|
Không phải vì anh chưa tới tuổi 40 với hàm võ sư cấp 18 (tột cấp), hay thành tích 10 huy chương vàng và nhiều huy chương bạc, đồng trong thi đấu mà nhiều năm qua anh là người thầm lặng góp phần đưa vẻ đẹp võ cổ truyền Việt Nam, võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định đến với công chúng và miệt mài sao lục, sưu tầm, biên soạn lại những tuyệt kỹ võ học của cha ông.
Với nhiều lý do khác nhau, những tinh hoa võ cổ truyền dân tộc nhiều vùng miền đã có những mai một, thất truyền. Phần còn lưu giữ được, căn bản là theo cách truyền thừa qua các đời, có thể cũng ít nhiều biến dạng hoặc pha trộn, vì chưa xây dựng được hệ thống lý luận cơ bản, chưa truyền dạy theo những nguyên tắc khoa học. Việc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập (8.1991) là bước đi đột phá có tầm quốc gia để quy tụ những tinh hoa võ cổ truyền dân tộc trong chỉ đạo chung thống nhất. Vừa phát huy những nét riêng tinh túy của từng hệ phái, vừa xây dựng những cái chung đặc sắc để phát huy võ thuật dân tộc, việc các công trình “Bước đầu tìm hiểu võ học Việt Nam”, “Võ cổ truyền Việt Nam, 18 bài võ quy định”… được biên soạn đã góp phần hệ thống hóa những nét căn bản về võ cổ truyền, đưa việc học tập, huấn luyện và thi đấu vào quy củ, bài bản. Cũng là những tiền đề cho các kế hoạch quảng bá rộng rãi tinh hoa võ học Việt trong và ngoài nước. Việc làm này rất cần những võ sư giỏi chuyên môn và có khả năng biên soạn theo các quy chuẩn khoa học. Võ sư Trần Duy Linh là một trong những người như thế.
Thầy của Trần Duy Linh là võ sư Nguyễn Đông Hải (Hư Linh Tử), vốn là đệ tử đời thứ 13 của hệ phái Hư Minh. Ông tổ hệ phái này sống thời vua Lê Anh Tông (1532 - 1573), để lại cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiếu pháp, sao lục binh pháp, binh thư yếu lược, đồ hình… nhiều triều đại. Đến đời thứ 8 là Nguyễn Trung Như (Hư Linh Ẩn), vị võ tướng Tây Sơn này soạn ra và chép lại 14 bài võ do những anh hùng đương thời: Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Trung Như sáng tạo, thành cuốn Bí kíp Tây Sơn.
Những Hiệp hộ đàng thương, Nghiêm thương, Lôi phong tùy hình kiếm, Song phượng kiếm, Lôi long đao, Lăng tiên, Lục đoạn trường xà kiếm, Thần đồng bộ pháp... bước đầu đã được biên soạn với lời thiệu, phân thao, những chú giải về hành pháp liên thao, cả những câu chuyện liên quan hay khơi gợi cho các bậc võ tướng “tự cứu phá” mà thành. Với sự cố vấn của thầy - võ sư Nguyễn Đông Hải, tập Bí kíp Tây Sơn đã được võ sư Trần Duy Linh biên tập lại giản dị, dễ hiểu cho việc hôm nay tiếp tục học tập, nghiên cứu.
Một trong những bài tuyệt kỹ ấy là “Lôi long đao” của Võ Văn Dũng đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam kể trên với một quy trình bài bản các mục: xuất xứ, ý nghĩa, lời thiệu, số lượng kỹ thuật, thời gian thực hiện, điểm dừng kỹ thuật, đồ hình diễn quyền và diễn quyền cụ thể có minh họa.
Cũng cần nói thêm, 18 bài võ cổ truyền được đưa vào chương trình huấn luyện và thi đấu, trong số những bài có cơ sở xác định xuất xứ thì đã đến một nửa là của võ Tây Sơn - Bình Định. Và từ năm 2006 đến nay, cứ 2 năm một lần, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức, quy tụ cả trăm đoàn võ trong nước và quốc tế về miền đất võ Bình Định học hỏi, thi đấu, giao lưu, hội thảo, ngày càng tôn vinh nét độc đáo võ cổ truyền Việt Nam.
Võ sư Trần Duy Linh được tin cậy giao trọng trách luyện tập, biểu diễn với hàng trăm vận động viên, diễn viên suốt các kỳ liên hoan này. Anh còn dàn dựng, luyện tập võ biểu diễn cho các đại lễ kỷ niệm 220 năm, 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ở đất võ Tây Sơn. Rồi tham gia dàn dựng chính phần võ thuật cho “Lễ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung” ở núi Bân, “Lễ hội tiến sĩ võ” - Festival Huế 2008; dàn dựng một số tiết mục võ cổ truyền Bình Định, cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn trong hành trình mở cõi - Festival Huế 2010, biểu diễn võ thuật Bình Định ở Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Có thể nói, võ sư Trần Duy Linh đã và đang góp phần không nhỏ cho việc đưa vẻ đẹp võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định, võ cổ truyền Việt Nam đến công chúng trong và ngoài nước.
Võ sư Trần Duy Linh tập võ bắt đầu từ roi, sau luyện tập u linh thương rồi chuyên sâu về kiếm pháp và đại đao. Tất nhiên không phải là trình tự bắt buộc nhưng với môn đại đao, người tập phải có sức khỏe và một đẳng cấp nhất định về võ thuật mới luyện tập và sử dụng thành thạo binh khí này. Tầm vóc Trần Duy Linh khá lý tưởng nhưng theo anh, quan trọng là ý chí vượt qua ngưỡng (sức rướn), sự kiên trì, miệt mài trong luyện tập để đạt bằng được các độ chuẩn, đẹp của kỹ thuật. Với nỗ lực ấy cộng thêm trí nhớ tốt, thời còn học võ, thầy dạy anh 3 ngày là đủ để anh truyền đạt lại cho lớp đàn em vài tháng!
Ngoài những thành tích trong thi đấu, năm 30 tuổi, võ sư Trần Duy Linh đã vinh dự được mời làm trọng tài cho thi đấu võ cổ truyền cấp quốc gia. Và được mời vào Ban Chuyên môn, huấn luyện của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Anh đang công tác ở Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Bình Định, phụ trách huấn luyện đội võ cổ truyền. Người võ sư trẻ này luôn ý thức “giữ dáng” nên luôn cùng luyện tập hằng ngày với các võ sinh từ 5 giờ sáng. Và cái nét nho nhã, khiêm cung của anh khiến lần đầu gặp, ít người hình dung anh là người chỉ huy khá đình đám trước hàng trăm người và đã có những đóng góp đáng trân trọng cho việc bảo tồn và tôn vinh võ cổ truyền Bình Định.
Đầu năm 2013, võ cổ truyền Bình Định được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp quốc gia. Cũng thời điểm này, “Trung tâm võ cổ truyền Bình Định” được thành lập, võ sư Trần Duy Linh ở Ban Nghiệp vụ huấn luyện. Và kế hoạch là sẽ thành lập “Ban Nghiên cứu biên soạn võ cổ truyền” nhằm tổng hợp, sưu tầm, bảo tồn những bài võ có nguy cơ bị thất truyền.
Thật nhiều khó khăn và cũng bắt đầu có những thuận lợi cho võ sư Trần Duy Linh trong hoài bão nghiên cứu, sưu tầm những bài võ Bình Định chép lại cho các thế hệ sau của anh. Các bài của “Thập bát ban binh khí”, “Chấn thiên cung”, “Song đao”, “Độc phủ”, “Trường kích”… đang dần sưu tập, ghi hình, chuẩn bị biên soạn. Rồi những đặc sắc các hệ phái võ Tây Sơn - Bình Định cũng cần hệ thống hóa một cách khoa học, bài bản…
Còn rất nhiều việc phải làm đang chờ đợi người võ sư trẻ và tâm huyết đã và đang có cơ hội làm chiếc cầu nối cho những tinh túy nền võ thuật cổ truyền Bình Định đến các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Lê Hoài Lương
>> Võ sư miền sơn cước
>> Võ sư Bạch Hổ
>> Võ sư hành hiệp
Bình luận (0)