Cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đoạn quốc lộ N2 qua địa bàn tỉnh Long An đã được Đảng và nhà nước đẩy mạnh xây dựng năm 2001, hoàn thành năm 2007. Kể từ đó, đường về quê của đông đảo bà con miền Tây gần hơn bao giờ hết.
Trong họ, ai ai cũng đang có một mong muốn về quê thật nhanh để được đoàn viên, được gặp lại những người thân yêu của mình |
TGCC |
Nhà tôi nằm ngay trên đoạn TL824, kế bên trụ sở UBND xã Mỹ Hạnh Nam – một trong số những nơi dừng chân quen thuộc của đông đảo bà con mỗi dịp về quê ngang qua đây. Hằng năm, nếu tết Nguyên đán là dịp lễ tết lớn nhất trong năm để bà con các tỉnh thành miền Tây “về quê ăn tết” thì vẫn còn hai dịp khác cũng rất đông người dân về quê đó là dịp lễ 30.4, 1.5 và lễ Quốc khánh 2.9.
Như thường lệ, những ngày 25, 26 tết âm lịch, những người dân địa phương chúng tôi đều được thấy từng đoàn xe máy nối đuôi nhau lũ lượt về quê. Đâu đó ta bắt gặp nụ cười của những con người hồ hởi về quê sau một năm bôn ba nơi xứ người. Và cả những ánh mắt âu lo, những nỗi niềm lo lắng của những người dân lao động miệt mài năm ròng mỗi dịp tết đến xuân về…
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, miền Tây mưa nắng thất thường. Đường về quê của bà con càng trở nên vất vả. Nhưng không vì thế mà ngăn được những vòng xe lăn bánh của bà con về quê. Bởi trong họ, ai ai cũng đang có một mong muốn về quê thật nhanh để được đoàn viên, được gặp lại những người thân yêu của mình. Và thế là, những tán cây rộng, những mái hiên nhà dân bên vệ đường chính là nơi trú mưa tránh nắng cho bà con đi đường tạm dừng chân giây lát. Nơi đó, ta nghe những câu nói hết sức quen thuộc: “xích vô nhà kẻo ướt cưng !”, “anh chị vào trong nhà ngồi cho mát, ngoài đó nắng tụi nhỏ”… Vâng! Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm ấm lòng những người xa xứ.
Hành trình 1 năm, những người đang độ tuổi lao động rời quê hương để lại cha mẹ già và con thơ, họ đi mần (tiếng địa phương, đồng nghĩa với đi làm) mang theo khát khao tìm kiếm được việc làm có đồng lương để xoay xở cuộc sống ổn định hơn, khấm khá hơn, tốt đẹp hơn.
Theo cái vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền, thì đến ngày về quê, ai ai cũng nôn nao trong dạ, bổi hổi ruột gan. Bởi trong mỗi con người ấy sẽ luôn mong nghĩ rằng đường về quê dẫu có xa xôi cũng thành gần gũi và sẽ nhanh về đến nhà thôi. Vì một điều quen thuộc là cứ mỗi dịp lễ tết ấy, dưới quê tía má cũng sẽ điện thoại hỏi thăm: “Lễ này bây có 'dìa' không con?”. Thương làm sao những câu nói của tía, nhớ làm sao món canh chua bông điên điển cùng nồi cá kho quẹt của má…
Đoàn thanh niên do các bạn đoàn viên trẻ năng động phát khẩu trang và nước uống miễn phí phục vụ người đi đường về quê |
tgcc |
Và trên suốt những chặng đường về quê ấy, ta như cảm nhận được những nghĩa cử tuy nhỏ nhưng lại làm ấm áp người hồi hương. Đó là cái nghĩa cái tình của những người miền tây sông nước đã được cha ông để lại “từ thuở mang gươm đi mở cõi”. Chẳng ai bảo ai, không ai quen biết ai, ấy vậy mà họ lại nhận ra đồng hương của mình từ biển số xe quen thuộc như nhìn vào biển số 66 là biết ở Đồng Tháp, 67 là Kiên Giang… họ cũng vui vẻ chạy lên gần hỏi thăm nhau một câu y như là cả hai đã quen nhau từ trước hẹn nhau cùng về quê: “Ông anh 'dìa' đâu Đồng Tháp 'dị'?”…
Và ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chú Bảy dù đi xe Honda chạy phía sau nhưng chú nhanh mắt nhìn phía trước thấy đường trống là chạy phăng lên nhắc anh Ba đá chống xe lên; hay hình ảnh cậu Năm nhắc nhẹ cô Sáu điều chỉnh đèn xi nhan vì sợ cô giật mình; hay hình ảnh gia đình anh chị Tư đi trước vô tình rớt 1 chiếc dép của bé gái con anh chị thì anh Chín chạy sau dừng lại lượm dép đưa anh chị mang lại cho bé; hay hình ảnh dượng Tám nhắc thím Út ràng lại lốc lịch và hộp yến nghiêng một bên ở yên sau xe… Có đoạn qua ngay chợ địa phương, không ai bảo ai, tất cả tay lái đều hạ tay ga, rà ga chầm chậm qua khu vực đông dân cư. Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc nhà dân hai bên đường sáng đèn cùng đèn công cộng. Nhiệt độ giảm nhè nhẹ, khí trời dần chuyển sang lành lạnh, ngoài kia những chiếc xe Honda vẫn lăn bánh đều đều phảng phất trong làn gió xuân ù ù tiếng áo gió và tiếng xe vang dội đặc trưng.
Khác hẳn mọi năm, năm nay, để ý ta đều thấy ai ai cũng đều đeo khẩu trang kể cả những em bé nhỏ ngồi trước hay ngồi giữa đều được trang bị thêm khăn lưới trùm kín đầu để kháng khuẩn và chống nắng bụi. Ai ai cũng cố giữ khoảng cách từng xe trong phạm vi có thể và có đôi chỗ đoạn bị ùn tắt đường xe đông thì có bộ phận dân phòng của xã nhà ra để điều tiết cho thông thoáng. Ngay trụ sở nhà văn hóa của xã nhà, Đoàn thanh niên do các bạn đoàn viên trẻ năng động phát khẩu trang và nước uống miễn phí phục vụ người đi đường về quê...
Đi để trở về - một sự trở về trọn vẹn nghĩa tình. Bởi đâu đó còn thấp thoáng hình ảnh của tía của má, của những người thân yêu đang ngày đêm trông đợi ta về. Thứ mà tía má cần không phải là quà cáp cao sang gì mà là hình ảnh những đứa con thơ mang hình hài quê hương xứ sở tề tựu đoàn viên bên gia đình, quây quần bên mâm cơm đậm mùi con cá lá rau của miệt vườn sông nước phương Nam.
Bình luận (0)