Miệt mài với đơn thư khiếu nại, tố cáo của bạn đọc

30/12/2020 10:11 GMT+7

Năm 2020, Báo Thanh Niên nhận được hơn 1.000 hồ sơ, đơn thư khiếu nại, tố cáo của bạn đọc.

Nỗ lực tiếp nhận và xử lý số lượng hồ sơ ấy, đã cho chúng tôi một cái nhìn đa dạng. Và hơn cả, là ghi nhận sự tin cậy của bạn đọc gửi gắm đến báo.
1. Ban Công tác bạn đọc của Báo Thanh Niên tương tác với độc giả không chỉ trên mặt báo ở trang Bạn đọc và các chuyên mục thường kỳ, mà còn trực tiếp tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo từ bạn đọc tại tòa soạn suốt 7 ngày trong tuần, trong suốt cả năm. Các phóng viên, chuyên viên của báo đã túc trực tiếp cả ngàn lượt bạn đọc đến để tỏ bày đủ chuyện. Chuyên mục Từ đơn thư bạn đọc được “thiết kế” để chuyển tải rất nhiều bức xúc, góp ý và kể cả những vấn đề thiết yếu đến đời sống dân sinh của nhiều nơi trên cả nước. Đó là chuyện những cây cầu xây xong đã lâu nhưng không có đường dẫn khiến hàng trăm hộ dân phải đi vòng ở Quảng Trị, Quảng Nam; là việc một vài nhà mạng tự dưng cắt số điện thoại của bạn đọc; là hàng ngàn hộ dân ở rất nhiều nơi tại 24 quận huyện thuộc TP.HCM và nhiều tỉnh, thành bức xúc về chuyện giải tỏa, đền bù… Đặc biệt, trong năm 2020, nổi lên 4 nhóm vấn đề khá nóng, được xem là “nhiệt kế” của dòng thời sự được bạn đọc viết đơn thư phản ánh, gửi đến Báo Thanh Niên.

Phóng viên Hà Thanh đang chuẩn bị gửi đơn thư của bạn đọc đến các cơ quan chức năng

ảnh: ĐỘC LẬP

Thứ nhất là, chuyện bức xúc và kể cả tâm tư của những người lao động bị đột ngột cho nghỉ việc hẳn hoặc cho nghỉ việc tạm thời vì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mà các đơn vị sử dụng lao động không trả quyền lợi thỏa đáng. Hai là, việc có một số doanh nghiệp lừa đảo bán đất tại “dự án ma” hoặc chậm bàn giao nhà đất cho khách hàng khiến người mua mất tiền hoặc không thực hiện được kế hoạch của mình. Ba là, ngày càng có rất nhiều app cho vay nặng lãi nở rộ trên mạng, chèn ép người vay và đe dọa hành xử theo kiểu xã hội đen. Thứ tư là, một số lượng lớn đơn thư (đứng tên có, nặc danh có) tố cáo quan chức các cấp về tham nhũng, làm giả bằng cấp, vi phạm Điều lệ Đảng…
Năm 2020, Báo Thanh Niên nhận trực tiếp tại tòa soạn hoặc qua đường bưu điện 1.025 hồ sơ đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, số lượng đơn thư không đúng quy định phải lưu hoặc đề nghị gửi lại là 173 đơn thư. Có hơn 700 đơn thư khiếu nại, tố cáo, Thanh Niên đã làm công văn hoặc phiếu chuyển gửi đến các cơ quan chức năng và nhận được công văn phản hồi với tỷ lệ 39,5%. Có 31 trường hợp hồ sơ đơn thư xin kinh phí chữa bệnh, sai địa chỉ phải trả lại đơn hoặc bạn đọc xin rút lại đơn.
2. Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại của bạn đọc đòi hỏi những phóng viên trực hằng ngày, kể cả bộ phận xử lý, phân loại phải rất kỹ lưỡng và chú tâm rất nhiều. Biết bao vụ việc xảy ra hằng ngày, hằng giờ khiến bạn đọc bức xúc khiếu nại, phản ánh, góp ý. Hồ sơ nào sẽ làm phiếu chuyển gửi đến các cơ quan chức năng, hồ sơ nào sẽ bàn giao cho các ban chuyên môn điều tra viết bài, và hồ sơ nào phản hồi trở lại các bài báo đã đăng trên các ấn phẩm Thanh Niên… Sự cân lượng nguồn thông tin để có cái nhìn thấu đáo từng vụ việc khiến chúng tôi phải kiểm chứng từ nhiều nguồn. Điều này rất cần sự nhạy bén và nhiều khi phải có sự thông cảm, chia sẻ và kể cả rung cảm với từng dòng trong những lá đơn. Để rồi, giải quyết thỏa đáng trong khả năng có thể của mình, là điều mà những người làm Báo Thanh Niên luôn tâm niệm, sẻ chia với bạn đọc.
Rất may, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong năm 2020 khá hiệu quả. Theo dõi số liệu và thống kê hằng năm, chúng tôi nhận thấy số lượng hồ sơ từ các cơ quan phản hồi sau khi nhận được tăng lên thấy rõ. Nếu như năm 2015, lượng hồ sơ cơ quan trả lời bạn đọc ở mức hơn 27%, thì qua mỗi năm tỷ lệ này nhích dần lên, và trong năm nay, tổng kết số hồ sơ được trả lời chiếm 39,5%, một con số qua đó cho thấy đã bớt đi sự lơ là vô cảm, giảm bớt biểu hiện vi phạm luật Khiếu nại tố cáo ở nhiều cơ quan công quyền!
Và qua đó, cũng thấy được sự miệt mài đăng tải, lên tiếng ở mục Cơ quan chưa trả lời bạn đọc của Thanh Niên trên số báo thứ hai hằng tuần để yêu cầu các cơ quan nhà nước thực thi đúng luật, đã có sự tác động, chuyển biến từ việc gây nhận thức, đến việc nhận thức rõ ràng hơn về yêu cầu chính đáng, hợp tình hợp lý của bạn đọc khắp cả nước!
3. Điều chúng tôi muốn đề cập, cũng là vấn đề vẫn luôn khiến cho những người ở bộ phận xử lý đơn thư khiếu nại tâm tư. Đó là có một số việc, có nhiều chuyện lẽ ra đơn giản, nhưng đôi khi do hành xử của các bên liên quan khiến bị đẩy đi xa hơn không đáng có. Những mối quan hệ trong gia đình, gia tộc hoặc hàng xóm láng giềng, hoặc các mối quan hệ, giềng mối trong xã hội đang có biểu hiện sứt mẻ ngày càng nhiều, dẫn đến tranh chấp. Và những câu chuyện ấy, tất tần tật được bạn đọc gửi đến báo.
Chẳng hạn như một trường hợp ở P.14, Q.3, TP.HCM (chúng tôi không tiện nêu tên) gửi đơn đến báo, và đề nghị xử lý mối quan hệ gia đình giữa cha và con gái. Sự việc là khi con sinh cháu, thương con nên người cha bảo đưa cháu về ở chung nhà để ông bà tiện chăm sóc và cho cả gia đình con gái nhập hộ khẩu vào nhà. Nhưng khi “cơm không lành, canh không ngọt”, lại nảy sinh tranh chấp nhà cửa từ người con rể, để người cha phải gửi đơn cầu cứu khắp mọi nơi. Hoặc vụ việc xảy ra ở một phường thuộc TP.Trà Vinh, một trường hợp hàng xóm kéo qua khu nhà trọ của người khác dùng dây kẽm gai rào lại, khiến cho cư dân ở trọ không ra ngoài được. Sự tranh chấp gay gắt đến độ viện đến cả xã hội đen và sử dụng hung khí khiến chủ nhà trọ phải gửi đơn cầu cứu đến báo…
Đọc những lá đơn như vậy, chúng tôi không khỏi băn khoăn và buồn. Một câu hỏi thường trực đối với người làm báo là, nếu như các đoàn thể và nhà chức trách ở địa phương thấu cảm và giải quyết thấu đáo những vụ việc như vậy thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Một điều không thể không nhắc là bên cạnh những đơn thư khiếu nại tố cáo với đầy đủ trách nhiệm của người đứng đơn bằng việc ký tên đầy đủ hoặc mô tả sự việc rất chỉn chu, thì có những lá đơn gửi đến rất cẩu thả, như chỉ ghi họ và tên mà không ký tên; hoặc viết tay nguệch ngoạc không thể đọc ra…
Những đơn thư như vậy, dù rất thông cảm, chúng tôi cũng phải đành gác lại hoặc tìm cách liên hệ với người gửi trong điều kiện cho phép, để yêu cầu người đứng đơn có thể gửi lại. Điều này làm mất thời gian và chắc chắn ảnh hưởng đến việc xử lý đơn thư của những trường hợp khác đang từng ngày từng giờ mong ngóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.