặc biệt là chưa có trạm y tế. Dù xa, nhưng biết phía Việt Nam có bác sĩ cùng điều kiện đi lại giữa hai nước thuận lợi nên người dân Lào vẫn thường tìm đến trạm để cầu cứu bác sĩ Ngọc. Mỗi năm, trạm đón khoảng 200 - 300 lượt bệnh nhân Lào đến khám và lưu trú điều trị các bệnh như: sốt rét, ngộ độc, sốt… Nhiều người nói vui với bác sĩ Ngọc rằng, anh như một “sứ giả” của tình hữu nghị hai nước Việt - Lào. Bởi chính anh đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân nước Lào vào bác sĩ, vào y đức Việt.
|
“Cứu được bệnh nhân là vui rồi” !
20 giờ ngày 22.2, chuông điện thoại tại phòng cấp cứu Bệnh viện Q.2, TP.HCM reo liên hồi. Đầu dây bên kia, một phụ nữ giọng gấp gáp: “Bác sĩ ơi, làm ơn cứu chồng tôi, ổng bị nôn ói, ngất xỉu…”.
Trực tiếp nghe điện thoại, điều dưỡng Dương Tuấn Khanh nhẹ nhàng khuyên người phụ nữ bình tĩnh, mô tả chi tiết hơn nữa biểu hiện, tiền sử bệnh, tình trạng của người bệnh… và không quên ghi lại số điện thoại, địa chỉ trước khi cúp máy. 5 phút sau, xe cứu thương hú còi rời khỏi cổng bệnh viện. Trên xe là điều dưỡng Khanh cùng bác sĩ khoa ngoại Trần Thành Công với một va li y cụ, 2 túi cấp cứu ngoại viện.
Đến nhà bệnh nhân, lập tức bác sĩ Công cùng điều dưỡng Khanh tiến hành đo huyết áp, nhịp tim… Sau khi phân tích tình hình cho người nhà, bác sĩ Công quyết định phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất cấp cứu.
Gần 21 giờ, bác sĩ Công và điều dưỡng Khanh mới trở về Bệnh viện Q.2, kết thúc một ca cấp cứu ngoại viện trong đêm. Vừa đến nơi, anh lại nhanh chóng làm thủ tục chuyển viện cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng trước khi bắt đầu buổi cơm tối vội vã. Trong khi đó, điều dưỡng Khanh cũng lao vào công việc còn dang dở…
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2, đội cấp cứu ngoại viện tuy mới triển khai 6 tháng qua nhưng đã có rất nhiều người dân trong quận biết đến, thậm chí các quận lân cận như Q.Bình Thạnh, Q.9 cũng đã gọi đến. “Dù còn nhiều khó khăn, còn những trường hợp khiến đội cấp cứu ngoại viện phải e dè nhưng sau mỗi ca cấp cứu kịp thời, cứu sống được bệnh nhân, đưa được bệnh nhân đến bệnh viện cần đến một cách an toàn là cả đội đã rất vui rồi, dù lúc ấy, gà đã bắt đầu gáy sáng”, điều dưỡng Khanh tâm sự.
Hoàng Sơn - Thanh Đông
>> Tiêm an toàn giảm rủi ro cho người bệnh
>> Nhân rộng mô hình giảm “hành” người bệnh
>> Đội quân" chuyên chăm sóc người bệnh
Bình luận (0)