Chuyến xe chở sinh viên ra trường về Long An có một xe. Đường gồ ghề đầy ổ gà ổ trâu, bụi mịt mù, xe long lên sòng sọc. Tôi và năm bạn nữa cùng được chở đến huyện Đức Hòa. Rồi chiếc xe chạy tiếp chở theo số sinh viên còn lại đi đến các huyện xa xôi khác trong tỉnh.
Quốc lộ 50 đoạn qua khu vực Trung tâm TT.Cần Đước (Long An) |
bắc bình |
Chỉ trong buổi sáng chúng tôi được phân công đến ngay ngôi trường cấp ba Đức Hòa. Còn mấy ngày hè nên trường vắng vẻ. Chúng tôi được sắp xếp ở các phòng mé sau trường. Có lẽ là phòng học cũ được ngăn đôi thành hai phòng nhỏ, vách gỗ cũ kỹ, có phần ẩm thấp. Mỗi phòng có hai chiếc giường đơn kê sẵn tự bao giờ, một cái bàn con, hai chiếc ghế gỗ, một cái tủ gỗ cũ. Nồi niêu xoong chảo chúng tôi đem theo được bày ra, chuẩn bị cho buổi cơm trưa. Gạo mỗi người cũng đem theo một ít cùng mắm muối…
Đang tính toán việc cơm trưa chợt một cô đến gọi chúng tôi lên phòng hiệu trưởng họp ngay.
Đón chúng tôi là một thầy dong dỏng cao, gầy, áo sơ mi ngắn tay, chân mang dép tổ ong màu trắng. Thầy tự giới thiệu là hiệu trưởng. Trong phòng, một cô giáo tóc uốn dài, áo sơ mi và chiếc quần tây nâu giản dị cũng bước ra nhoẻn miệng cười, “tôi là Hoa, hiệu phó chuyên môn. Chào các cô giáo thầy giáo mới tinh nhen”!
Chúng tôi phần nào bớt lo lắng, cảm thấy ấm áp một chút. Nói chuyện và giới thiệu về ngôi trường xong. Cô Hoa cùng thầy hiệu trưởng hỏi chúng tôi ăn uống trưa nay thế nào. Chúng tôi bẽn lẽn chưa biết trả lời ra sao thì cô Hoa nói:
- Thôi, việc nấu nướng tính sau nhé. Bữa cơm trưa nay chị mời mấy em về nhà chị dùng.
- Dạ chúng em không dám phiền cô. Chúng em có mang theo gạo và đồ ăn rồi ạ… Một bạn mau mắn vội trả lời cô hiệu phó.
- Không sao, biết sáng nay sẽ có sáu thầy cô về nhận nhiệm sở, đường sá xa xôi, người thành phố còn lạ lẫm lắm, nên chị nói mẹ chị nấu cơm canh sẵn sàng rồi. Các em chỉ đi bộ theo chị một đỗi là tới nhà thôi.
Đi khoảng mươi phút thì đến ngôi nhà ngói hai gian. Có cổng rào với hàng râm bụt xanh ngắt rải rác những nụ đỏ như quả ớt chín đã ló ra mát mắt. Con chó nằm trước cửa mắt lim dim bật dậy sủa vang khi thấy cả đoàn chúng tôi tiến vào sân. Cô Hoa bảo chúng tôi rửa mặt mũi ở cái lu nước đầu hè và “khát thì nước đó múc uống luôn cũng được”.
Xong xuôi, chúng tôi theo cô vào gian bếp. Mẹ cô đang lụi cụi sắp xếp mâm bát trên chiếc bàn gỗ. Chúng tôi xăn tay vào làm cùng sau lời chào kính cẩn…
Nồi cháo vịt nóng hổi, chén hành thơm phức, chén nước mắm gừng nhìn ứa nước chân răng, hai đĩa gỏi thân chuối non… Bảy cô trò ngồi vào bàn, mẹ cô vui vẻ:
- Mấy con cứ tự nhiên như nhà mình vậy nhen…
Rồi bà ra võng nằm lim dim.
Chúng tôi lúc đầu còn e dè, sau vài câu chuyện của cô, sáu thanh niên đánh sạch nhẵn nồi cháo vịt. Còn ít thịt vịt, cô cho vào chiếc lá khoai sạch túm lại bắt chúng tôi lát mang về tối ăn. Tôi xúc động muốn ứa nước mắt nhưng cố kìm lại được.
...
- Cô ơi…
Thằng bé đen nhẻm, cao ngồng, chân đi đất, mặc chiếc quần xà lỏn với chiếc áo cũ rón rén đứng trước cửa. Tôi đang lúi húi chụm bếp nấu cơm chiều, khói mịt mù vì củi ẩm, hỏi vọng ra “Ai đó ạ”, “Dạ con… Bình nè cô”... Rồi lại ngập ngừng, “Cô ơi, má con kiu đem cho cô chục hột gà dí ít đậu phộng má mới dỡ hồi mơi”, vừa nói nó vừa cúi để túi quà xuống ngay cửa. Chưa kịp nghe tôi nói câu nào nó đã chạy biến theo con đường ruộng phía sau trường!
…
Mùa mưa, một ngày không có giờ dạy buổi sáng. Tôi thơ thẩn ra mé sau trường… Người ta gặt hái đã xong tự hồi nào. Những đụn rơm chất đống cao ngất. Vài chú gà con quanh quẩn bới tìm thức ăn. Tiếng gà gáy xa gần, gà mái cục ta cục tác đâu đó. Mùi rơm rạ ẩm quyện với cỏ non sương sớm khiến tôi thấy ấm áp, vừa một chút nhớ nhà chợt nhen lên trong lòng… Ai đó cầm rổ đang lúi húi vạch gốc rơm ra bắt gì đó… Tôi tha thẩn lại xem…
- Cô là cô giáo phải hôn cô?
Chưa kịp để tôi trả lời thì người này vừa "bắt" vừa nói tiếp,
- Tui bẻ nấm nè cô giáo. Cô ăn nấm không, Cô vạch chân mấy đụn rơm lên tìm là có đó cô! Cô bẻ đi, hông lát nó bung hết, uổng lắm!
Trời, thì ra là nấm rơm. Mắt tôi sáng lên. Bụng vừa mừng vừa thích thú…
Một lúc sau, tôi cũng được khoảng chục cái nấm to nhỏ. "Cô được bi nhiu rồi cô"? Chị tiến lại chỗ tôi nhoẻn miệng cười: "Trời, nãy giờ cô được có xíu ăn sao đủ, em cho cô thêm nè". Nói rồi chị vốc cho tôi một vốc vào giữa chiếc lá khoai! Tôi há hốc miệng mừng rỡ.
Một lần bị nóng sốt, tôi không đến lớp được. Phải nằm bẹp trên chiếc giường ọp ẹp trong phòng, đồng nghiệp thì đã lên lớp dạy... Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cả học trò nhen lên trong lòng… Ngày thứ hai cũng không đến lớp. Chiều, sau tiếng trống tan trường một lúc, tôi bỗng nghe tiếng trẻ lao xao… Chỉ một phút sau, cả đám học trò ùa vào phòng tôi. Cô đồng nghiệp đang chuẩn bị cơm nước vội ngưng tay để tiếp khách.
- Cô ơi, cô sao dạ cô?
- Cô dạy tụi mình cực quá nên bịnh rồi!
- Tụi bay hổng làm bài tập, hổng nghe lời cô, cô buồn, cô bịnh… Thằng Đực nè. Mày chớ không ai vô đây.
- Ê thằng Đực dí con Mén đi hái lá xông cho cô đi chớ!
Như bừng tỉnh, bốn năm đứa ùa nhau chạy đi đâu đó.
Chỉ một loáng, đứa lá sả, lá bưởi, đứa một ôm lá tre, ngải cứu... với gì gì nữa chúng nói vanh vách mà tôi không hề biết!
- Cô ơi, con nấu cho cô luôn nha cô. Chắc cô người thành phố hỏng biết nấu đâu á.
Nói rồi chúng chia nhau việc rửa lá, bắc bếp, nấu nồi nước xông cho tôi. Tôi và cô bạn đồng nghiệp phải nói mãi chúng mới chịu về kẻo nhà mong. Ra ngoài rồi mà chúng còn dặn dò "cô ráng chịu nóng một chút cho ra mồ hôi là hết bịnh nha cô ! Mai cô khỏe liền á!"
Hôm sau tôi khỏe thật, lại ra lớp gặp học trò quê thân thương của mình.
…
Vài hôm sau, thằng Đực đến gần tôi sau buổi học… Nó hỏi tôi :
- Cô ơi, cô khỏe chưa cô?
- Cảm ơn con, cô khỏe hẳn rồi. Nhờ nồi nước lá xông của mấy đứa đó!
- Vậy hả cô. Mừng quá! Dừng một chút, nó lại rụt rè, cô ơi… chủ nhựt này đám giỗ nội con. Mần lớn lắm đó cô. Tía má con nói mời mấy cô qua nhà con ăn giỗ, dí… bồi dưỡng cho cô khỏe đặng dạy tụi con đó!
Tôi bật cười. "Cô khỏe rồi. Nói tía má con là cô cảm ơn nhen".
- Cô đi nha cô, Cô Diệu nữa nha cô! Con lấy ghe chở cô! Mà con mời hết mấy thầy cô thành phố luôn!
…
Sáng chủ nhật, khoảng 8 giờ, cậu học trò đến đón chúng tôi. Nhà nó cách trường không xa lắm. Nó dắt chúng tôi ra sau nhà. Thì ra mé sau là con rạch khá rộng, một chiếc ghe cột sẵn ở đó.
Thằng Đực chèo thoăn thoắt đưa chúng tôi đi men theo cả một rừng dừa nước! Vừa chèo, nó vừa liên hồi kể cho chúng tôi đủ thứ chuyện..
Khoảng nửa tiếng, xa xa in như một cù lao nhỏ. Tiếng người cười vui như hội.
Ghe chưa cập bến cậu học trò đã hò “Tía ơi ra phụ con. Mấy thầy cô tới rồi nè”.
Có tiếng hú đáp trả lời, ghe cũng vừa cập bờ. Chúng tôi loạng choạng bước tới nắm chặt lấy tay người đàn ông chìa ra và đu người bước lên…
Chúng tôi được xếp ngồi riêng một bàn đặc biệt, được chăm sóc hết sức chu đáo. Bao lượt tía, má của Đực tới hỏi han, tiếp thức ăn! Ăn no xong, mỗi người lại uống hết trái dừa xiêm ngọt lịm rồi mới lục tục kéo nhau xin phép ra về. Mắt liếc tìm bóng cậu học trò, khách khứa vẫn chưa tan tiệc!
- Út ơi, xong chưa con? Đưa thầy cô dìa!
- Dạ rồi! Má ơi, còn gì nữa hôn?
- Tía bây đưa xuống ghe rồi.
Vừa nói, má của cậu học trò vừa chạy ra cùng chồng đến bên chúng tôi, bà xởi lởi khiến chúng tôi ngạc nhiên đến khó xử:
- Dạ vợ chồng tui có ít đậu phộng, ít dừa biếu mấy thầy cô ăn lấy thảo! Mấy khi có dịp thầy cô tới nhà. Thầy cô nhận cho tụi tui vui!
- Dạ, thầy cô đừng chê. Dân quê tụi tui chỉ có mấy thứ này… Ờ sao có một quầy dừa vậy bây!
Không chờ ai trả lời, ông chạy vội lấy cây dao ra gần bờ ao với chặt thêm quày dừa vỏ nâu khè xách xuống ghe!
Chúng tôi ngại ngùng bước xuống theo cậu học trò. Chao ơi, họ đã để sẵn trên ghe nửa bao năm mươi ký toàn đậu phộng! Hai quày dừa! Lại hai con gà đã làm sạch sẽ tự bao giờ!
Chưa kịp nói gì, thằng bé lại thoăn thoắt chèo ghe xé nước phăm phăm, mặt mày hớn hở vì đã làm được một việc hết sức to lớn!
Lên đến nhà, thằng bé lanh lẹ lấy xe đạp chuyển hai quày dừa về trường cho chúng tôi. Chúng tôi ì ạch khiêng bao đậu phộng, người xách gà… Dọc đường, lại gặp học trò đòi bê giúp về trường cho chúng tôi.
Ba năm trôi qua. Không thấy hiệu trưởng, hiệu phó nói gì, cũng không thấy một công văn hay quyết định gì về việc cho chúng tôi trở lại Sài Gòn. Ừ thôi, ở cũng được, mà về cũng được... Học trò ở đây, người ở đây sao tình cảm quá, về chẳng đành. Họ thương quý chúng tôi như người nhà. Chia tay họ sao đặng khi con cái họ còn đang khát chữ!
Và mười bốn năm sau tôi mới chính thức về lại TP.HCM giảng dạy!
Bình luận (0)