'Mình còn đôi chân'

26/06/2023 09:00 GMT+7

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Nhứt (quê huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) trong một ngày cuối tháng 5.2023. "Em ngồi đợi anh ở quán cà phê gần trường ở Hàng Xanh, chỗ này em vẫn thường ra học bài", Nhứt nhắn tin.

Tôi đi gặp Nhứt mà hồi hộp như lần đầu hẹn hò với người yêu vì đây là nhân vật đặc biệt nhất mà tôi từng hẹn trong hơn 17 năm làm nghề viết lách của mình. Nhứt bị cụt cả hai tay.

'Mình còn đôi chân' - Ảnh 1.

Nguyễn Ngọc Nhứt với nụ cười rạng rỡ, truyền năng lượng tích cực cho nhiều người

NVCC

Hồi hộp cũng phải, vì tôi chưa biết sẽ mở lời thế nào khi muốn hỏi về nguyên nhân khiến một thiếu niên lành lặn bỗng một ngày phải đối diện với việc cắt bỏ chi trên, cả hai bên. Thế nhưng, nỗi lo của tôi có lẽ hơi dư khi gặp mặt Nhứt, với nụ cười thật sự tươi và bình an, đôi mắt sáng và đôi tay dù bị cắt cụt nhưng linh hoạt. "Em có biệt hiệu là 'Cụt yêu đời', em không còn cảm thấy tai nạn năm 16 tuổi của mình là bất hạnh nữa. Vì nhờ nó, em trở thành người mạnh mẽ hơn", Nhứt nói.

Tôi được cởi bỏ lớp lo lắng và nghe Nguyễn Ngọc Nhứt kể chuyện cũ mà rùng mình. Đó là một tai nạn đến bất ngờ trong một ngày bình thường - Nhứt bị điện giật trong khi đi làm ở công trình nhà dân. "Lúc đó em ở trên mái nhà và cầm đòn tay sắt kéo lên thì bị đụng đường dây điện trung thế, em bị giật ngã xuống đất", Nhứt kể. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của bất động, Nguyễn Ngọc Nhứt tỉnh lại nhưng vẫn chưa ý thức được hết độ nguy hiểm của tai nạn mình gặp phải. Một người bạn làm chung chở đi bệnh viện ở Cần Thơ cấp cứu. Lúc đó, cả người thân, các bác sĩ đều gửi cho Nhứt niềm tin "không sao", "nằm viện vài bữa rồi xuất viện". Thế nhưng, những niềm tin ấy không thành sự thật khi Nhứt nằm viện được hơn tuần thì một buổi chiều, máu từ cánh tay tuôn ra như suối khiến ai cũng hoảng. Nhứt được cấp cứu, cầm máu, nhưng buộc phải cắt chi để tránh nhiễm trùng, nhằm giữ lại tính mạng.

'Mình còn đôi chân' - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Nhứt tham gia nhiều buổi chia sẻ, nói về việc tìm thấy ánh sáng từ nơi đau khổ nhất của cuộc đời

NVCC

"Không còn cách nào khác hả bác sĩ", thiếu niên 16 tuổi hỏi. Nhưng Nhứt biết, hỏi chỉ để hỏi, vì đó là chuyện không thể thay đổi được cho đến thời điểm ấy. Kể từ đó, hành trình của Nguyễn Ngọc Nhứt bước sang một trang mới, ròng rã điều trị tích cực, từ Cần Thơ lên Chợ Rẫy (TP HCM), sau khi cắt một chi thì chi kia cũng không thể giữ lại với cùng một nguyên nhân: bị hoại tử.

Cậu bé nghỉ học sớm (khi đang học lớp 9) vì muốn phụ giúp gia đình vực dậy xưởng cơ khí đang xuống dốc của người ba. Mẹ phải tha phương, đi tận Hàn Quốc để mưu sinh cũng đành trở lại quê nhà để chăm cho Nhứt. Tai nạn luôn bất ngờ và luôn đưa tới những tình huống cay đắng mà đôi khi người ngoài nhìn vào không thể lý giải nổi, bằng cách nào họ có thể vượt qua. Còn người trong cuộc thì không biết lý giải như thế nào khi bản thân cũng không làm việc gì xấu đến nỗi phải chịu một tai ương kinh khủng khiếp như thế. "Tai nạn là điều ngoài ý muốn, anh nhỉ", Nhứt nói.

Tôi học giáo lý của Đức Phật, ngài dạy đó là những bất như ý, nằm trong phạm trù của khổ mà hễ là con người, ai cũng sẽ có "cơ hội" trải nghiệm. Và cũng theo Phật, thì những điều mình trải không phải tự nhiên mà đó là kết quả chính ta đã từng gieo nhân trước đó, không đời này thì cũng là đời nào đó trong quá khứ. Tất nhiên, ai tin về thuyết nhân quả, tin về sự luân hồi sinh tử trong đời sống con người thì mới chấp nhận. Từ đó lý giải được những điều gặp phải, vượt qua được nó bằng sự nỗ lực hơn ở hiện tại, không trách móc và tránh vùi mình xuống sâu hơn dưới vũng bùn khổ đau.

Có lẽ Nhứt đã tìm thấy ánh sáng của đời mình từ khúc quanh đau xót tuổi 16 từ niềm tin này. "Em đang đọc sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh và nghe thầy Minh Niệm giảng", Nhứt khoe với tôi. Và bảo rằng, nhờ đó đã vững chãi hơn".

'Mình còn đôi chân' - Ảnh 3.

Mình không còn đôi tay nhưng vẫn còn đôi chân", đó là lý lẽ của chàng sinh viên năm 3, ngành Marketing của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

NVCC

Thực ra, Nhứt đã bước ra bóng tối của đời mình cách đây hơn 6 năm khi quyết định đi học trở lại. Mình đâu thể cứ hoài tiếc quá khứ, đau đớn mãi với thực tế cụt tay rồi không làm gì hết. Nhứt nghĩ và bắt đầu bước vào thế giới rộng lớn hơn. Anh chàng tìm hiểu và kết nối với những người đồng cảnh ngộ - vì một nạn tai bất ngờ và không còn lành lặn - nhưng họ đã dừng khổ đau, ngược lại trở thành ánh đuốc soi đường cho nhiều người khác. "Nick Vujicic là người em rất thần tượng", Nhứt nói về ánh sáng mà bản thân hướng tới với niềm hứng khởi.

Đi học lại sau khi nghỉ vài ba năm là chuyện không dễ. Càng khó hơn với việc cụt mất hai tay. Không thể tự lái xe, Nhứt nhờ người thân đưa đi, đón về. Một thời gian, thấy mình không thể chinh phục mục tiêu xa hơn (là học nghề hoặc đại học) bằng cách thức này, Nhứt mày mò tìm hiểu và tự tạo cho mình một bàn tay nối dài từ ống nhựa. Bàn tay do Nhứt "chế" ra này có thể kết nối với tay lái xe máy để bạn có thể tự lái được. Cuối cùng, Nhứt cũng tự đến trường bằng nỗ lực tự thân.

Và đến giờ, sau quãng đường dài ấy, không chỉ cải thiện sức khỏe mà tinh thần của Nhứt cũng ngày một mạnh mẽ hơn. Nhất là khi Nhứt vào đại học, mở cánh cửa đời mình rộng hơn bằng những giao lưu, kết nối khác. Có nhiều người đã nhìn Nhứt với niềm ngưỡng mộ; nhiều người khác đang buồn, thấy Nhứt không chút gì bi quan, ngược lại còn tràn đầy năng lượng sống nên cũng dẹp bỏ tự ti, ngừng than vãn.

"Mình không còn đôi tay nhưng vẫn còn đôi chân", đó là lý lẽ của chàng sinh viên năm 3, ngành Marketing của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Thấy được điểm sáng còn lại trong mình, biết phát huy điểm yếu thành thế mạnh, truyền cảm hứng cho nhiều người từ điều đó chính là hành trình mà Nhứt đã chọn, đang đi.

Nick name "Cụt yêu đời" với tôi cũng là bài học sống động về sự vượt lên chính mình. Lý thuyết biến bùn thành sen mà mình học được từ triết lý đạo Phật bỗng thu lại trong hành trình của một chàng trai 9x đời cuối. Tất nhiên, nó là điều khó nhưng nếu bạn trẻ nào đang cảm thấy chán nản và muộn phiền vì cuối tuần không biết đi ăn, đi chơi ở đâu, muốn tìm tới cái chết chỉ vì chuyện vặt vãnh như cãi nhau với bố mẹ, người yêu, hay vì điểm số kém thì có thể nhớ tới "Cụt yêu đời".

Không ai có thể lấy đi niềm vui, hạnh phúc của mình nếu chúng ta không trao cho họ quyền ấy. Cũng như, không ai là không có khả năng kiến tạo được hạnh phúc, trở thành điểm tựa cho người khác, chỉ cần ta biết nhận ra giá trị của chính mình. Và giá trị, đôi khi nằm ở chỗ khiếm khuyết mà bỗng dưng mình phải đối diện trong một ngày vô thường chợt đến.

'Mình còn đôi chân' - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.