Qua tuần sau sẽ có không khí lạnh tăng cường với cường độ không mạnh lắm, nén rãnh thấp xuống miền Bắc nên thời tiết thay đổi nhanh, trời rét trở lại với nhiệt độ thấp nhất 13 – 16 độ C, riêng vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C, có mưa nhỏ, mưa phùn. Đợt rét này kéo dài 4 - 5 ngày, gần cuối tuần giảm mây, trời có nắng, nhiệt độ sẽ tăng dần.
Miền Trung thời tiết khá ổn định, hầu hết không mưa hoặc chỉ mưa nhỏ, trời còn lạnh vào cuối tuần, sau đó nhiệt độ tăng nên chỉ còn lạnh đêm và sáng, ít mưa. Như vậy, miền Trung bắt đầu vào mùa khô, nắng tăng, độ ẩm sẽ giảm dần do mưa ít mà bốc hơi có xu hướng tăng, cần phòng tránh cháy rừng.
Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục giữa mùa khô, hầu hết không mưa hoặc chỉ có mưa nhỏ. Lượng mây giảm, nắng nhiều hơn với cường độ bức xạ tăng, thời gian nắng kéo dài 8 - 10 tiếng mỗi ngày. Nhiệt độ tăng dần và bắt đầu vào giai đoạn nắng nóng ở miền Đông và TP.HCM, thời gian nóng tập trung từ 11 - 15 giờ với nhiệt độ cao nhất 34 – 35 độ C, có nơi xấp xỉ 36 độ C. Đêm và gần sáng có sương mù nhẹ và trời hơi se lạnh trong 3 - 4 ngày tới, nhiệt độ thấp nhất ở miền Đông Nam bộ từ 20 – 22 độ C, miền Tây 22 – 24 độ C. Độ ẩm trung bình giảm còn 65 - 75%, ban ngày 40 - 50% hoặc thấp hơn, điều này cho thấy trời hanh khô khá rõ, một số nơi có nguy cơ cháy rừng rất cao.
Do triều kém nên trong những ngày tới độ mặn ở các tỉnh ven biển có xu hướng giảm nhẹ, cho đến đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch mặn sẽ tăng dần. So với mùa khô hạn mặn 2016 thì năm nay không quá gay gắt, độ mặn hầu hết vẫn còn ở mức thấp hơn. Riêng Bến Tre và Tiền Giang trong 7 ngày tới, một số nơi có độ mặn 4%o xâm nhập vào cách cửa sông trên 50 km và bắt đầu có dấu hiệu gây hại nhẹ như trên sông Cổ Chiên và Hàm Luông. Tình hình xâm nhập mặn năm nay ở Tiền Giang không gay gắt như năm 2016, tương đương mùa khô 2013 - 2014. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3.2017, tại Hòa Bình khoảng 10 - 12%o, tại An Định (gần cống Xuân Hòa) 2 - 3%o, tại TP.Mỹ Tho là 0,5 - 1,5 gr/lít.
Do nắng mưa thất thường trong nửa đầu mùa khô nên miền Nam đối mặt nhiều loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt bệnh muỗi hành (sâu năn) gây hại tại nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL. Thời tiết đêm lạnh ngày nóng và sương mù xuất hiện vào sáng sớm là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá và cổ bông tiếp tục phát triển trên các cánh đồng miền Nam. Ngoài ra, cây thanh long cần phun phòng định kỳ trừ đốm nâu để phòng trừ nấm bệnh tấn công cành và trái.
Bình luận (0)