Sáng sớm cuối tuần tôi có chuyến bay ra Hà Nội. Chở tôi đến sân bay là một anh tài xế xe công nghệ nói giọng rặt miền Tây. Ảnh nói quê ở Chợ Mới – An Giang cách Đồng Tháp quê tôi một con sông Tiền. Và như tôi “rà trúng tần số”, ảnh bắt đầu kể “hồi đó ở dưới quê vui quá trời quá đất” rồi chợt nhận ra tôi còn trẻ tuổi nên bỏ lửng câu nói “mà chắc thời của em chưa biết cảnh cắt lúa tay, chưa biết cảnh ngủ giữ lúa ngoài đồng đâu”. Tôi khẽ cười, tôi biết hết chứ, chỉ là lần đầu tiên tôi được gợi lại những ký ức tuổi thơ mình từ một người xa lạ giữa lòng thành phố hoa lệ này.
Cánh đồng vào mùa gặt |
tgcc |
Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội. Nơi tôi sống ruộng lúa không hẳn là thẳng cánh cò bay mà đủ ngan ngát mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt.
Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê, dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên, bởi nó gắn liền với tuổi thơ - phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người.
Trong ký ức của tôi, bức tranh đồng quê sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xíu in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân. Ngày mùa trong tôi còn là những ụ rơm, nhánh rạ trơ ra sau vụ gặt. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vàng những lối đi.
Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi. Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng, mùi của mồ hôi ba ngày ngày vác cuốc ra đồng, mùi của niềm vui mùa lúa trúng, mùi nỗi buồn nơi khóe mắt mẹ sau mỗi vụ thất thu.
Nồi cơm mới thơm lừng, không những thơm bởi hạt gạo mà còn vì được đun bằng bếp rơm, lửa cháy bùng, cơm sôi ùng ục. Đó là cái mùi cứ phảng phất theo tôi, để rồi những tháng năm sau đó, tôi đi khắp mọi miền, đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao con người lớn lên từ ruộng đồng như tôi.
Tôi nhớ, ngày nhỏ, tới mùa lúa, lũ trẻ chúng tôi tranh nhau ngồi máy kéo (loại xe kéo lúa từ ruộng vào sân phơi). Máy chở lúa là chính chứ đâu phải thiết kế để tụi nhóc chúng tôi chơi mà tụi con nít nhất quyết bằng mọi cách phải lên cho bằng được nên mấy chú tài xế thường “chia ca” cho mỗi đứa đi một lượt. Thả đôi chân trần, cái đầu khét nắng rồi cảm nhận cái xập xình, chao đảo của chiếc máy kéo. Mà ngộ cái là đi qua ụ đất, bờ đê nào càng dốc, càng khó đi, càng lắc lư thì con nít tụi tui càng khoái.
Lúa gặt xong nhưng nếu chưa có máy tuốt lúa về kịp thì nhà tôi lại phải chuẩn bị mùng, mền, chiếu, gối ra đồng giăng mùng cạnh đống lúa để ngủ canh chừng sợ có trộm. Tôi nhớ có lần chú tôi ngủ giữ lúa nhưng vì chú hay nói mớ nên tiếng rổn rảng cả đêm, đâu có tên trộm nào dám bén mảng.
Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ quê hương, mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa qua xứ Tây Đô lập nghiệp, có đứa đi làm dâu tận vùng miệt thứ Cà Mau. Còn tôi… sống và làm việc ở phố thị xa hoa, đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả.
Đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới |
tgcc |
Mỗi lần về nhà đúng mùa gặt lúa, tôi hít lấy một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí ấy, nhớ về mình còn là đứa trẻ của những tháng năm xưa. Những tháng năm đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm, những tháng năm còn được nằm trọn trong vòng tay của ba mẹ.
Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước mong và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những mơ ước của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình.
Những ký ức tuổi thơ gắn liền với mùi rơm rạ quê hương bỗng chốc ùa về làm cho con đường đến sân bay trở nên ngắn ngủi. Tôi và anh tài xế công nghệ kia tạm gác lại những ký ức miền Tây thân thương của mình để hòa vào nhịp sống hối hả. Tôi tin là nó chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người rồi đến khi gặp người “rà đúng tần số” hoặc đôi khi chỉ cần nhắc về hai tiếng miền Tây thì những ký ức thân thương ấy lại ào ạt ùa về. Đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được.
Bình luận (0)