Yêu quê qua chuyện má kể từ câu hát ngày xưa

16/10/2022 15:00 GMT+7

Miền Tây bây giờ không còn như trong câu chuyện của má tôi ngày xưa, cho dù vẫn ruộng đồng bát ngát, vẫn tôm cá đầy ghe...

1. “Đây miền Nam đồng ruộng mênh mông/Khoai lúa thơm vàng gạo trắng nước trong/Cửu Long đắp bồi nên quê hương nhà/Lúa xanh Tháp Mười tươi tốt vì phù sa/Miền Nam chúng em chứa bao tài nguyên phong phú/Trái cây xanh tươi trên khắp đất Cần Thơ/Ruộng muối trắng tinh Bạc Liêu mặn tình quê hương/Chuối hai bên bờ dòng nước kênh lững lờ/Đước Cà Mau rừng dừa Long Xuyên...” - Em đi thăm miền Nam của Hoàng Lân - Hoàng Long.

Về quê! Vâng! Không chỉ quê nội quê ngoại, với tôi, về miền Tây là về quê...

Nguyễn KỲ ANH

Ca khúc cách đây nửa thế kỷ tôi đã hát say sưa cùng các bạn trong Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội rất nhiều lần, đã nghe thân thương một miền châu thổ sông Cửu Long. Tôi còn nhớ, đã rất “ra vẻ ta đây” kể cho các bạn nghe những câu chuyện huyền huyễn về miền Tây Nam bộ, từ truyện dân gian Bác Ba Phi “một hạt lúa một nồi cơm”, “cá leo ngọn cây đẻ trứng”, “rắn hổ mây tát cá”, “cọp xay lúa”…, đến chuyện mùa nước về dòng Cửu Long Giang, sóng tràn nước xoáy, với những con cá hô huyền thoại, thân to như tấm ván ngựa, vây ánh bạc, hai con mắt như hai miệng chén ăn cơm, quẫy một cái làm mặt sông nổi sóng, tiếng động ầm ầm, gặp rằm trăng chúng phi thân bay trên mặt nước thi triển sức mạnh “chúa tể sông ngòi”…

Vâng! Tất cả những câu chuyện đó, được má kể trong hư thực đêm đêm, ru tôi ngủ. Tuổi thơ của tôi thấm đẫm những câu chuyện như cổ tích về miền quê nội nổi danh miền Tây, Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, “miền gái đẹp”, miền quê ngoại Kiên Giang như một “Việt Nam thu nhỏ” có sông, có biển, có núi, có ruộng, có biên giới, hải đảo, có “hòn ngọc Phú Quốc”, có “Hà Tiên thập cảnh”, nổi danh “Tao đàn Chiêu Anh Các” từ 4 thế kỷ trước.

Má còn kể chuyện ngày xưa, đất rừng miền Tây đã nuôi cả cuộc kháng chiến thành công. Từ ngọn lúa ma ở Đồng Tháp mùa nước nổi, đến những con cá con tôm ở rừng đước rừng tràm miệt U Minh Thượng, U Minh Hạ. Từ những vạt rừng dừa tầng tầng lớp lớp ở Bến Tre, rừng thốt nốt xanh ngút ngàn ở An Giang, đến những vườn cây trái sum suê bốn mùa thơm thảo, những sân chim náo nhiệt trời xanh miệt vườn Vĩnh Long, Tiền Giang

Đặc biệt hấp dẫn với những câu chuyện về vùng bưng, lung, mương, xẻo... ở sông nước miền Tây. Bưng, lung ngoài cây cối rậm rạp ken dày rập rịt, thì tôm, cá, rùa, rắn, chim, cò nhiều vô kể, của trời cho không bao giờ cạn kiệt. Đẩy ghe qua mương, xẻo nhỏ, những chàng tôm “cụ” bị đánh thức, giật mình phóng rơi vô ghe, cả vài chục con càng xanh biếc, mình trong khe. Nước lớn, bỏ vài bó chà (củi nhánh nhỏ), nhận chìm xuồng, nước ròng, cá tôm trốn trong chà, ở lại trên ghe nhóc luôn. Còn trứng chim cò “vô thiên lủng”, lượm dưới các gốc cây, không cần phải hốt ổ…

2. Cho tới hôm nay, hơn 47 năm, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên được về quê nội Cần Thơ, quê ngoại Kiên Giang. Lần đầu qua bến Bắc, vào đầu mùa mưa Nam bộ, nước sông chưa nhiều, chưa cuồn cuộn xiết xoáy, nhưng cái mênh mang của sông Tiền, sông Hậu đã muốn ngợp trong mắt con bé “Hà Nội” là tôi lúc đó. Và cảm giác đầy tò mò thích thú, chen cả sự hiếu kỳ bởi lần đầu tiên được thấy những hàng quán tràn ngập bánh trái, đồ ăn, thức uống, được nghe những tiếng rao nhộn nhạo chồng lấn chen chúc từ trà đá đến xâu nem, trái cóc, mía ghim, bánh mì… ven hai bên đường dẫn xuống con phà. Một cảnh tượng vô cùng kỳ thú, vô cùng lạ lùng đối với tôi.

Về quê, về miền Tây, với tôi, mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá kho tàng đầy báu vật của đất và người miệt sông nước Nam bộ. Chỉ là chiếc thuyền thôi, mà ở cái miệt này thật phong phú: ghe có ghe tam bản, ghe bầu, ghe cui, ghe cà vom, ghe rỗi, ghe cửa…; xuồng gọi xuồng 3 lá và biến tấu: be bảy, be tám, be chín, be mười, thêm một tấm ván gọi be mười kèm… Hay chỉ là đánh bắt cá tôm mà muôn hình trăm trạng: cất vó, đặt lọp, xây nò, thả lừ, mò trìa, đóng đáy cọc, đáy bè, thả chà đăng cá, đáy rập cua, trễ cá, chài lưới… Còn câu thì cũng đủ kiểu: câu cắm, câu giăng, câu thả, câu thượt, câu nhấp, câu rê…

Ngay trong ẩm thực, “tứ hải bát hoang” của miền Tây Nam bộ tụ về để cung hiến nhân gian những sản vật mỹ vị thiên hương phong phú, đa dạng, đa phong cách. Món nướng thôi, đã thật nhiều dạng: nướng trực tiếp trên lửa, nướng trui, nướng trên khói, bọc đất sét nướng, bọc lá vùi vào lửa…, nướng bằng lửa than đước, rơm lúa nếp, chân rạ, hay lá cây khô… Hay rau ăn kèm trong các món cuốn, món lẩu là cả một khám phá phong phú về “thực vật” sông nước Nam bộ, tên lá tên hoa vừa lạ vừa quen với các vị chua đắng ngọt chát: bắp chuối, bông bí, cải xanh, đậu rồng, đậu bắp, khổ qua, đọt lục bình, đọt bông súng, đọt xòai, bông điên điển, bông so đũa, rau kèo nèo, rau đắng, lá vị…

3. Không thể đếm hết được bao lần tôi về quê nội quê ngoại, bao lần tôi đi dọc ngang các tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long trong suốt gần nửa thế kỷ nay, để lưu lại chồng chồng lớp lớp kỷ niệm, từ sông nước đến tình người, từ những “gặt hái thu lượm” về lịch sử khẩn hoang đến những thao thiết trăn trở bao thách thức thiên nhiên môi trường mà miền Tây yêu thương đang đối diện…

Về quê! Vâng! Không chỉ quê nội quê ngoại, với tôi, về miền Tây là về quê. Tôi được đón tiếp nồng hậu chân tình, tình cảm người miệt vườn chân quê, mộc mạc, mà đằm sâu, có cái ngọt ngào tròn đầy như thơm thảo cây trái trong vườn nhà, có cái phóng khoáng hào sảng như mênh mang thoảng thoát sông nước, có cái lãng mạn lãng tử của da diết những điệu hò, điệu lý, bản cổ đờn ca tài tử Nam bộ… Để rồi khi trở lại thành phố, là đã mang trong mình bao thương nhớ, cảm hoài diệu vợi thao thiết khó quên.

Mà càng nhớ, càng thương nhiều hơn. Miền Tây bây giờ không còn như trong câu chuyện của má tôi ngày xưa, cho dù vẫn ruộng đồng bát ngát, vẫn tôm cá đầy ghe, vẫn cây trái ngọt thơm, nhưng hiện tại mọi thứ cứ như đang dần xa khỏi tầm mắt, tạo nên những vết xước trong tim không hề nhẹ. Con người đã có lúc, có nơi không trân trọng miền đất sinh dưỡng mình, đã “ăn ở” bạc, đã đối xử ngạo mạn bởi lòng tham, gây những nỗi đau đắng đót đến se thắt tâm can.

Nào đất bạc màu chua mặn, nào đất hạn khô nứt nẻ, nào rừng tràm đước bị thu hẹp, tôm cá tự nhiên càng ngày càng ít, nhiều loại cây trái không được ưu ái phần đất màu mỡ, ruộng lúa cũng thu hẹp dần, các giống lúa ngon cũng bị mai một… Cứ như trải qua nhiều cuộc bể dâu đến xót xa, cứa vào tâm hồn ngày càng sâu thêm, khi vùng châu thổ sông Cửu Long, sông không hiền như xưa, đất vẫn phập phồng một sớm mai biến mất theo con nước xoáy. Mơ hồ nỗi lo một mai châu thổ hoang vu.

Mùa này, miền Tây Nam bộ sắp vào mùa lũ, nước trên các sông rạch đang dần đầy lên. Dọc các bờ sông, kênh, rạch, xẻo, khóm, mương, ngòi …, dừa nước, ô rô, cóc kèn, lục bình, cỏ lác… tràn bờ. Bông điên điển cũng đang vào mùa nở vàng rực ven bờ nước. Cá tôm hẹn theo lũ cùng về tụ hội, những hạt phù sa cũng đang lắng bồi cho vùng đất châu thổ sông Cửu Long.

Và tôi ngân nga câu hát năm xưa Đây miền Nam đồng ruộng mênh mông/Khoai lúa thơm vàng gạo trắng nước trong”…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.