Miền Tây của những miền Tây...

27/10/2022 15:00 GMT+7

Lâu lâu bạn lại nhắn, rồi viết chưa, rồi có định thi không, rồi bỏ cuộc rồi phải không? Bạn nhắn hối mình khi thấy nghĩa tình của người dân miền Tây cứ ăm ắp trong từng trang viết…

Bạn hỏi, sao không viết gì đó về miền Tây? Mình thấy được nỗi sốt sắng trong lòng bạn. Bởi miền Tây trong mắt bạn là xứ sở của những điều trượng nghĩa.

Bạn kể, bạn yêu miền Tây qua những trang viết của một nữ nhà văn nọ. Để khi dạt trôi vào miền Nam, bạn cứ nằng nặc đòi về quê mình chơi cho bằng được. Như cách để bạn kiểm chứng những gì sách nói. Mình từng đùa với bạn rằng “trong tao là cả một miền Tây đây nè”.

Rời quê lên phố, bám trụ ở những ngã ba, ngã tư chật chội tiếng còi xe, nhưng hình như cái máu miền Tây chưa bao giờ vơi cạn trong người mình. Bạn hỏi, miền Tây giờ còn những ngôi nhà ngủ không bao giờ đóng cửa, còn những mùa gió thổi xạc xào đám lá dừa nước ven sông, còn tính khí hào sảng, bạn đến chơi nhà xúc lúa giống trên bồ đem ra đãi. Bạn hỏi nhiều, có câu mình trả lời cái rụp, có câu vì bận nhớ quê mà nước mắt nước mũi lòng thòng không kịp nhớ bạn đã hỏi gì?

Một đoàn phim về miền Tây thực hiện chương trình khám phá du lịch - ẩm thực

NGUYÊN VÂN

Bạn hay vỗ vai mình cười, lúc nhận hũ mắm, mớ cua gãy càng hay ít bánh cà bắp má gởi xe đò lên cho mình. Câu nói “y chang trong sách viết” của bạn làm mình xốn xang. Bởi mình đã không phụ lòng ba má, phụ lòng cái xứ sở nuôi mình khôn lớn, ít ra giữa phố xá rộng dài mình cũng còn giữ lại được chút tấm lòng thơm thảo nhà quê. Mình nhớ cái xóm nhỏ chập chờn khói, nơi một nhà nấu chè cả xóm đều được ăn, nơi có mùa chụp đìa cả xóm xúm nhau bắt cá làm khô, nơi có đòn bánh tét ngọt lừ “xách về cho sắp nhỏ” mỗi lần giỗ quải. Mình lớn lên từ những điều nhỏ nhoi, bình dị như thế.

Bạn biểu mình hát vọng cổ. Ý nghĩ ai ở miền Tây cũng đậm dày máu tài tử, thuộc nằm lòng mấy tuồng cải lương buồn ác chiến của bạn làm mình thắc cười. Không đành lòng để tình yêu dành cho cải lương bị phá nát trong bạn, mình không dám đổ câu vọng cổ bằng cái giọng hụt hơi, đớt đát. Bạn kể, hồi nhỏ mỗi lần nghe Minh Cảnh dứt câu (xuống xề) là bạn vỗ đỏ bắp đùi “ngọt như mía lùi”, rồi bật cười với vụ “mưa mút mùa Lệ Thủy” hay có bận bạn cười lúc mình biểu để hát vọng cổ cho nghe, “lấy hơi Minh Cảnh đàng hoàng”, bạn liếc mắt nhìn mình “giấu nghề hen mậy”. Mình bưng ly nước bạn đánh ực còn trơ vơ đáy rồi khà một hơi, đó mày thấy tao hút một hơi dài như Minh Cảnh chưa? Tự dưng lúc đó, bạn như một minh chứng chân thật nhất đối với mình, rằng cải lương sẽ không bao giờ “chết”. Bạn đòi móc ngoéo mới tin, khi mình hứa dẫn bạn về ngồi trên tấm chiếu lát, nghe đờn ca tài tử, uống rượu đế “cấm đầu”, ăn cá lóc nướng trui “mát trời ông Địa”.

Một bữa thấy lòng dạ trống không, dắt bạn về thăm quê trên chiếc xe máy cà tàng đủ thứ bệnh tật. Mình hù, có khi đẩy xe dìa tới Kiên Giang cũng không chừng. Mình có thể biết bạn đang cười dù không quay đầu nhìn lại “sợ khỉ mốc gì? Có gì tấp vô nhà người ta xin ngủ ké”. Mình không biết điều đó nằm ở trang nào trong sách hay bạn học được từ đâu. Nhưng có lẽ vì câu nói của bạn mà mình không còn nơm nớp lo sợ cái xe nằm trơ ra giữa đường nữa. Mình dừng xe chỉ bạn ngã ba “Không có gì đâu” (tên mình tự đặt), nơi có cặp vợ chồng già hừng đông đã thức dậy gói bánh tét, luộc khoai mang biếu bà con trở về quê tránh dịch. Ông chồng dựng “trạm xăng”, lục lại mớ đồ nghề sửa xe bị bỏ quên ngót nghét mười mấy năm ra hành nghề trở lại. Tất cả đều miễn phí. Công cuộc “tái xuất giang hồ” của ông bà già bị đám con cháu trong nhà một mực cản ngăn nhưng tụi nhỏ cũng bỏ cuộc, xắn tay áo nhào vô tiếp ông bà già dựng lên ngã ba “Không có gì”. Hỏi ông bà già, không sợ bị “dính chưởng” sao. Ông bà già cười khà khà “vi rút nào vật được tao”. Những đoàn xe tấp nập dừng lại đón lấy đòn bánh tét, củ khoai, chai nước, bơm bánh xe... rồi chầm chậm rời đi, theo sau họ là câu nói “Không có gì, về mạnh giỏi nghen”. Suốt dọc đường về mình không nhớ đã ghé chỉ bạn bao nhiêu ngã ba đường như thế...

Vừa đặt ba lô xuống, bạn nằng nặc đòi ra thăm bà Hai Ốc hơn 85 tuổi ở Hòn Heo - người suốt 10 năm, ngày hai buổi đưa rước, lo cơm nước cho học sinh trên đảo đến trường, để cha mẹ các em yên tâm bám biển. Bạn nói không quên được nụ cười mất hết răng của bà già, đẹp muốn xỉu. Mình nhìn bạn cười, chợt nhớ ra những người như bà Hai Ốc đâu có thiếu ở xứ này, những người chọn việc giúp người làm niềm vui, làm hạnh phúc.

Ngồi dưới sàn lãng hứng ngọn gió đồng thổi qua, bạn biểu “nữa già chắc về đây sống cho phẻ”. Mình không dám cười lớn trước những lần bạn nói giọng miền Tây nhưng chế bán bánh lọt đâu có chịu. Chế nhìn bạn cười “mèn đét ơi, cái thằng định mần rể ở đây hen”. Chế bán bánh lọt thiếu điều muốn kéo xuồng lên bờ ngồi nói chuyện cùng bạn. Những câu chuyện không đầu không cuối như kéo hai con người xa lạ xích lại gần hơn. Để lúc đạp xuồng rời đi, chế còn dặn “chừng nào về, điện cho chế hay trước một bữa, để chế nghỉ bán ở nhà đổ bánh xèo cho mấy cưng ăn chơi”.

Hỏi bạn, có chút gì đổ vỡ khi tận mắt thấy miền Tây “bằng xương bằng thịt”. Bạn đứng trầm ngâm nhìn cánh lục bình vừa trôi vừa nở, cảnh vật có khác nhưng cái chất mộc mạc, hào sảng, giản dị của người miền Tây vẫn còn y nguyên vậy, chẳng bao giờ phai lạt. Dường như mỗi cọng cỏ, ngọn cây, con đường ở đây đều thân thuộc với bạn. Đâu ngờ, chính bạn mới là dân miền Tây thứ thiệt, chứ không phải mình.

Đêm ở quê tiếng bù tọt gieo vào lòng bạn mảnh nhớ. Thằng Khờ lủi vô hàng ba ngủ ngáy như máy cày. Má giăng mùng đẩy Khờ vào chính giữa trước khi lũ muỗi “xé xác” Khờ ra. Người trong xóm không biết Khờ từ đâu trôi dạt đến mà không có nỗi miếng giấy lận lưng. Khờ bám rễ đất này bằng tình thương của hàng xóm láng giềng, “có gì ăn nấy”. Sáng Khờ lang bạt khắp đầu trên xóm dưới, tối đến hễ đụng đâu ngủ đó. Thím Ba ngoài ngã tư, mấy bận kéo Khờ về nuôi nhưng cũng từ bỏ bởi “chân nó là chân đi, ở yên một chỗ không được”. Bạn nói trong lúc Khờ trở mình lấy thế, ngủ ngáy vầy có khi nào bị đuổi chưa? Mình chưa từng chứng kiến cảnh đó, chỉ thấy lâu lâu cả xóm chặn Khờ lại, tháo mớ ống hút, bọc ni lông buộc trên người Khờ xuống rồi cắt tóc, tắm rửa thay đồ mới cho Khờ. Chắc vì vậy, mà Khờ không nỡ bỏ xứ này mà đi.

Bạn chuẩn bị trở về thành phố. Hồ nghi bạn đã nhét hết cả miền Tây vào trong ba lô để lâu lâu mở ra xem, hờ khi nhớ tới. Mình thấy môi mắt bạn rưng rưng nhìn những người nhà quê tiễn bạn lên đường. Xe chầm chậm khuất dần trong ngọn khói cơm chiều mờ nhạt, những cái ngoái đầu va vào nhau chấp chới. Ngồi sau xe, bạn ghét sát tai mình, túi quà này chắc phải dành mấy tuần ăn mới hết, còn tình nghĩa ở xứ này bạn dành cả đời để nhớ, để thương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.