Miệt mài làm đẹp đường quê

29/09/2022 09:00 GMT+7

Tuổi 68 nhưng bà Huỳnh Thu Tặng (ngụ ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, H.Châu Thành, Hậu Giang ) vẫn miệt mài quét rác, trồng cây tình nguyện trên những con đường dân sinh để làm đẹp quê hương.

Hơn 3 năm qua, bà Tặng luôn thức sớm để làm đẹp đường quê

THANH DUY

Hạnh phúc vì được làm điều mình thích

Kể về việc làm tử tế này, bà Tặng cho biết cạnh nhà bà là cầu sắt chữ Y rẽ về 3 hướng. Một ngày, vì xóc dốc, xe chở vật liệu xây dựng chạy ngang đổ cát đá lộn xộn trên cầu. Thấy tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh đạp xe đến trường, bà Tặng vội về lấy dụng cụ thu dọn. Nhân đó, bà quét sạch luôn cả cây cầu đã lâu ngày không được vệ sinh. Hành động đẹp này nhận được nhiều thiện cảm của bà con xung quanh. Thấy việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa, từ đó bà tự nguyện làm đẹp cho nơi này.

Một ngày làm đẹp đường quê của bà Tặng bắt đầu bằng việc chuẩn bị hành trang gồm chổi dừa, sọt rác, kéo, nón lá, khẩu trang. Từ 5 giờ - 7 giờ, bà men theo con đường dân sinh dài gần 1 km để quét rác, nhổ cỏ, trồng, cắt tỉa cây xanh giúp nhà dân và những khu đất trống. Những loại rác như lá cây, chai nhựa, túi ni lông… được bà phân loại hẳn hoi để về xử lý thân thiện với môi trường.

Bà Tặng chia sẻ, sau thời gian dài tha phương cầu thực, bà rất vui khi thấy quê nghèo đổi mới với mạng lưới cầu, đường nối nhịp. Vì vậy, dù đã 68 tuổi nhưng bà cũng muốn góp sức xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, giàu đẹp bằng khả năng của mình.

Theo đó, từ 1992, cả gia đình bà Tặng gồm 3 thành viên rời nơi chôn nhau cắt rốn lên TP.HCM kiếm sống. Bà làm việc trong một xưởng may mặc, rất ít có cơ hội về quê. Rồi những biến cố dồn dập ập đến, chồng qua đời vì bạo bệnh, con mất tích biệt tăm. Năm 2019, bà đơn thân khăn gói về lại quê hương, không ruộng vườn, không kế sinh nhai. Niềm vui từ việc làm đẹp cho đường quê đã khiến cuộc sống mỗi ngày của bà thêm phần ý nghĩa và hạnh phúc.

Ban đầu, thấy người phụ nữ ‘tóc bạc da mồi’ thức sớm làm việc có ích cho cộng đồng, ai cũng trân trọng nhưng lo lắng vì đường xá quanh co, khó lường rủi ro tai nạn giao thông. Bà Tặng cũng suy nghĩ nhiều, nhưng rốt cuộc bà vẫn quyết định làm điều mình yêu thích. Sau đó, địa phương tặng 3 dây áo phản quang để bà yên tâm hơn lúc làm việc.

Bà Tặng làm việc từ tâm’, không mong muốn nhận lại lợi ích riêng gì

THANH DUY

Lan tỏa tích cực đến cộng đồng

Làm việc không công nhưng bà Tặng rất trách nhiệm và chăm chỉ. Người địa phương kể lại, vì không thể mang nặng, mùa nắng, bà đong nước vào những chai nhựa nhỏ rồi lấy xe đẩy từng chuyến qua bên kia cầu tưới cho những hàng hoa kiểng đang ‘khát’. Mùa mưa, nỗi vất vả như nhân đôi vì bà Tặng thường làm việc ‘tăng ca’. Sau những cơn mưa lớn khiến lá cây rụng nhiều, bà Tặng lại ra thu dọn rác dính trên mặt đường.

Bà Tặng trải lòng: “Mỗi con đường được xây, mỗi chiếc cầu được bắt đều rất khó khăn, cần công sức của rất nhiều người. Tôi rất biết ơn họ và muốn góp sức bảo vệ, giữ gìn những công trình dân sinh này luôn mới mẻ, lịch sự”.

Hiện thu nhập duy nhất của bà Tặng là số tiền hơn 2,6 triệu đồng/tháng từ việc đóng bảo hiểm trước đây. Thấy bà lao động vất vả không công, nhiều người có ý thuê bà những việc tương tự để có thêm tiền trang trải cuộc sống, nhưng bà đều lắc đầu từ chối. Bởi lẽ, bà làm xuất phát từ ‘tâm’, không mong muốn nhận lại lợi ích riêng gì, chỉ mong quê nghèo sẽ ngày càng chuyển mình khang trang, đẹp đẽ.

Bà Lý Thị Ánh Xuân (64 tuổi) cho biết nhờ có bà Tặng mà Nhà văn hóa ấp Thạnh Thới (xã Đông Thạnh) đã có một diện mạo rất mới. Vì cách vài ngày, bà lại sang đó để quét dọn khoảng sân, lau chùi phòng họp, nhổ cỏ dại trong khuôn viên cây. “Bà Tặng làm việc tâm huyết, kỹ lưỡng nhưng không ai nghe bà than thở bất cứ điều gì. Lối xóm quý mến bà Tặng lắm nên thỉnh thoảng cho bánh mì, trái dừa, củ khoai… để tiếp sức cho bà làm việc”, bà Xuân nói.

Thoạt nghĩ việc ‘làm đẹp’ cảnh quan của bà Tặng đơn giản, song thực chất cũng khá kỳ công. Theo bà Tặng, đối với cây cầu sắt, lá cây và rác bụi ùn ứ lâu ngày là sẽ bị rỉ sét, hao mòn dần. Vì vậy, không lâu bà lại mang dụng cụ để làm sạch rác ‘trú ẩn’ ở những kẽ hốc không thể quét tới. Cây kiểng thì ngoài sâu còn có ốc ăn lá nên mỗi ngày bà Tặng đều phải chăm sóc, theo dõi.

Nhiều người trẻ ở địa phương rất nể phục tinh thần cống hiến của bà Tặng. Chị Trương Thị Thủy Tiên (25 tuổi) chia sẻ: “Đi trên con đường luôn thoáng đẹp, tôi thật sự biết ơn và có phần xúc động khi biết nó được giữ gìn bởi người phụ nữ đã gần 70 tuổi. Việc làm của bà Tặng lan tỏa điều tích cực về ý thức và trách nhiệm xây dựng quê hương đối với mỗi người”.

Ông Nguyễn Quốc Tâm, Trưởng ấp Phước Thanh (xã Đông Thạnh, H.Châu Thành, Hậu Giang), cho biết: "Bà Tặng làm việc rất cố gắng và nhiệt tình. Hiện bà cũng là thành viên trong tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu địa phương, thực hiện các phần việc tình nguyện trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan trong và ngoài ấp. Tuy phần lớn thành viên trong tổ là người trẻ, nhưng bà Tặng hoạt động tích cực không kém ai".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.