Ở ĐBSCL, Công ty CP Du lịch An Giang được xem là doanh nghiệp khởi đầu trong việc khai thác du lịch mùa nước nổi. Đã 6 năm nay, các tour trong mùa lũ của công ty này được xem là “điểm nhấn” của ngành du lịch An Giang.
Dân dã nhưng hấp dẫn
Hằng năm, khi nước lũ tràn ngập các cánh đồng vùng tứ giác Long Xuyên cũng là thời điểm khởi động các tour du lịch dân dã để du khách tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và cách mưu sinh của người dân vùng nước nổi. Trung tâm Dịch vụ Du lịch An Giang (Công ty CP Du lịch An Giang) đã hợp tác với một số hộ dân sống ven kênh Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc chuyên sinh sống bằng nghề săn bắt, lưới cá trong mùa lũ để mở tour du lịch. Điểm đến của các chuyến du lịch này là cánh đồng ngập lũ ở Châu Đốc với những chuyến đi săn chuột, lưới cá.
Theo ông Lý Chấn An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch An Giang, mỗi tour kiểu này thường từ 1 đến 2 ngày, chủ yếu để du khách tìm hiểu về sinh hoạt của người dân vùng lũ. “Chuyện đánh bắt cá, thả lưới, hái rau, săn chuột..., chúng tôi đều “tận dụng” từ những sinh hoạt thực tế của người dân. Khi nào khách yêu cầu đi trái giờ giấc sinh hoạt, làm ăn bình thường của người dân, chúng tôi mới nhờ tới những người mà công ty đã thỏa thuận hợp tác để dựng lên những chuyến đi săn chuột, bắt cá... Tuy nhiên, đi săn thật vẫn tạo sức sinh động và hấp dẫn của tour hơn”- ông An nhận xét. Anh Trần Hùng Oai, một người có thâm niên trong nghề săn chuột đồng mùa nước nổi và là đối tác trong các tour dân dã của Công ty CP Du lịch An Giang, cho biết anh đã hợp tác với công ty từ khi tour mới được hình thành 6 năm trước. “Tham gia tour vui lắm, vừa có lợi vì được nhận tiền bồi dưỡng của công ty, chúng tôi vừa giới thiệu được đời sống, cách mưu sinh của người dân mình với du khách. Nhiều du khách nước ngoài rất thích các tour du lịch dân dã này. Họ reo lên hứng khởi mỗi khi chúng tôi chĩa trúng một con chuột hay bắt được chú cá to. Có người còn đề nghị được trổ tài săn bắt”- anh Oai nói.
Sau chuyến đi săn chuột và đánh bắt cá cùng người dân, chiếc xuồng máy đuôi tôm sẽ chở du khách xuôi dòng Vĩnh Tế để họ chứng kiến cảnh sinh sống bình dị của dân cư hai bên bờ kênh. Đoàn tiếp tục khởi hành đến tham quan rừng tràm Trà Sư ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - An Giang. Tại đây, du khách lên xuồng máy hoặc xuồng composite bơi tay len lỏi vào các ngõ ngách của rừng tràm. Không gian chợt thay đổi hẳn bởi tiếng hót líu lo của hàng trăm loại chim. Chiều đến, du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn từng đàn chim bay về tổ từ ống ngắm trên đài quan sát.
Khách tham quan rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên - An Giang trong mùa nước nổi. Ảnh: Q.Dũng |
“Chúng tôi còn tổ chức tiệc chiêu đãi hết sức dân dã tại lán trại cặp bìa rừng để tạo điểm nhấn với du khách. Món ăn được tận dụng từ nguồn của thiên nhiên trong mùa lũ, như: cá linh nướng, cá linh kho mía, cá linh chiên bột, cá linh nấu canh chua... Tour du lịch trong mùa nước nổi rất thành công và được rất nhiều du khách đón nhận. Phần lớn du khách nước ngoài rất thích thú khi chứng kiến cuộc sống dân dã, phong phú của người dân mùa nước nổi”- ông Lý Chấn An cho biết.
Nối tour hòn Đá Bạc
Cà Mau có nhiều địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách nhưng hầu hết nằm trên những địa bàn sông nước hiểm trở. Mỗi năm đến mùa mưa lũ, du khách đến Cà Mau đều tìm tới tham quan hòn Đá Bạc. Hòn Đá Bạc là tên gọi chung cụm đảo đẹp bao gồm ba đảo nhỏ: hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc, nằm sát bờ biển Tây ở huyện Trần Văn Thời. Hòn Đá Bạc được chia làm 4 ngọn: 2 cao, 2 thấp đưa ra ngoài biển, ngày đêm sóng vỗ rì rào không dứt. Xung quanh Đá Bạc có nhiều tảng đá chồng chất lên nhau, xen giữa khe đá là những bụi cây rậm rạp với những tán cây bồ đề rợp bóng mát. Nhìn từ xa, hòn Đá Bạc giống như một hòn non bộ kỳ thú giữa biển trời mênh mang sóng nước...
Hòn Đá Bạc được cấu tạo từ đá granit, những dãy đá già chen chúc với những hòn sỏi non. Đá như được thiên nhiên cố nhào nặn bằng một bàn tay huyền năng nào đó để có được những hình thù kỳ lạ, được đặt tên là Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên..., đi cùng với nhiều câu chuyện huyền thoại. Từ TP Cà Mau đến hòn Đá Bạc, đi bằng đường thủy dài khoảng 50 km, đi đường bộ bằng xe gắn máy mất hơn một giờ. Dọc hai bên đường tới hòn Đá Bạc là bạt ngàn bông sậy trắng trời trên bờ kinh nước đỏ ngầu phù sa mùa nước nổi. Dù cách cửa sông Kinh Hòn đặc quánh phù sa không xa song xung quanh hòn Đá Bạc luôn giữ một màu xanh biêng biếc.
Với cảnh quan thơ mộng, lại gần bờ, hòn Đá Bạc ngày càng thu hút nhiều du khách tham quan. Đặc biệt, khi mùa lũ về, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở ĐBSCL lẫn TPHCM đều tổ chức nối tour từ vùng lũ đến với hòn Đá Bạc. Ngoài việc thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, du khách còn có thể đi xem người dân ở đây cạy hàu hoặc câu cá nâu - những món đặc sản của hòn Đá Bạc.
Theo Quốc Dũng - Duy Nhân / Người Lao Động
>> Mùa săn sản vật
>>Trắng đêm xóm lưới, làng xuồng
Bình luận (0)