Nhớ mùa hè và bến đò ngang thuở ấy

25/10/2022 15:00 GMT+7

Một trưa hè nắng chói chang, tôi trở lại cái xóm ven bờ sông Hàm Luông ngày xưa... Tôi đi ngang qua ngôi trường cũ. Mấy cây phượng già trong sân hoa đỏ như lửa. Cổng trường khép kín, những phòng học cửa đóng im ỉm. Dãy hành lang vắng tênh…

Đã vào hè. Ve sầu râm ran ngâm khúc nhạc buồn muôn thuở. Bỗng nghe man mác nhớ một thời thơ ấu xa xôi! Bạn bè giờ tứ tán. Nghe bác bảo vệ nói cô H. đã nghỉ hưu, theo chồng về B.Đ mấy năm rồi! Hồi đó cô dạy văn. Cô thương mình lắm! Ngày ấy cô mới ra trường, vậy mà hơn ba mươi năm rồi! Thời gian như nước chảy qua cầu, như bóng câu qua cửa… Đôi lúc soi bóng trong gương hoặc nhìn tấm ảnh bạn chụp hình mình đưa lên Facebook, bỗng bồi hồi, thảng thốt bởi sự tàn phá rất vô tình của thời gian! Nhiều người đã nói đến thời gian với những cảm nhận vui buồn khác nhau. Đúng là thời gian như con ngựa bất kham luôn, vẫn luôn phi nhanh về phía trước, bỏ lại phía sau cho ta mãi mãi là những kỷ niệm và ký ức…

Đò ngang

tgcc

Mấy cái quán gần trường buổi trưa vắng vẻ. Những trái trứng cá chín rụng đầy sân. Màu sắc của trái trứng cá là sự chuyển hóa độc đáo và hoàn hảo của tự nhiên. Ban đầu trái xanh lét, vài hôm sau chuyển sang màu xanh bóng, vàng ẻo, hườm hườm (hường nhạt), hường sậm, hồng cánh sen, đỏ nhạt, cuối cùng là đỏ, rồi đỏ ối, đụng nhẹ cũng sứt cuốn, lộ phần thịt mỡn mà, thơm thơm, nhè nhẹ chút mùi đường mía vừa chín tới, khó cưỡng! Vòm cây trứng cá, hình như vẫn còn đâu đó trong tôi tuổi thơ! Các bạn gái thì chơi nhảy dây, đánh đũa, nhảy lò cò. Các bạn trai thì thích đá cầu, cút bắt, thảy đáo, đá banh…

Nhưng bây giờ không còn nữa, và sẽ chẳng bao giờ còn nữa, bởi ấy chỉ là những kỷ niệm đẹp, hồn nhiên của tuổi học trò trong những năm tháng sau chiến tranh… Trẻ em, học sinh bây giờ thích trò chơi điện tử, hay “chat”, tám, trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh!

Ngày xưa đường về xã, lên huyện ở quê tôi chưa có cầu như bây giờ. Muốn qua sông phải đi đò ngang. Bến sông ấy có hai cha con người lái đò sống dưới một mái lá tuềnh toàng. Người cha là thương binh thời chống Mỹ, cụt một cánh tay tới khủy. Tôi nhớ hoài cái bóng mảnh khảnh của ông ấy đứng sau lái ghe điều khiển chiếc đò ngang chở mười mấy người rất khéo dù chỉ một tay, một chèo. Ống tay kia phất phơ bay trong gió. Dòng sông đôi bờ lá xanh ngun ngút, dài xa tít tắp. Lục bình chậm rãi trôi tới, trôi lui theo con nước lớn ròng…

Chừng mười lăm năm sau hòa bình, nhà nước bắc cầu qua con sông ấy. Tôi có đôi lần về thăm quê, khi qua cầu, tôi dừng lại cố tìm dấu vết của cái bến đò xưa… Nhưng chẳng thấy gì ngoài đám lá um tùm, âm âm, mù mịt. Sau này, nghe người ta nói: cha con người lái đò ấy không còn ở đó nữa. Có một điều lạ là không ai biết được vợ ông ấy là ai?!… Bây giờ, chắc cô bé chừng sáu, bảy tuổi, đôi mắt to đen, vầng trán ngây thơ, đội cái mũ tai bèo cũ kỹ, hay ngồi vọc nước với cái gáo dừa sau khoang lái, đã có chồng con đùm đề. Tôi cũng đôi lần có ý nghĩ, mong cho cha con người lái đò kia được khá giả, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc… Tôi bỗng chợt liên tưởng miên man về những chuyến đò ngang trên sông nước:

… Miền Tây quê tôi với sông rạch chằng chịt như mạng nhện là một nét đặc trưng, độc đáo của đất phương Nam. Điều kiện ấy thật lý tưởng cho giao thông thủy. Nhưng đối với giao thông bộ, đây là một trở ngại, khó khăn kể từ thời cha ông ta khai mở đất.

Ai là người chẳng từng qua một chuyến đò ngang nào đó, trên một khúc sông quê! Đò ngang đưa mẹ và chị đi chợ, đưa trẻ đến trường, đưa người xuôi ngược mưu sinh. Và thuở chiến tranh, cách đây hơn nửa thế kỷ, đò ngang đã từng làm một nhiệm vụ rất vẻ vang là đưa những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đi công tác và ra chiến trường. Hồi ấy, theo lời kể của những cán bộ lão thành còn sống, thì những bến đò ngang thường được các cô giao liên đảm trách. Đã có rất nhiều câu chuyện tình lãng mạn thời chiến xảy ra trên những chuyến đò ngang giữa người chiến sĩ giải phóng quân và cô gái đưa đò!

Qua sông mùa nước lên

tgcc

Đò ngang ở quê thường là những chiếc ghe nhỏ, đôi khi là xuồng ba lá chòng chành, lắc lư. Người lái đò dùng chèo chiếc (miệt Bến Tre, Tiền Giang), chèo đôi (miệt Cần Thơ, Hậu Giang ), hoặc có thể dùng dầm để bơi đối với đò ngang nhỏ, chở ít người. Đó là ở những khúc sông nhỏ chừng một hai, trăm mét hay dăm ba chục mét trở lại. Ở những khúc sông lớn của sông Tiền, sông Hậu và những nhánh sông khác trong hệ thống sông Mê Kông, đò ngang đã được con người phát triển nâng cao, thay đổi hình thức, hình thành những chuyến phà hiện đại có trọng tải hàng trăm tấn. Những chuyến đò ngang khổng lồ ấy ngày đêm cần mẫn, đưa biết bao nhiêu con người, hàng hóa, phương tiện qua sông. Đã có biết bao cuộc đời sang, hèn, sướng, khổ… từng có một lần nào đó, vội vã chen chúc, bước nhanh chân cho kịp chuyến đò ngang! Có lẽ trong chúng ta, có rất nhiều người đã từng qua những chuyến đò như thế! …

Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài người bạn cũ thời thanh niên. Chào nhau có khi rất chân tình, có khi như vội vã! Có khi mời nhau ly cà phê. Cũng có lúc là bữa tiệc hoành tráng với món đờn ca tài tử cây nhà lá vườn. Tiếng đàn của mấy người bạn cũ của tôi giờ rất điêu luyện, mùi mẫn, chỉ tiếc những giọng ca mượt mà thuở ấy, ngày nay đã hơi khàn đục, buồn buồn như cuộc sống vốn đa đoan với gánh nặng cơm áo, gạo tiền! Mùa hè… Rồi một mùa hè nữa sẽ đi qua. Hoa phượng cuối tháng năm nở đỏ rực bên trời, gợi cho ta nhớ man mác về quê hương, chốn cũ, ngày xưa và những chuyến đò ngang trong ký ức!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.