(TNTS) Dị ứng thực phẩm là chứng bệnh mọi người thường gặp. Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, bệnh chiếm tỷ lệ khá cao với các biểu hiện trầm trọng và nguy hiểm hơn so với người lớn.
|
Dễ nhầm với bệnh đường tiêu hóa
Cách đây vài hôm, chị Trâm A., ở Bình Thạnh (TP.HCM), hốt hoảng ẵm cậu con trai 18 tháng tuổi trong tình trạng li bì, khó thở vào Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay sau khi vừa cho con ăn xong chén cháo trứng. Theo chị Trâm A., đây là lần đầu tiên chị cho con ăn trứng. Sau khi ăn xong, chị nhận thấy con có cảm giác khó chịu, người nổi mẩn đỏ, thở dốc nên tức tốc đưa vào bệnh viện vì nghĩ có thể bị ngộ độc thực phẩm. Tại đây, sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận định đứa trẻ không bị ngộ độc thực phẩm mà bị dị ứng với trứng gà. Sau 2 ngày điều trị tích cực, con chị Trâm A. đã dần hồi phục.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, dị ứng là một bệnh lý mô tả tình trạng cơ thể phản ứng quá mẫn cảm đối với những vật lạ nào đó khi đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc. Phản ứng dị ứng có thể biểu hiện từ nhẹ như nổi mẩn đỏ, chảy nước mũi, nổi mề đay, ngứa ngáy cho đến nặng hơn là phản ứng sốc phản vệ: khó thở, tím tái, co thắt phế quản, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp... Quá trình này diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khác với người lớn, dị ứng thực phẩm có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa hay da, ở trẻ đôi khi dị ứng thực phẩm chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa, vì thế việc phát hiện bệnh rất khó.
Một số loại thức ăn ngoài việc chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng đồng thời chứa nhiều các hoạt chất mà khi vào cơ thể có thể gây ra phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ở một số người, nếu phản ứng miễn dịch quá mạnh hoặc cơ thể không dung nạp được loại thực phẩm nào đó sẽ dẫn đến tình trạng bị kích ứng, gây ra dị ứng. Dị ứng thức ăn thường có tỷ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ với những dị nguyên thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt và cá. Lý giải về điều này, bác sĩ Ngọc Diệp cho biết: trẻ nhỏ thường bị dị ứng là do hệ thống miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nên khi tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng.
Dị ứng thức ăn không phải hoàn toàn giống nhau ở trẻ, có trẻ dị ứng với sữa bò, có trẻ dị ứng với đậu phộng... Sự khác nhau này phần lớn là do hệ thống miễn dịch của cơ thể chi phối.
Ở trường hợp của chị Trâm A., ngay khi nhận thấy những biểu hiện của con, chị nghĩ ngay đến ngộ độc thực phẩm, và không chỉ riêng chị Trâm A., phần lớn các bà mẹ ngày nay cũng thường nhầm lẫn giữa dị ứng thức ăn với ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Ngọc Diệp giải thích: ngộ độc thực phẩm là tình trạng ăn phải những thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm vật lý, ô nhiễm hóa học hoặc thực phẩm đó bản thân nó sinh ra những độc chất gây ra tình trạng ngộ độc của cơ thể. Nói cách khác, ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn; còn dị ứng thức ăn là ăn thực phẩm không bị ô nhiễm, nhưng cơ thể không dung nạp được nên xảy ra phản ứng quá mẫn của cơ thể.
Khi phát hiện trẻ bị dị ứng thức ăn, điều đầu tiên các bà mẹ nên làm là ngưng ngay thực phẩm đó và cho trẻ đi khám để xác định rõ nguyên nhân, khi đó bác sĩ sẽ cho thuốc để giảm bớt các triệu chứng. Trong trường hợp trẻ phản ứng quá mẫn cảm với mức độ nặng kèm các biểu hiện như khó thở, mệt mỏi, mệt lả cần đưa đến bệnh viện ngay, bởi một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Dị ứng thức ăn nếu không được phát hiện kịp thời và vẫn tiếp tục cho trẻ ăn loại thức ăn đó thì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ, vì khi đã xảy ra tình trạng dị ứng thì khả năng dung nạp thức ăn của cơ thể sẽ hạn chế, trẻ khó tăng cân; ngoài ra, cũng có thể kích hoạt các bệnh mạn tính như hen suyễn.
Tập cho trẻ không bị dị ứng
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn, trong đó nhiều trường hợp chỉ ăn những loại thức ăn bình thường, nhưng do cơ địa dị ứng nên gây ra tình trạng sốc phản vệ. Tuy vậy, tỷ lệ này giảm dần theo tuổi.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, những trẻ từng bị dị ứng thực phẩm, trong quá trình trưởng thành vẫn có thể ăn loại thực phẩm đó với điều kiện tập ăn lại bằng cách tiếp xúc thực phẩm từng gây dị ứng với mức độ nhẹ (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).
Để trẻ quen với một loại thức ăn mới, cách tốt nhất là cho trẻ ăn từ từ, từng chút một, theo dõi trong khoảng từ 4 - 5 ngày. Trong quá trình cho ăn, nếu thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng, phải dừng ăn món đó. Khi biết bé dị ứng với loại thức ăn nào đó, nên loại ra khỏi thực đơn.
Dị ứng thức ăn cũng liên quan đến tiền sử gia đình, cho nên dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác định được nguy cơ dị ứng của đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ. Dị ứng không thể chữa trị khỏi hoàn toàn, chỉ có thuốc giúp làm giảm bớt triệu chứng. Cách đề phòng hữu hiệu nhất là tránh cho trẻ ăn những thức ăn thường gây dị ứng. Theo bác sĩ Ngọc Diệp, một số loại thực phẩm được liệt vào danh sách dễ gây dị ứng gồm: đậu phộng, trứng, sữa bò, sô cô la, dứa, thịt bò, một số loại cá biển..
Bình luận (0)