Ghe qua đập trườn lên rồi lao tới. Sáng kiến từ lao động đã nảy ra, con cá to quẫy nước phía ruộng xa, đàn cò trắng căng mình bay trong gió. Ba chỉ tay: “Nhà bác Hai mày đó, còn chỗ kia là nhà nội tụi bay”.
Theo sự sắp định từ trước, bác Sáu cúng “ông nội lớn”. Bác Sáu tôi sinh hạ được 18 người con, trai gái đều đủ, bác trai 87, bác gái 84, nhờ trời Phật độ hai bác tươi vui hồng hào, khỏe mạnh. Ba tôi và chú Tám, dì Út là con ông nội sau.
Tọa độ Mũi Cà Mau được ghi trên hình tượng con thuyền |
mai thanh hải |
Năm đó tới bến xe Cà Mau là mấy anh, hoặc mấy em mang ghe hoặc tàu đò ra rước. Theo đường sông, rạch cũng chừng hơn hai chục cây số. Những chiếc ghe khi di chuyển từ bên nước mặn qua nước ngọt, hoặc ngược lại, vượt cạn một cách rất rất ngoạn mục. Một chiếc máy nổ, một bộ phận dòng dọc kéo dây cáp tời, và một khung đường như đường giày xe hỏa, uốn cong vắt ngang con đập. Vậy là ghe có hàng hay không cũng được nằm trên giá đỡ chắc chắn, từ từ “tàu anh qua núi”.
Về đây mới biết cá tôm rất nhiều, tôi nhớ bữa đó gia đình chúng tôi đến nhà nội, khoảng tầm hai, ba giờ chiều. Bác Năm gái tôi, dáng người nhỏ thó, bác cầm chiếc cần câu và cái giỏ đi ra ruộng lúa sau nhà câu cá, lúa đã trổ bông phấn hoa rơi đầy mặt nước, khoảng chừng hơn tiếng đồng hồ bác xách về một giỏ cá rô, cỡ gần hai ký lô. Con nào con ấy còn xanh tươi đầu múp mình tròn, lần đầu trong đời tôi mới thấy, đã ăn sâu trong tiềm thức, đi câu ở ruộng mà tựa câu ao thả cá. Bữa đó bác kho lạt ăn với rau đắng đất, diếp cá, cải trời để tới giờ mỗi lần nghĩ tới lại thấy thèm.
Chúng tôi tới nơi thì bàn tiệc cũng mới dọn được ít phút.
Ôi! Đúng là tình cảm gia đình các bác các anh vui mừng chào đón chúng tôi, bằng một tập tục “Cà Mau uống” cứ ly này đặt xuống thì tiếp ly kia con bác Hai, bác Ba, con cô Tư, chú Tám liên tục giao lưu không nhờ tô cháo lòng đặc biệt ở Cái Tắc chắc là tôi té xỉu quá.
Mồi màng bánh trái thì đủ món đủ loại.
Đúng là “đám giỗ ông nội lớn”. Một mâm đầy cua tôm, mắm, lẩu, đặc biệt là món “rau mui xào thịt trâu non” mới khoái khẩu làm sao! Vị thanh ngọt của thịt trâu bùi bùi của lá “rau mui bông vàng” ngầy ngậy của nước cốt dừa, màu sắc hương vị của từng loại thật là hấp dẫn. Chàng trai vào sau nhất bàn có một cơ thể cường tráng tựa như vận động viên thể hình tên là Bửu. Sau vài ly bị phạt vào ba ra bảy đúng luật, khi men đã ngấm. Tôi hỏi em tập thể hình hay sao mà người đẹp thế?
Bửu thẽ thọt nói đâu toàn lao động chân tay không à.
- Trời đất lao động chân tay không mà sao đường nét cơ bắp cuồn cuộn vậy, múi nào ra múi đó săn chắc như người tập thể hình chuyên nghiệp!
Anh Tám bắt đầu kể ở trên mảnh đất này, từ thời ông cố, ông xơ của anh, khai khẩn tạo dựng lên. Nơi đây chỉ có cây đước và cây “su đỏ”, gọi là “đước lụt ngập”.
Bửu nói bữa khơi múc mương rãnh làm ao nhà bà Tám Hồng, ở xã Phú Thuận huyện Phú Tân, Cà Mau, gặp đoạn gốc cây to hơn cái bàn ăn cơm những cái rễ cả ôm phải nhờ xáng cạp đưa lên bờ được, kêu ba triệu không ai lấy, mưa nắng tróc lớp vỏ ngoài lòi ra thân gỗ đỏ au.
Sau nhờ có nghệ nhân chuyên làm nghề mộc cho biết đây là cây su đỏ, gỗ này để cẩn, chạm, khắc rất đẹp và giá trị cao. Thế mới biết trên mảnh đất này ông cha ta đã đã bao đời khai hoang phục hóa cải tạo, và đổ biết bao mồ hôi xương máu để chống lại thú dữ cùng giặc ngoại xâm mới có được như ngày hôm nay.
Đêm đó bên dòng sông tiếng những cơn gió cái vù vù qua khe cửa, tiếng tàu, vỏ lãi ầm ì, rồi câu chuyện của anh Tám cùng với Bửu, luôn hiển hiện trong tôi. Nghĩ về mảnh đất con người nơi đây với cuộc sống và lao động chuyên cần, bình dị nhưng rất hào sảng, nhân văn. Cũng trên mảnh đất này bao người con đã anh dũng hy sinh, nhưng đặc biệt có một người phụ nữ xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” đó là chị Ba Bay. Để trả thù cho các đồng chí đã anh dũng hy sinh và lập công dâng lên Bác Hồ kính yêu - Người luôn hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt, chị phát động: “Tân Hưng Đông quyết tâm giải phóng Chi khu Cái Nước sớm nhất, bằng sự tự lực tự cường, lấy ba mũi giáp công, làm phương châm hành động”. Vì đạn dược bị thiếu, chị đã đằm mình trong các kênh rạch mò tìm vũ khí đạn dược, đưa về cho quân khí chế tạo, lấy súng đạn của địch mà đánh địch, rồi trống mõ, khua vang, đuốc đèn rực sáng biểu tình 3 mũi giáp công kết hợp cùng bộ đội chủ lực miền hạ hết đồn bót giặc. Sáng hôm sau chúng tôi về cột mốc tọa độ số O, với những rừng tràm đều tăm tắp hương tràm bát ngát lâng lâng. Thấp thoáng đâu đây những anh hùng của đoàn tàu không số, không hải đồ, không định vị, của trung đoàn 125 đã giả dạng tàu đánh cá lênh đênh trên mặt biển ngày đêm vượt bao bão tố phong ba, vượt qua bao hiểm nguy của những trận cuồng phong, rồi sự vây ráp bắt bớ, để cung cấp vũ khí đạn dược thuốc men cho các chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Không biết bao nhiêu anh hùng đã nằm lại biển khơi, chỉ còn lưu lại là mộ gió nhạt nhòa.
Đoàn chúng tôi tạm biệt cột mốc số không, cuối con đường Hồ Chí Minh huyền thoại khi bóng chiều đã chếch.
Xe lao đi vun vút trong lòng tôi vẫn cứ quyến luyến mãi tình cảm gia đình yêu thương chân thật, mộc mạc thắm đượm nghĩa tình nói riêng, phong cách, tấm lòng người Đất Mũi nói chung còn ngất ngây trong tôi mãi. Cùng thật tự hào về tổ quốc Việt Nam ta, sợi chỉ đỏ đã xuyên suốt chiều dài đất nước. Một tương lai của phát triển kinh tế đã ở trong tầm tay.
Nhưng vẫn còn đan xen vui buồn lẫn lộn những vuông tôm treo hoặc đầy bồn bồn lau lác, bởi một cách phát triển kinh tế chưa được đồng bộ. Vẫn mang tính nhỏ lẻ tự phát, ruộng lúa vuông tôm, loang lổ trải dài hai bên quốc lộ.
Rồi những con rạch trước kia nay đã hóa thành sông, để mỗi lần về tôi lại thấy ngoác rộng hơn, cái rạch Rau Dừa đâu còn lá dừa giao nhau nữa, bởi những chiếc vỏ lãi com-pu-sít-te được gắn động cơ ô tô chạy với tốc độ cao, sóng vỗ ầm ào ngày đêm, rồi xâm thực mặn, nước biển dâng cao.
Cần lắm sớm có sự thay đổi phát triển xứng tầm. Để mỗi lần về lại nơi Đất Mũi niềm vui lại được nhân lên hòa theo con sóng biển miền Tây cùng màu xanh của bát ngát hương tràm.
Bình luận (0)