Đầu năm 2016, lãnh đạo Bộ GTVT có động thái khá cứng rắn khi tuyên bố sẽ dừng thu phí đối với các trạm BOT không lắp đặt làn thu phí tự động ETC.
Nhưng đáng tiếc tuyên bố đó chỉ dừng lại ở lời nói mà chưa đi vào hành động. Tính đến cuối năm 2016, chưa quá một nửa số trạm trên cả nước lắp đặt xong ETC và cũng chưa nhà đầu tư BOT nào bị phạt dừng thu.
Sự nhân nhượng lùi thời hạn nhiều lần, cũng như không kiên quyết xử lý của cơ quan chủ quản, khiến các nhà đầu tư BOT càng có thêm cơ sở để chây ì triển khai thu phí không dừng. Lý do được đưa ra vẫn là vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư hệ thống thu phí không dừng chưa tìm được tiếng nói chung… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, mấu chốt khiến các ông chủ trạm BOT lần lữa lắp đặt thu phí tự động vì không muốn minh bạch hóa doanh thu phí.
Công nghệ thu phí tự động đã được áp dụng tại phần lớn các nước phát triển, làn thu phí thủ công (một dừng - xé vé) chỉ mang tính hỗ trợ. Trong khi đó tại VN, phần lớn các trạm thu phí BOT vẫn duy trì thu phí một dừng, không chỉ mất nhiều thời gian hơn, gây ùn tắc nghiêm trọng mỗi dịp lễ tết, lãng phí nhân lực mà còn nhập nhằng trong việc kiểm soát phí.
Thực tế, bản thân một số nhà đầu tư BOT đã phải sa thải kỷ luật nhiều nhân viên do thất thoát doanh thu thu phí như các dự án BOT QL18, QL5, hay chính các nhà đầu tư trong dự án nghi vấn, tố cáo lẫn nhau về chênh lệch số liệu doanh thu như dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Báo chí cũng nhiều lần phanh phui các mánh khóe gian lận trong thu phí tại nhiều trạm thu phí, như nhân viên không xé vé mà thu tiền thấp hơn thực tế, quay vòng vé… Với những trạm thu phí có dung lượng xe lưu thông lớn, con số thất thoát có thể lên tới vài chục, vài trăm triệu mỗi ngày. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ sự thiếu minh bạch trong thu phí hiện nay, cũng như lo ngại tiền phí bỏ ra chui vào túi một số cá nhân, tổ chức nào đó một cách bất chính.
Việc áp dụng tự động hóa không chỉ giúp các ông chủ BOT kiểm soát chặt hơn với nhân viên thu phí, mà cơ quan giám sát kiểm soát được chính xác doanh thu phí thực tế tại các trạm. Điều này rất quan trọng bởi theo hợp đồng BOT, nếu doanh thu vượt so với dự kiến ban đầu trong hợp đồng, cơ quan quản lý sẽ rà soát và rút ngắn bớt thời gian thu phí. Quan trọng hơn nữa, sự minh bạch trong kiểm soát doanh thu phí cũng tránh được những thất thoát, lãng phí vô ích.
Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết phải có một lộ trình khung với những mốc thời gian cụ thể bắt buộc các trạm BOT trên cả nước phải lắp đặt ít nhất 1 - 2 làn thu phí tự động không dừng. Bản thân Bộ GTVT thay vì “buông” cho doanh nghiệp tự lo như hiện nay, phải giám sát chặt và xử lý nghiêm những nhà đầu tư BOT viện cớ, chần chừ không lắp đặt, như kiên quyết dừng thu phí đến khi lắp đặt xong. Chừng nào cơ quan quản lý kiên quyết và có biện pháp hiệu quả thì chừng đó việc thu phí BOT mới được minh bạch hóa.
Bình luận (0)