Thênh thang ngọn gió chiều

02/11/2022 13:00 GMT+7

Tôi nghe mẹ kể, chỗ tôi ở trước đây có tên là Ba Răng do nằm gần rạch Ba Răng, một trong những con rạch đem nước từ Đồng Tháp Mười ra và dẫn nước từ sông Tiền vào để tháo chua rửa phèn mang lại mùa màng tốt tươi cho những lưu dân ngày đầu đi mở cõi và cả về sau này.

Những người lớn tuổi trong xã nói Ba Răng có nghĩa là nơi có gió to sóng lớn nên về sau được đặt lại với cái tên cho phong thuỷ hơn là An Phong (gió nhẹ), xã nằm trong huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Về lại quê nhà sau những vô thường mà cơn hoạn nạn Covid-19 đã gây ra, tôi ra ngoài ruộng đồng trong một buổi chiều nắng vàng rực, gió nhảy múa trong khói rơm quyện vào không trung phả ra một thứ mùi mà tôi cho rằng đó là mùi của quê hương, mùi của tuổi thơ với những ai sinh ra và lớn lên bên những cánh đồng. Thứ mùi đặc trưng này nhắc tôi nhớ về những mùa cũ xa xôi, mùa chưa nhuốm màu của ưu phiền, mùa của những tháng ngày thong dong cùng đám bạn rong ruổi trên cánh đồng để tận hưởng sự tự do, vô tư lự mà đất trời ban tặng cho trẻ con vùng thôn quê.

Ngắm tụi nhỏ tắm sông nhắc nhớ nhiều kỷ niệm trong tôi

tgcc

Bữa đó, gió cũng thổi bạt mạng như vầy, diều tôi và thằng Hiếu uống từng ngụm gió bay cao trên khoảng trời xanh trong chiều vàng. Mọi thứ rất ổn cho đến khi anh em Bụng, Dạ xuất hiện. Tụi nó là anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, đến nỗi có lần tụi nó thay phiên nhau ăn hết thau bánh lọt của bà Bảy mà cũng không bị phát hiện. Nghịch ngợm thì khỏi bàn, thêm nữa lại nghịch phe với tôi và thằng Hiếu, nên khi diều của tụi nó bắt đầu vào guồng thì chuyện rủ cưa dây là trò mà hai thằng này lúc nào cũng muốn. Dĩ nhiên, tôi và thằng Hiếu không bao giờ từ chối vì dù sao đây cũng là thứ rất hấp dẫn với những đứa trẻ như chúng tôi thời ấy. Lần đó thì diều chúng tôi đã “gửi gió theo mây ngàn bay”, khỏi phải nói tôi và thằng Hiếu thất vọng đến cỡ nào.

Đấy cũng là lần thả diều cuối cùng trên cánh đồng mà tuổi thơ tôi được đắm mình trong đó. Tôi còn nhớ sau khi diều chúng tôi bị đứt dây bay mất, tôi và thằng Hiếu thất thểu ra về. Gió dìu dặt như năn nỉ chúng tôi ở lại thêm chút nữa nhưng ở lại để nghe tiếng cười của tụi thằng Bụng và thằng Dạ thì thà về sớm còn sướng hơn. Sau này khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã lầm vì không thể tìm lại buổi thả diều như thế thêm một lần nào nữa, việc học và công việc về sau đã đẩy tôi trôi đi rất xa vùng tuổi thơ êm ấm của mình.

Kỳ thực thì trên cánh đồng tuổi thơ tôi không chỉ có mùa diều mà còn những mùa khác thay phiên nhau lần lượt đưa chúng tôi chìm đắm vào thế giới thần tiên của trẻ thơ. Tôi mê nhất là mùa cá lia thia, mê cả hơn mùa diều vì không gì tuyệt vời hơn là cùng đám bạn đi xúc cá lia thia đồng. Về khoản này thì tôi và hai anh em Bụng, Dạ chung phe, thằng Hiếu thì không đi cùng do nhà nó không cho. Đồ nghề mà chúng tôi mang theo là keo chao và cái rổ, tất cả đều “chà đồ nhôm” (chôm đồ nhà) mà có. Vì vậy, nhiều khi trời xui đất xụi, đi xúc cá không được con nào mà mất luôn cái rổ vì để quên đâu đó thì về nhà coi như nát mình.

Cá lia thia sống ở những nơi nước xâm xấp mặt ruộng, dễ phát hiện nhất là chỗ có bọt nổi lên, chỉ cần đưa chân dẫm nhẹ vào để cá chui ra, lấy rổ hớt là coi như có thể rung đùi thu được chiến lợi phẩm. Gu của tụi thằng Bụng, Dạ là mấy con cá lia thia loại “mình hồng da sáp”, mấy con này phải nói gan cùng mình, cắn chết không chạy (vì chết rồi có muốn chạy cũng không được). Tôi thì chấm mấy con “mang xanh”, mấy chú này cắn thì không chê vào đâu được, độ lì lợm thì cũng không thua gì loại “mình hồng da sáp” của tụi thằng Bụng, thằng Dạ.

Nắng nhuộm vàng rực cả cánh đồng

tgcc

Không tham gia xúc cá cùng chúng tôi nhưng thằng Hiếu là tay nuôi cá trứ danh nhờ tính cẩn thận và ông nó là một cây đa cây đề về môn này trong xóm của chúng tôi. Nhiều khi tụi tui đua nhau đi kiếm lăng quăng, trùn chỉ để đổi lại được ông nó chỉ dạy vài chiêu về nuôi cá và cáp độ cá, đặc biệt là được ông cho vài chai nước biển để nuôi cá. Thời đó tụi con nít nhà nghèo như chúng tôi ai mà có chai nước biển để nuôi cá lia thia là xịn lắm, đa phần là mấy keo chao nhỏ làm bằng thủy tinh màu xanh lá rất đục. Thú thực được xem cá lia thia đá bóng bằng keo nước biển thì mê hoặc chẳng khác gì tụi nhỏ bây giờ dán mắt vào các trò chơi hư ảo trên màn hình điện thoại.

Mỗi buổi đá cá của chúng tôi thì vui phải biết, cả bọn xúm lại hẹn nhau ra đồng, kiếm chỗ mát rồi cáp độ, thế là cuộc vui diễn ra. Cuộc chơi đương nhiên có kẻ thắng người thua, nước mắt nụ cười cứ thế xen lẫn nhau trong những buổi trưa hè lộng gió. Nhưng sau tất cả thì đấy là hạnh phúc, thứ hạnh phúc đang ngày càng xa dần với chúng ta bởi đơn giản hiện nay mọi người dường như đang hướng về những nơi vui chơi hiện đại hơn, sang trọng hơn để cố kiếm tìm những niềm vui, hạnh phúc cho trẻ nhỏ. Chúng ta đang ngày càng xa dần quá khứ, xa dần những hạnh phúc giản đơn nhưng thấm đẫm những giá trị sâu sắc như thế.

Khi những cơn mưa đầu mùa cùng cái nắng gay gắt ghé thăm miền Tây, mùa dế rộn ràng đến với chúng tôi. Dế lửa và dế than là hai kiểu chiến binh được chúng tôi lựa chọn cho những trận chiến nảy lửa vào những buổi trưa hè dưới những hàng cây phượng vĩ rợp bóng mát. Nếu như đá cá lia thia còn cho thấy sự tao nhã trong đó thì đá dế đưa chúng tôi về lại bản ngã thật nhất của mình, những tiếng hò hét để cổ vũ tinh thần cho dế của mình, đặc biệt là khi chiến sự nổ ra lúc bọn tui không còn biết dế nào là dế nào nữa, những pha thi triển công phu đầy dấu vết kỷ niệm của chúng tôi sẽ xuất hiện, hấp dẫn không kém gì mấy bộ phim chưởng thời đó. Có điều cho dù tình hình có căng cỡ nào đi nữa thì hoà bình sau đó cũng sẽ được lập lại. Dù sao chúng tôi cũng là những chiến hữu của nhau. Sau đó, kiểu gì cả bọn cũng sẽ rủ nhau đi tắm sông, thứ dễ dàng hàn gắn những sứt mẻ tình cảm một cách nhanh nhất giữa chúng tôi.

Đó là những ngày vui của mùa cũ đã xa. Hôm nay, trong buổi chiều này, tôi ra đồng để ngắm mây bay, để thấy khói bếp nhẹ bay trong sương chiều bảng lảng, để xem từng cánh cò bay, từng đàn trâu thong thả về chuồng và để nhớ lại những người cũ, những người theo đã sinh ra và lớn lên trên cánh đồng và khi khép lại hành trình nhân gian của mình, cũng nằm lại bên cánh đồng. Họ đã theo những mùa cũ trôi đi vĩnh viễn về một bờ khác, hôm nay chỉ còn lại tôi và ngọn gió chiều thênh thang…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.