Miền Tây – những gam màu ký ức

27/10/2022 18:00 GMT+7

Hành trình của một đời người là chuỗi đan xen cùng vô vàn những điều thú vị, kể cả những điều không thể lý giải.

Những ký ức đau thương đem đến cho chúng ta những bài học không thể quên. Nó như những cơn sóng hung hãn trong dòng chảy ký ức của mỗi con người. Cuồng nộ, không khoan nhượng, như thể muốn tìm cách nhấn chìm hay làm tan biến mỗi cá nhân. Để rồi, những ký ức đẹp đẽ tinh khôi nhất lại như một con đê vững chãi, to lớn giúp kiềm hãm, xoa dịu những “cơn sóng dữ” và giữ cho mỗi chúng ta không vụn vỡ trong cuộc hành trình dài của một kiếp người.

Nơi miền Tây, họ hàng gia đình thân thuộc hay sống lân cận nhau. Tập quán lâu đời đó là hình thành nên mối quan hệ gắn kết tình thân mạnh mẽ

NGUYỄN KỲ ANH

Ký ức đầu tiên của miền Tây trong tôi chính là “con đê” ấy. Đó là những mảng ký ức không liền mạch, là những khung hình đẹp đẽ xen lẫn vào nhau không theo một trật tự nhất định nào. Những vụn vặt ký ức có mờ có tỏ ấy, lại vô hình chung là tất cả của sự lắng đọng đẹp đẽ nhất về một miền Tây nơi một đứa trẻ vừa lên năm.

Tôi sinh ra và lớn lên là một người con của phố thị: thực tế, khéo léo ẩn giấu những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, hối hả theo nhịp sống mỗi ngày và đôi khi tôi cảm thấy mình thực dụng đến khó hiểu. Mẹ tôi, người phụ nữ sinh ra trong một gia đình đông con nơi miền Tây sông nước. Cuộc sống tuổi thơ của bà gắn liền với những mảnh ruộng vườn, cùng một đại gia đình nơi mười mấy con người cùng chen chúc nhau trong căn chòi lá chật hẹp, những chuỗi ngày chật vật vì miếng ăn cái mặc, những tháng ngày ép mình học cách làm một người lớn từ khi lên tám. Có phải chăng, đã khiến mẹ tôi ít khi thể hiện niềm hân hoan khi nhắc về nơi chôn nhau cắt rốn của chính mình. Để rồi những buổi ban trưa, cái chất giọng ngọt ngào da diết rất đỗi miền Tây ấy, ngân lên những lời ru buồn đưa tôi vào giấc ngủ, như cách thể hiện nỗi niềm nhớ nhung quê nhà đến nao lòng nơi bà.

Suốt bao năm vất vả ngược xuôi, phận làm dâu phương xa nhiều nỗi sầu hơn những niềm vui, mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nỗi nhớ nhung quê nhà bao lâu, đã một ngày đủ mạnh mẽ để khiến mẹ cùng tôi ngày ấy mới vừa lên năm, cùng nhau đón chiếc xe đò chật chội về lại quê nhà vào một ngày đầu hạ. Khó ai trong mỗi chúng ta có thể nhớ rõ những gì diễn ra trong cuộc đời mình trước năm lên sáu. Não bộ của trẻ nhỏ, dường như không được thiết lập hoạt động lưu giữ ký ức mạnh mẽ và rõ ràng như những người trưởng thành. Thế nhưng, có một sự thật thú vị rằng, những trải nghiệm có tính tương tác mạnh mẽ về mặt hình ảnh và cảm xúc của trẻ nhỏ trong giai đoạn trước khi lên sáu vô cùng mãnh liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và cách nhìn nhận thế giới quan của trẻ về sau. Và có thể tự hào rằng, tôi đã may mắn để có được những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ mang tính tích cực đó, từ mảnh đất chín rồng hội tụ, nơi những phồn hoa bỏ lại sau lưng chỉ còn đâu đó vấn vương tâm trí trong những câu hò.

Chiếc xe đò chật chội buổi ban trưa, thỉnh thoảng vài cơn gió mát thổi hắt mạnh vào xe khiến những con người đang hiện diện trong chuyến xe đó cảm giác như được cứu rỗi. Tôi nằm gọn trong vòng tay mẹ. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nhớ những ca từ da diết của ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè phát ra từ radio của bác tài.

“… Đôi mắt cậu buồn thiu phiêu lưu rong chơi những ngày…”

Bàn tay mẹ dịu dàng mân mê, vuốt lấy làn tóc tơ ít ỏi của tôi phất phơ theo từng nhịp rung lắc của xe. Chuyến xe đến điểm dừng của chúng tôi tự khi nào tôi không hề hay biết. Điều duy nhất tôi biết được là khi tôi giật mình tỉnh giấc trên đôi vai gầy của mẹ. Vạn vật xung quanh tôi như bừng sáng, bao phủ gần như cả đất trời một màu xanh lá ngút ngàn trải dài ngỡ như không có điểm dừng. Những cánh đồng lúa vươn mình với tất cả sự tinh khôi háo hức nhất mà gần như đang tranh đua với cả đất trời. Bầu trời buổi ban trưa xanh biếc, giao hòa cùng ánh nắng vàng rực chói chang của mùa hạ. Mẹ cùng tôi, sải từng bước chậm rãi trên lối đi gập ghềnh, nhỏ hẹp, len giữa các thửa ruộng. Hồn quê e ấp, khẽ khàng đồng hành cùng tôi tự lúc nào không hay.

Đêm đến nơi vùng quê không lung linh ánh đèn điện như phố thị, chỉ có ánh đèn dầu le lói cùng thứ hạnh phúc bình dị, khi gia đình tề tụ bên nhau trò chuyện thắp sáng cả gian nhà. Tôi vẫn nhớ gần như rất rõ ràng, những đêm tối trời, các cậu dì, bà ngoại và mẹ ẵm tôi, đem theo cây đuốc bện bằng lá dừa khô, băng qua cây cầu khỉ nối liền hai bên bờ. Dòng sông nhỏ vẫn mải miết chảy bên dưới, tạo nên một giai điệu đồng điệu cùng màn đêm. Bên kia bờ là nhà người họ hàng của ngoại tôi. Ở cái thời điểm mà điện còn được coi là một thứ gì đó xa xỉ nơi vùng quê, thì một ngôi nhà có ti vi chạy bằng bình ắc quy có thể coi là khá giả. Nơi miền Tây, họ hàng gia đình thân thuộc hay sống lân cận nhau. Tập quán lâu đời đó là hình thành nên mối quan hệ gắn kết tình thân mạnh mẽ. Họ cùng nhau sống, cùng nhau trải qua mọi kỷ niệm và cùng hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Gia đình ngoại tôi, cùng dăm ba gia đình hàng xóm lân cận, tập trung lại tại gian nhà ấy, cùng nhau xem những vở cải lương hay dăm ba bộ phim, mà thật tình cho đến tận nay tôi vẫn không tài nào nhớ nỗi là mình đã xem gì.

Thứ duy nhất còn đọng lại nơi tôi, là ánh đuốc tỏa sáng giữa vùng trời tối om. Những vì sao tỏa mình đầy tự mãn trên bầu trời đêm, ở cái nơi mà nó chả phải chịu nép mình dưới những ánh sáng đèn đường của thành phố. Những buổi chiều mưa trắng xóa, bên trong nhà cả gia đình quay quần quanh nồi cá bống kho quẹt với tóp mỡ, ăn cùng cơm nóng và dĩa rau vườn luộc đạm bạc. Đã có những lúc, tôi từng boăn khoăn vì đâu mình lại yêu những cơn mưa đến thế. Và không bao giờ ít hơn vài ba lần, tôi thầm nghĩ rằng có lẽ niềm hạnh phúc ấm áp bên những bữa cơm gia đình bình dị nơi miền Tây trong những ngày mưa lạnh lẽo đó, đã khiến cho cái nhìn của tôi về những cơn mưa trở nên khác biệt .

Vài dòng ký ức nhập nhòe về buổi ban trưa, tôi cùng mẹ đung đưa trên chiếc võng mắc bên hiên nhà ngoại. Làn gió mát ven sông, thổi vào từng cơn nhịp nhàng theo tiếng vọng cổ phát ra từ nhà hàng xóm gần đó. Những vạt nắng đan xen qua những tàu lá dừa, thả mình xuống nền đất. Hình ảnh ngoại cặm cụi với mớ rơm, bó củi để nhóm lửa nấu cơm phía sau vườn. Đàn gà con chạy nhảy tung tăng khắp nơi. Tất cả đều là “những nét vẽ” sống động đầy màu sắc đầu tiên trên “những trang giấy trắng” đầu đời của tôi.

Thế nhưng, sau những ngày tháng đầy khốn khó, con cái mỗi người mỗi nẻo mưu sinh. Ông bà ngoại tôi, chọn cho mình quyết định khó khăn là rời xa quê hương để lên thị xã Long Khánh, tìm kiếm cơ hội mưu sinh, nuôi nấng những cậu dì nhỏ nhất trong gia đình. Tuổi thơ tôi vẫn tiếp nối thêm nhiều kỷ niệm bên đại gia đình bên ngoại. Nhưng ký ức đẹp về một miền Tây ngọt ngào như câu hò vọng cổ, lung linh như vạt nắng ban trưa, đã dừng lại tại đó và được gói gọn lại theo cách hoàn hảo nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.