Thực ra từ đầu tháng 4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có tối hậu thư về chuyện này. Thời điểm đó Bộ trưởng Thể yêu cầu các đơn vị phải cam kết mốc thời gian áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC), nếu chậm sẽ cắt hợp đồng hoặc dừng thu phí. Bộ GTVT cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại để bàn giải pháp kết nối tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông cũng như các vấn đề liên quan. Sở dĩ có chuyện này là suốt thời gian qua, nhiều chủ đầu tư BOT viện dẫn lý do "ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý" để trì hoãn việc áp dụng ETC. Nói thẳng ra thì ai cũng biết việc viện dẫn lý do này kia cũng chỉ là cái cớ, còn mục đích thực sự là hòng mập mờ doanh thu, trốn thuế mà thôi. Bởi áp dụng ETC không chỉ giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, mà cơ quan quản lý có thể giám sát được số thu, lượng xe tại các trạm BOT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân sự cho các chủ đầu tư. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông...; nói tóm lại là mang lại lợi ích thiết thực cho các bên có liên quan. Thế thì ngoài việc muốn làm điều mờ ám, chẳng có lý do gì để trì hoãn một việc ích nước lợi nhà thế này! Chẳng nói đâu xa, vụ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị cướp tiền thu phí hồi đầu năm nay gây ra những nghi vấn về số tiền thu phí thực sự mỗi ngày của trạm này là một minh chứng điển hình cho sự thiếu minh bạch nếu vẫn còn duy trì thu phí tiền mặt như hiện nay. Cơ quan quản lý nhà nước không quyết liệt cũng phải đặt vấn đề về động cơ. Với những gì diễn ra trên thực tế, việc bây giờ mới ra tối hậu thư thực ra là quá muộn.
Không chỉ thu phí ETC, liên quan đến BOT còn rất nhiều vấn đề. Chuyện nhà đầu tư đòi trả lại dự án BOT vì lỗ; chủ đầu tư đề xuất Chính phủ hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng vì thu phí không đạt doanh số như kế hoạch... Những đề xuất, kiến nghị phi thị trường thế này cũng cần một thái độ kiên quyết, dứt khoát từ phía cơ quan có thẩm quyền để không tạo ra tiền lệ xấu. Những hợp đồng hợp tác công - tư như BOT, BT hay BO, nhà đầu tư tất nhiên đã điều nghiên kỹ càng, tính toán thiệt hơn đầy đủ trước khi đầu tư. Trừ những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa thì nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách nào đó. Đâu thể lời thì bỏ túi, nhắm thấy lỗ thì ăn vạ trả lại được.
Trong bối cảnh ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng như hiện nay, các hình thức hợp tác công - tư vẫn là giải pháp huy động vốn quan trọng, tất yếu. Vì thế, minh bạch để người dân ủng hộ, để có vốn làm đường, làm cầu... là hết sức cần thiết trong thời gian tới.
Bình luận (0)