Minh bạch để trị sốt đất ảo

21/12/2021 04:50 GMT+7

Tung tin “đại bàng chúa” đến làm tổ, ăn theo các phiên đấu giá cao chót vót..., cơn sốt đất ảo đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Chỉ có điều lần này, sốt ảo không chỉ khiến các cá nhân sập bẫy, mất tiền mà còn đẩy thị trường tới nguy cơ đóng băng vì giá bất động sản (BĐS) đã bị đẩy lên mức không tưởng.

Với mức giá đấu thành công cao nhất lên tới 2,45 tỉ đồng/m2, giá đất Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang cao nhất thế giới. Ăn theo trào lưu này, các chủ đất ở TP.Thủ Đức cũng mạnh tay cộng thêm từ vài tỉ tới vài chục tỉ đồng cho lô đất, căn hộ của mình.

Khảo sát thực tế cuối tuần trước cho thấy giao dịch đất nền tại TP.HCM gần như tê liệt. Có những phi vụ tưởng thành công đến nơi cũng bị hủy kèo vì chủ nhà đòi tăng giá. Theo quy định, 100 ngày sau đấu giá đất ở Thủ Thiêm, các nhà đầu tư phải nộp toàn bộ số tiền 37.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỉ USD vào ngân sách TP.HCM. Đây là số tiền rất lớn nên việc các nhà đầu tư có tiền để nộp hay không vẫn còn bỏ lửng. Thế nên, mua bán lúc này ai cũng lo bị hớ và thị trường tạm chững lại chờ đợi, thăm dò.

Tại miền Trung, cơn sốt ở TP.Đông Hà (Quảng Trị) cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với giá đất giảm nhanh, nhiều người chấp nhận bỏ cọc, những người trót ôm giá cao thì chôn vốn không biết đến bao giờ. Chính quyền địa phương này cũng dấn thêm một bước khi yêu cầu chủ đầu tư công khai mọi thông tin về dự án để giới đầu nậu, cò đất không còn cớ thổi giá... Có thể thấy kịch bản sốt ảo lúc nào cũng như nhau. Tung tin đồn dự án này, nhà đầu tư kia sắp đến; giới đầu nậu, cò đất tự dàn trận đặt cọc, sang tay khiến những người xung quanh cảm thấy thị trường bỏng rẫy, không mua nhanh thì mất cơ hội. Thế là chồng tiền và sập bẫy.

Nhưng có một nguyên tắc bất biến là thị trường BĐS hay bất kỳ hàng hóa gì cũng vậy, chỉ có thể nóng lên khi có dòng tiền chảy vào. Sau gần 2 năm chống dịch, thất nghiệp tăng, thu nhập giảm, tài chính cá nhân đa số cạn kiệt, tiền đâu để mua nền đất nọ, chốt căn hộ kia? Ở góc độ doanh nghiệp, dòng vốn từ ngân hàng hay từ phát hành trái phiếu đều đang bị siết lại... Bản chất BĐS là kênh kén khách vì yêu cầu vốn lớn... Thế nên, hình ảnh dòng người xếp hàng từ sáng đến tối để chốt lô, chốt nền, sang tay, nhận cọc... là kịch cả thôi. Người dân không cảnh giác mà bị cuốn vào là mất tiền như chơi.

Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn với kinh tế VN, nhưng chúng ta cũng chỉ cần 11 tháng để cán đích số thu ngân sách cả năm. Có được thành quả này là nhờ thu từ chứng khoán, BĐS... tăng mạnh. Nói lại để thấy đóng góp của thị trường BĐS với nền kinh tế là rất lớn. Vì vậy, nếu để các cơn sốt ảo gây đóng băng thị trường thì hệ lụy là rất lớn.

Cái chúng ta cần là một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. Thế nên, thay vì chạy theo sau các cơn sốt ảo, nghĩa là đợi cơn sốt ảo bùng lên rồi mới tuyên bố, khuyến cáo, chính quyền các địa phương hãy minh bạch thông tin về quy hoạch, dự án ngay từ đầu.

Minh bạch rồi thì chẳng cò nào, đầu nậu nào có thể tung tin đồn thổi làm náo loạn và gây bất ổn thị trường như hiện nay được nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.