Miền Tây, tình người và đất

04/11/2022 11:00 GMT+7

"Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai" (ca dao Nam bộ).

Người ta ví cây mắm, cây đước và cây tràm là ba loại cây nhằm tượng trưng cho ba lớp người. Cây mắm tượng trưng cho lớp người lấn biển, tiên phong mở cõi tạo đất. Cây đước theo sau có trách nhiệm giữ gìn, dẫn dụ cá tôm, làm giàu cho quê hương xứ sở. Còn cây tràm là lớp thế hệ thứ ba nhằm mang lại nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần. Trong những lớp người ấy, có hàng dừa nước đã lấy thân mình, che gió chắn bão, giữ bình yên cho từng mái nhà. Trong suốt quá trình lịch sử, người miền Tây chúng tôi đã góp công gầy dựng từng tấc đất cõi bờ.

Đưa người qua sông

tranh của họa sĩ NGUYỄN HỒNG QUÂN

Mấy bữa rày thấy nội nằm võng, ông nằm chèo queo có mình ên, còn bà nội thì ngồi tréo ngoảy bên cái bàn tròn. Thấy vậy tôi mới năn nỉ ông bà kể cho mình nghe chuyện hồi còn kháng chiến, chuyện của hồi xửa hồi xưa.

Ông bà nội tôi chánh hiệu là dân Cửu Long chín rồng, ở cái xứ miệt thứ U Minh Thượng, nói đúng hơn thì ở miệt dưới, phía Tây vùng Sông Hậu, tỉnh Kiên Giang. Ông bà sinh ra cha tôi, rồi tôi mới được sinh ra tiếp nối nơi này. Không đâu xa lạ, ông nói “hồi khẩn hoang tới bây giờ cũng mấy chục năm rồi chứ ít ỏi gì”.

Dăm ba cái chuyện như Nam kỳ lục tỉnh, Hà Tiên thập vịnh, bất kể chuyện lớn chuyện nhỏ ở cái hóc bà tó nào thì nội cũng nằm lòng, cũng rành Sáu Câu.

Ông nội tôi hồi trước là bộ đội, tính tới bây giờ thì ông cũng thuộc dạng gạo cội, chừng vài tháng là tôi thấy nội đi họp cựu chiến binh. Nội kể “hồi đó đâu có được như bây giờ, từ bộ đội tới dân, đàn bà con nít gì người ta cũng ăn khoai lang khoai mì thay cơm, vậy mà cũng sống khỏe re hà. Lẩm rẩm mà mấy chục năm trời, hồi đó chung quanh bốn bề là rừng hoang, không có bóng dáng ai qua lại. Bà con kéo nượp nượp về xứ này, người ta lấy phảng, cù nèo... đi khai hoang, thành ra mới có đất, có ruộng như bây giờ”.

Thấy nội kể vậy tôi mới thắc mắc:

- Ủa chớ hồi đó người ta đi bằng cái gì nội?

Nội tôi thỏng thẳng đáp “hồi trước có giao thông gì như bây giờ đâu, nhà nào nghèo thì lội bộ, khá khá hơn một chút thì đi bằng xuồng ba lá, nhỉnh hơn chút nữa thì có cái võ lãi, cái trẹt… mà đi. Dân làng người ta phụ nhau, quá giang thì đâu cũng tới !”. Bà nội tiếp lời cho ông "mèn đét ơi, cái xuồng ba lá nhỏ xíu mà mấy mẹ con ngồi lên, còn chở thêm bác Sáu mày, cái xuồng muốn khẳm, phước đức mà hổng chìm. Hồi ấy có nặng vụ ơn nghĩa gì, như bác Sáu mày đó, nhà có cái gì cũng đem qua cho, tới mình không có gì cho thì cho đi nhờ, ôi thôi hồi đó tha hồ mà đi quá giang, thiếu cha gì người giúp". Ngày xưa đi lại nguy hiểm lắm, bây giờ mọi thứ dường như thuận lợi hơn nhiều, nhưng nguy hiểm thì luôn rình rập, cũng bởi ông bà tôi, dân quê tôi bám sông bám biển mà giữ được đất đai làng mạc cho ngày hôm nay.

Ông tôi từ nhỏ đã gắn bó với sông suối, cây rừng. Ông bảo, “qua sông Cái Lớn, là thông kênh qua Vị Thủy, Hậu Giang, đó là những lần nội chở lúa đi bán với chú Năm, chú Tám… mấy anh em cột chèo rủ nhau đi. Thời bình lập lại, hồi mới sanh cha mày, lúa thóc rớt giá, nghèo mà gặp cái eo nữa con ơi. Ông bà nội ráng mần ăn tới giờ cũng có của ăn của để”. Ông nội tôi thở dài cái thượt, “bây giờ thì hết xí quách rồi!”.

Nội thuật lại, “ui hồi đó hở hở là nghe tiếng máy bay rồi, chạy bán mạng kiếm chỗ núp, con cái thì bốn năm đứa lùm lùm lề đề, may phước mà còn sống, còn ông nội bây thì chiến đấu ở đơn vị”. Nghe nội kể tôi thấy thương vô cùng, nếu cha ông ngày xưa mà không ra công gầy dựng thì thế hệ tụi tôi đâu có được lớn lên trên cái đất “khỉ ho cò gáy” này? Người ta thường hay nói ở cái vùng miệt thứ U Minh rằng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Mặc dầu khổ cực là vậy, con sặc rằn, con mè vinh cũng nuôi nhau qua bữa. Người miền Tây quê tôi họ đơn giản lắm, người ta không thích cầu kì kiểu cách, mà được cái là đùm bọc nhau từ chiến tranh tới tận hòa bình.

Nói có sách, mách có chứng. Ông nội tôi được nhà nước trao tặng bằng khen cựu chiến binh, ông tôi đóng góp được chút ít sức lực của mình cho quê, với tôi đó là điều đáng quý nhất, để đám con cháu tụi tôi mới có được ngày hôm nay. Tôi thân thương gọi ông là cây Mắm, người đã lấn biển tiên phong mở cõi tạo đất cho lớp người theo sau.

Nghe ông bà nội kể bằng chất giọng buồn buồn, bị vì ông bà nội bây giờ quanh quẩn cũng chỉ nhà trước ra tới nhà sau, già cả rồi có còn đi đứng gì nữa, mấy ông bạn già ngày xưa cũng lần lượt đứt bóng. Bà nội cũng vậy, anh chị em thì rày đây mai đó, có mấy khi mà sum họp đủ đầy. Rồi tự nhiên tôi thấy thương, thương đến lạ, người đã có công lập làng dựng nước, thương người đã giữ cái đất miền Tây tránh khỏi tay bọn giặc hung ác. Tôi nhìn theo mắt nội, nội đang têm lại miếng trầu trên tay, trong đầu tôi cứ nghĩ ngợi đủ điều.

"Bạn già mỗi lúc một thưa

Cơi trầu trên chõng ngẩn ngơ nắng chiều

Hiên nhà quạnh vắng hắt hiu

Thẫn thờ mẹ bổ bao nhiêu cau vàng". (*)

Tôi nhớ một câu hát của nhạc sĩ Lý Dũng Liêm: "Bao nhiêu biển rừng bao chiến tích lẫу lừng nào ai du khách về thăm nặng tình miền quê khó rời". Những phận người bé nhỏ nơi đất lũy, họ nắm lấy tay nhau, họ đoàn kết đánh giặc giữ nước, lập nên bao chiến tích mà đời đời ghi nhớ công ơn. Có người được nhớ tên, được sử sách ghi lại cũng có những người chiến sĩ vô danh, hóa một phần xương thịt trong đất mẹ an lành.

Hóa ra, cái nghĩa cái tình của bà con miền Tây quê tôi không phải là thứ gì cao sang, xa xỉ, mà đó là những thức quà quê, những con người hào sảng, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Người nhà quê của tôi hay bảo với nhau, họ bảo rằng “con người ta ở cái xứ miệt này đối đãi với nhau tử tế lắm”. Từ thời năm Thìn bão lụt, chòm xóm đã “tắt đèn có nhau”.

Tôi thấy rười rượi ở trong bụng. Tôi nghĩ, đâu có ai trốn chạy được cái lịch sử tối tăm mà hào hùng của dân tộc, con người ta biết sử sách của cha ông cũng là cách để nhìn lại và vươn lên trong cuộc sống. Tình làng nghĩa xóm. Tình đất, tình người, nó giống như cái mảnh đất miền Tây này vậy, chưa mất đi một miếng nào.

Nghĩ thiệt lòng, bụng dạ nào mà không thương, dù có xa xôi cách trở, hả miền Tây ơi ?!

(*): Mẹ giờ thôi cả ăn trầu - Thơ của Nguyễn Văn Song

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.