Miền Trung mưa lũ trở lại, người dân trữ lương thực đề phòng ngập lụt

09/11/2021 09:09 GMT+7

Người dân các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa được khuyến cáo chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng ngập lụt, chia cắt khi các tỉnh miền Trung có mưa lớn trong nhiều ngày tới.

Chiều tối qua, 8.11, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh miền Trung sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ lụt quay trở lại.

Công điện nhấn mạnh theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối 8.11 đến ngày 14.11, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, phía bắc Quảng Nam và Khánh Hòa mưa phổ biến 250 - 400 mm, có nơi trên 500 mm.

Khu vực từ phía nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 400 - 700 mm, có nơi trên 800 mm. Dự báo từ ngày 15.11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành T.Ư; các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.

Miền Trung mưa lớn, nguy cơ lũ lụt qua trở lại trong những ngày tới, người dân cần chủ động tích trữ lương thực

Thanh Niên

Các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" đề phòng ngập lụt, chia cắt.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

Đối với khu vực có ngầm tràn, điểm đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ, các địa phương tổ chức lực lượng để canh gác; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai lưu ý các bộ, ngành phối hợp với địa phương rà soát, chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du trong những ngày có mưa lũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.