Hơn mười năm trôi qua mà hình ảnh của cô em gái miền Tây từng giúp đỡ tôi suốt những ngày đau yếu ở bệnh viện vẫn còn đằm sâu trong tâm trí. Từ đó đến giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vừa biết ơn vừa dành nhiều tình cảm mến thương để hướng về vùng đất phương Nam, nơi có người em gái nhỏ nghĩa tình.
Có khi gặp một người ta yêu cả vùng đất. Tôi yêu hơn đất phương Nam từ nghĩa tình của em gái miền Tây |
duy tân |
Em lên Sài Gòn để nuôi cha. Tôi vào đây để chữa bệnh. Cùng gặp nhau tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương 2. Vì hoàn cảnh gia đình, vợ tôi không thể đi theo. Vợ của người cậu ruột, tôi gọi bằng mợ đã vào giúp cháu. Sau vụ tai nạn, tôi bị gãy xương gò má, miệng không hả được nhưng đi đứng vẫn bình thường. Bác sĩ bảo phải theo dõi một tuần mới lên lịch mổ nâng xương. Tranh thủ thời gian chưa mổ, mợ ra thăm hai đứa em đang học ở Thủ Đức. Tôi tự lo cho mình và phụ giúp những người đang điều trị chung phòng, trong đó có cha của em. Chúng tôi quen nhau từ đó.
Chiều Sài Gòn tháng bảy, những cơn mưa giông bất ngờ ập đến rồi vội vã rời đi, nhanh như dòng người ngược xuôi trên phố. Đô thành được tắm mát trong mưa giúp cho không khí dễ chịu hơn. Mưa cuốn trôi bao nhiêu bụi bặm, ngột ngạt nhưng cũng làm ướt sũng lòng người trong cảnh khó khăn. Thú thật là ở nơi đất khách người xa, biết ai thân thích nên tôi e ngại, dè dặt với những người mới tiếp xúc. Nhưng mỗi ngày lại thấy em càng chân thành, cảm giác nghi ngại trong tôi tan biến và nhường chỗ cho sự an tâm, tin tưởng. Mỗi chiều, sau khi lo xong cơm nước cho cha cũng là lúc ánh đèn phố thị lung linh rực rỡ, ngồi ở hành lang bệnh viện, nhìn về phía trời xa, em kể cho tôi nghe về bản thân và gia đình, về con người và vùng đất miền Tây yêu quý.
Lần đầu nghe cô gái miền Tây kể chuyện, mỗi đêm một ít, tôi cứ liên tưởng đến nàng Scheherazade trong huyền thoại ở xứ sở Ba Tư. Có điều, 1001 câu chuyện của em đều hướng về miền Tây thương mến. Sống ở miền Trung quen nhiều nắng gió, giờ được biết thêm một vùng châu thổ màu mỡ tốt tươi, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, bốn mùa cây trái sum suê trĩu trịt, chằng chịt kênh rạch sông ngòi, mênh mông sông nước, nên tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Cảm giác trong tôi như đang có ngọn gió từ sông Tiền, sông Hậu thổi lên mát rượi. Tôi như đang nghe tiếng mái chèo khua nhẹ trong rừng tràm rừng đước, tiếng cựa mình vươn lên của bông sen bông súng dưới lớp bùn non, tiếng lòng rộn ràng của người miền Tây mỗi năm chờ con nước lớn.
Mùa nước nổi, ngồi trên xuồng mà nghe tiếng cá quẫy đuôi, nhìn con nước lớn ròng để đón chờ tôm cá, chiều chiều nghe tiếng chim trời ríu rít gọi nhau về tổ mà thêm yêu quê nhà, bơi xuồng hái bông súng bông điên điển nấu canh chua hoặc kho tép mà càng thương quý giọt phù sa bồi lắng. Những đàn cá linh trắng muốt cũng tìm về với vùng đồng nước chín nhánh phù sa. Em còn khẳng định: cá linh mùa nước nổi như món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho miền Tây, như thể đền ơn người có công khai phá rồi gắn bó với vùng đất này, từ thuở còn hoang sơ rừng thiêng nước độc đến tận bây giờ. Người dân miền Tây rất khéo léo kết hợp các loại cá với hoa trái miền sông nước để chế biến thành những món ăn đặc sản như lẩu, chiên, kho, mắm... Tuy bình dị mà ngon ngọt, đậm đà và mang nét riêng độc đáo trong văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Em mời tôi có dịp về đây một chuyến cho biết. Tôi như đang trôi miên man giữa vùng đất “Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang/Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh”.
Đến ngày phẩu thuật, ba của em vì tuổi cao sức yếu, lại còn tăng huyết áp nên chưa mổ được. Tôi thì may mắn hơn, không có trục trặc gì. Khi tỉnh lại, dù đau đớn vô cùng nhưng tôi thật xúc động khi vừa có mợ vừa có em bên cạnh. Ông cụ được mổ sau tôi một ngày, mọi điều tốt đẹp. Suốt mấy hôm đầu, máu cứ chảy ra miệng, mặt sưng vù bầm tím, mắt không nhìn thấy rõ, nói cũng không được vì quá đau, phải ăn cháo loãng đặc dụng, dùng cho bệnh nhân sau phẩu thuật của bệnh viện. Em vừa chăm sóc cho cha vừa giúp đỡ tôi rất nhiều. Giặt đồ cho cha và cả cho tôi, gội tóc cho cha rồi em gội tóc cho tôi trong mấy ngày còn yếu. Nhắc nhở uống thuốc, lau rửa vết thương, ân cần hỏi han, cần gì thì anh ghi ra giấy để em mua giúp... Em nói mợ đã già, đi lên đi xuống mỏi lắm, để em nhận thay phần cháo hoặc mua giúp đồ lặt vặt. Mợ là người thân như mẹ, ơn không kể hết. Còn em, cô gái miền Tây mới quen nhưng nặng ân tình. Tuy vết mổ đau đớn nhưng lòng tôi cảm được tình người thật ấm áp!
Bác sĩ dặn dò rồi thông báo ngày xuất viện. Đêm cuối, ngồi ở hành lang, tôi hiểu được lòng em đang nhớ chồng con da diết. Em nói tiếc nuối việc học hành dang dở, quen cảnh chân lấm tay bùn, cả đời chưa từng đi đây đi đó, chỉ gắn bó với đất quê. Hơn nửa tháng xa nhà, nhìn ánh đèn rực rỡ, ngắm phố thị phồn hoa mà lòng lại nhớ ngọn khói lam chiều, thương tiếng ếch nhái râm ran, an bình với tiếng gáy của con dế than dế lửa. Nơi xa ấy có mái ấm gia đình, có chiếc cầu nhỏ bắc ngang con rạch trước nhà, có tiếng chim bìm bịp kêu chiều, có đám lục bình nở tím cả bờ kênh…Tôi chỉ biết nói lời đa tạ tấm lòng của em, an ủi động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn. Em trách tôi nói dối là thợ hồ không biết chữ, sao bữa trước lại ghi ra giấy là “Cảm ơn em rất nhiều”? À, lúc mới đầu tôi sợ đủ điều nên làm bộ ngu ngơ, sau biết em chân thành nên tôi mới nói thật về hoàn cảnh của mình, mong em thứ lỗi! Em từ chối mãi nhưng tôi thành tâm năn nỉ và dúi vào tay em một ít tiền để mai em về mua cho con trai bộ sách giáo khoa lớp 1, xem như cậu giúp cháu nhen!
Vùng quê nào cũng có nét độc đáo riêng về thiên nhiên, con người và những trầm tích văn hóa. Trong đó con người là nhân tố quan trọng nhất. Thiên nhiên vẫy bước chân xa nhưng tình người mới níu giữ lòng khách lạ. Miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng lắm. Điều quý nhất là nơi đây đã hình thành một nền văn hóa sông nước từ chính những con người chất phác, thật thà, thẳng thắn, hào hiệp… Tâm hồn của họ đằm thắm, dịu dàng như chiếc áo bà ba; ngọt ngào như câu hò điệu lý; son sắt nghĩa tình như bài Dạ cổ hoài lang; trượng nghĩa anh hùng như những Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực trong thơ Đồ Chiểu. Họ tâm niệm sống ở đời phải “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi” hoặc thậm chí “Thà đui mà giữ đạo nhà”!
Chiều cuối tháng sáu, tôi khấp khởi mừng vui khi biết hội nghị rất quan trọng vừa diễn ra ở Cần Thơ, sẽ “tập trung nguồn lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Rồi đây, các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp - nông thôn, y tế, giáo dục… sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp cho miền Tây nói riêng và cả nước nói chung. Hy vọng vùng đất chín Rồng sẽ cất cánh bay cao.
Có khi gặp một người ta yêu cả vùng đất. Tôi yêu hơn đất phương Nam từ nghĩa tình của em gái miền Tây!
Bình luận (0)