Miền Trung chịu 'hình thế mưa kinh điển', giống với đợt mưa lịch sử năm 1999

14/10/2023 17:52 GMT+7

Theo ý kiến chuyên gia, các hình thế gây ra mưa lớn ở miền Trung trong giai đoạn mưa kỷ lục năm 1999 cơ bản đang giống giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, cường độ mưa năm 1999 lớn và gay gắt hơn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay 14.10, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 14 giờ cùng ngày có nơi trên 100 mm như: Cương Gián (Hà Tĩnh) 124 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 186 mm, Hòa Sơn (Đà Nẵng) 148,2 mm, Đại Hiệp (Quảng Nam) 156,2 mm…

Miền Trung chịu 'hình thế mưa kinh điển', giống với đợt mưa kỷ lục năm 1999 - Ảnh 1.

Đoạn đường ở Thừa Thiên - Huế bị ngập

BÌNH THIÊN

Dự báo, từ chiều 14 - 16.10, từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150 - 250 mm, có nơi trên 400 mm, riêng khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam mưa 300 - 500 mm, có nơi trên 800 mm. Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.

Ngoài ra, từ chiều 14 - 15.10, ở khu vực phía nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30 - 60 mm, có nơi trên 80 mm.  Khu vực nam Trung bộ, các nơi khác ở Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 70 mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).

Xem nhanh 20h ngày 14.10: Miền Trung oằn mình chống mưa lũ, lần đầu cảnh báo mức thiên tai cao nhất

Mưa lớn ở miền Trung kéo dài nhiều ngày tới

Nhận định về tình hình mưa lớn miền Trung trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho hay đợt mưa lũ bắt đầu từ đêm 10.10, đến nay đã được 4 ngày.

Đặc điểm của đợt mưa này là phân bố không đồng đều, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi là những vùng không có mưa lớn. Trọng tâm mưa là Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 400 - 800 mm. Thậm chí, ở Đà Nẵng có điểm mưa to trên 1.000 mm.

Miền Trung chịu 'hình thế mưa kinh điển', giống với đợt mưa kỷ lục năm 1999 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết

ĐÌNH HUY

Ông Hưởng cho rằng, đợt mưa này là "hình thế kinh điển của mùa mưa ở khu vực miền Trung". Nguyên nhân là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng gió đông di chuyển từ phía đông vào. Gió đông phát triển từ 1.500 - 5.000 m, đưa lượng ẩm rất lớn từ Biển Đông vào, cùng với đó, gió đông bắc đẩy lượng ẩm đó lên cao gây ra đối lưu mạnh ở khu vực miền Trung tạo ra mưa lớn.

"Chúng tôi nhận định, trong những ngày tới, các hình thế thời tiết gây mưa ở miền Trung tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang theo dõi vùng áp thấp đang di chuyển ở giữa Biển Đông, có thể hướng về Trung bộ và gây mưa lớn", ông Hưởng thông tin.

Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, tâm mưa từ ngày 15.10 sẽ thay đổi, tập trung ở khu vực Quảng Trị đến Quảng Nam và mở rộng một chút đến Bình Định, phía bắc tỉnh Kon Tum, Gia Lai.

"Hiện nay, mưa tập trung ở đồng bằng và vùng ven biển. Trong thời gian tới, mưa có khả năng đi sâu vào đất liền, miền núi phía bắc của Trung bộ. Thậm chí, ngược lên miền Bắc trong giai đoạn ngày 16 - 18.10. Tình trạng ngập úng vẫn duy trì ở Trung bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khi mưa lấn sâu vào vùng núi", ông Hưởng cảnh báo.

Hình thái mưa ở miền Trung hiện nay giống với hình thái gây ra lũ lịch sử năm 1999

Trước câu hỏi với lượng mưa như hiện nay ở miền Trung liệu có khả năng xảy ra lũ lịch sử như năm 1999, ông Hưởng phân tích, mưa lũ ở miền Trung đang rất nguy hiểm, nó thể hiện bằng cấp độ rủi ro do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đưa ra ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là cấp 4, cấp độ rủi ro cao nhất đối với mưa lớn.

Ông Hưởng cho hay, các hình thế gây ra mưa lớn ở Trung bộ trong giai đoạn mưa kỷ lục năm 1999 cơ bản đang giống giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hình thế gây ra mưa kỷ lục từ ngày 1 - 6.11.1999 mạnh hơn nên khả năng cao, cường độ đợt mưa hiện tại ở miền Trung sẽ không gay gắt bằng năm 1999.

Trận lũ lịch sử tháng 11.1999 xảy ra từ ngày 1 - 6.11. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to gây nên trận lũ lịch sử chưa từng có trong gần 100 năm. Mưa to dồn dập, nước lên nhanh với cường suất có lúc 1 m/giờ. 90% khu dân cư vùng gò đồi, phía tây QL1A bị ngập sâu từ 1,5 - 4 m; thượng nguồn sông Hương và sông Bồ có lúc mực nước dâng cao 8 - 9 m; các huyện miền núi như A Lưới và Nam Đông đều bị lũ quét.

Trận lũ lịch sử năm 1999 đã làm 352 người chết, 21 người mất tích, 94 người bị thương; cả một làng tại biển Thuận An bị lũ cuốn trôi ra biển; 90 vạn dân phải chịu đói rét trong nhiều ngà,... tổng thiệt hại trên 1.700 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.