(TNO) Sở dĩ phải viết rõ như vậy vì vẫn có nhiều người gốc Sài Gòn chính hiệu nhưng lại nghĩ 'Lăng Ông Bà Chiểu' là nơi chôn cất của đôi vợ chồng (ông bà) tên Chiểu, mà không biết đó là lăng mộ của Thượng Quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt (tức Lăng Ông) được an táng tại vùng đất mang tên Bà Chiểu.
Khu lăng mộ Lê Văn Duyệt |
Trong tất cả các lăng mộ ở khắp vùng Sài Gòn - Gia Định, chưa có lăng mộ nào so được với lăng mộ Lê Văn Duyệt về mặt bề thế, kỳ vĩ cũng như về mặt tâm linh, được nhân dân sùng bái, nhang khói mỗi ngày…
Biểu tượng Sài Gòn một thuở
Trước năm 1975, hình ảnh cổng Tam quan với hai cây thốt nốt của Lăng Ông đã từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn (và miền nam) cùng với tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (biểu tượng cho Huế và miền trung), chùa Một Cột - chùa Diên Hựu (biểu tượng cho Hà Nội và miền bắc).
Lăng Ông ở Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) rộng 18.500 m², nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng trên một gò đất cao sát bên chợ Bà Chiểu. Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500 m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây mở ra đường Vũ Tùng. Kiến trúc lăng mộ từ cổng Tam quan vào gồm: nhà bia - lăng mộ - miếu thờ.
Cổng vào Lăng Ông
|
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bia bằng đá xanh đen (không thấy có loại đá này ở trong vùng) khắc chữ Hán, nội dung bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân. Phần cuối bia có nhắc đến phu nhân Đỗ Thị Phận và Phan công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ trong miếu.
Toàn thể khu mộ đều được xây bằng hợp chất ô dước. Đặc biệt phù điêu ở 2 bức bình phong (tiền và hậu) chạm khắc những hình ảnh rất giản lược nhưng lại thật thú vị. Theo ông Trần Văn Sung, Trưởng ban Quý tế Lăng Ông, thì ở mặt trước bình phong tiền chạm hình một con đại bàng đậu trên cành cây trong tư thế đang nghênh chiến khiến con khỉ dưới đất sợ hãi, co rúm - là nói về cái uy của Lê Văn Duyệt với quân Xiêm. Ở mặt sau bình phong chạm hình 2 con hổ: hổ phụ và hổ tử. Hổ cha nhảy lên, chân trước chạm vào vách núi nhưng mặt vẫn ngoái lại nhìn hổ con - là nói về tích Lê Văn Duyệt sắp qua đời vẫn hướng về người con là Lê Văn Khôi…
Bình phong hậu chạm hình “Long vân” (rồng ẩn mình trong mây) biểu tượng của bậc quan tướng nhưng đường nét cũng rất giản lược. Hai bên bình phong hậu có đắp quai, chạm hình “lá hóa long” cách điệu. Ông Trần Văn Sung cho biết mô-típ “lá hóa long” còn được các nghệ nhân thời xưa chạm khắc trên các xuyên, kèo (gỗ) trong khung mái đền thờ.
Phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ ông là bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng úp trên bệ lớn hình chữ nhật
|
Phần mộ gồm hai ngôi mộ: Tả quân và vợ ông, bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Trước mộ có một sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Qua khỏi khu mộ là "Thượng công linh miếu", nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Hai bên còn có dãy Đông lang và Tây lang... Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tĩnh (giếng trời) với những mái "trùng thiềm điệp ốc" và kỹ thuật kết nối khung nhà bằng các lỗ mộng… Ngoài ra, kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ... càng làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của Lăng Ông.
Bao quanh hai ngôi mộ là một bức tường bằng dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn
|
Trượng phu thời loạn
Theo sử sách, Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại vàm Trà Lọt (Cái Bè, Định Tường nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông theo chúa Nguyễn Ánh đánh đông dẹp bắc, qua tận Cao Miên và Lào… Tháng 5.1802, chúa Nguyễn lên ngôi vua (Gia Long), Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng “Đệ nhất Khai quốc công thần”.
Sau này, vua triệu ông vào bàn chuyện truyền ngôi, Lê Văn Duyệt đã phản đối việc vua bỏ dòng trưởng (của Hoàng Tử Cảnh, chết năm 22 tuổi) để lập dòng thứ (Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mạng). Vì việc này mà vua Minh Mạng đem lòng oán ghét ông. Lại thêm mỗi khi vào chầu, Lê Văn Duyệt ỷ vào cái quyền “nhập triều bất bái” mà không lạy vua Minh Mạng, rồi lại dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” mà chém đầu Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý là cha ruột một sủng phi của vua làm vua càng “lộn ruột”.
Hằng ngày có rất đông người dân đến thắp nhang tại Lăng Ông
|
Sau khi ông mất, vua Minh Mạng bãi chức Tổng trấn Gia Định, đổi tên là thành Phiên An, cho Bạch Xuân Nguyên giữ chức Tổng đốc và Nguyễn Văn Quế chức Bố chánh cùng nhau trông giữ. Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Quế đã đối xử bất công với những người thân tín của ông, khiến Phó Vệ úy Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt) nổi loạn giết chết 2 ông này và chiếm thành Phiên An vào năm 1835. Phải mất 2 năm công thành, quan binh triều mới hạ được Phiên An. Tất cả mọi người trong thành đều bị hành hình (gồm 1.831 người). Minh Mạng ra chỉ dụ san phẳng mộ Lê Văn Duyệt và khắc đá dựng bia "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử" (Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội - NV).
Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, xóa tội cho các danh thần bị hàm oan trong đó có Lê Văn Duyệt. Cho đắp lại phần mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định cao rộng thêm và sửa sang miếu thờ.
Ngoài lăng mộ của ông bà còn có 2 ngôi mộ của hai cô hầu nằm bên ngoài khuôn viên lăng. Một mộ ở đường Trịnh Hài Đức, mộ kia ở đường Đinh Tiên Hoàng (trong khuôn viên Trường Cán bộ TP.HCM). Ngày 6.12.1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
|
Bình luận (0)