Miễn visa để thu hút du khách Ấn Độ?

25/08/2022 07:02 GMT+7

Trung Quốc là nguồn khách quốc tế lớn nhất với du lịch Việt Nam nhưng đang đóng cửa do chính sách phòng, chống dịch. Theo các chuyên gia, Ấn Độ là thị trường tiềm năng để lấp vào mảng trống chưa biết đến bao giờ mới khôi phục này.

Sau hai năm du lịch "đóng băng", ngày 15.3, Việt Nam mở cửa du lịch trở lại bằng việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia với thời hạn lưu trú 15 ngày. Việc miễn thị thực này được áp dụng trong 3 năm, đến hết ngày 14.3.2025 và sẽ được xem xét gia hạn.

Cụ thể, công dân Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus được hưởng chính sách này.

Hiện Việt Nam miễn thị thực cho công dân đến từ 25 nước, quá ít so với các quốc gia trong khu vực

h.mai

Theo ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, việc tăng số lượng các nước được miễn thị thực lên 13 thể hiện rõ mục tiêu thu hút du khách quốc tế của Việt Nam trong kế hoạch đón 5 triệu lượt khách trong năm nay. Tuy nhiên, 13 thị trường khách xa được miễn thị thực kể trên đang trong giai đoạn khủng hoảng vì nhiều lý do khác nhau nên khó thu hút được lượng khách khả quan. Sau đại dịch, lẽ ra Việt Nam phải chú trọng hơn các nguồn khách gần. Trong đó, đáng kể nhất là nguồn khách đến từ thị trường khổng lồ Ấn Độ.

"Ấn Độ hoàn toàn có thể thay thế nguồn du khách đến từ Trung Quốc nếu Việt Nam miễn visa cho họ và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá ngay từ thời điểm này. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét miễn visa để thu hút du khách khách đến từ New Zealand, Canada và các nước còn lại trong EU", ông Chí nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị Công ty TST Tourist, cũng cho biết, các đối tác Ấn Độ đang quan tâm nhiều tới điểm đến Việt Nam. "Giữa hai điểm đến có nhiều thuận lợi chia sẻ nguồn khách vì đang có ba hãng bay khai thác. Trong quá trình hợp tác, chúng tôi luôn nhấn mạnh đến việc 'có qua có lại'. Nghĩa là đối tác phải đưa khách đến thì chúng tôi mới gửi khách đi", ông Mẫn nói thêm và đề xuất, Việt Nam cần xem xét miễn visa cho đối tượng khách này.

Trên thực tế, số quốc gia được Việt Nam miễn thị thực hiện quá ít ỏi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế du lịch Việt Nam không tận dụng được nguồn khách có sẵn ở các nước xung quanh. "Chẳng hạn, Thái Lan, Malaysia... đang miễn thị thực cho hàng chục nước và thu hút đông đảo du khách từ các nước đó. Nhưng khi đang du lịch tại các nước này bằng chính sách 'không visa', nếu họ muốn sang Việt Nam để tiếp tục hành trình cũng khó vì phải tốn công và chi phí xin thị thực. Họ có thể sẽ chọn sang Philippines, Indonesia... những quốc gia có số lượng các nước được miễn visa nhiều hơn Việt Nam", ông Chí nhấn mạnh.

Nhiều công ty du lịch cho rằng, miễn thị thực trong 15 ngày là ngắn, so với các nước trong khu vực miễn 30 ngày hoặc 90 ngày. Việt Nam nên nâng lên thời gian miễn visa để phù hợp với hành trình tour vì có khách đang đi du lịch muốn kéo dài hành trình buộc phải xin gia hạn.

Các nước trong khu vực miễn visa so với Việt Nam

Philippines là nước có chính sách thị thực thông thoáng hàng đầu Đông Nam Á khi miễn visa cho công dân đến từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp theo Malaysia với 110 nước và vùng lãnh thổ. Indonesia cũng miễn thị thực cho công dân của 70 quốc gia.

Thái Lan miễn thị thực cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian cao nhất 90 ngày và thấp nhất 14 ngày. Con số của Brunei là 54. Trong khi đó, Singapore miễn thị thực cho tất cả các nước trừ 40 nước và vùng lãnh thổ còn lại (được chia thành 2 cấp độ) phải xin visa vào nước này.

Nhóm các nước còn lại gồm Campuchia là 28, Lào 15, Myanmar 8. Việt Nam với việc vừa thực hiện miễn visa đơn phương cho công dân 13 nước, trước đó miễn song phương cho 9 quốc gia trong khu vực và 3 nước Chile, Panama và Kyrgyzstan, nâng tổng cộng lên 25 nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.