Với sự đồng thuận cao của 8 chuyên gia trong lần lấy ý kiến bằng văn bản tuần trước, nhiều khả năng quy định cho phép nhà đầu tư ngoại được mua không quá 35% cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ được trình lại ở dự thảo Nghị định 83 sửa đổi.
24/25 thành viên Chính phủ đã đồng ý
Đầu tháng 6, Bộ Công thương đã nhận được ý kiến “lần cuối” của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học theo yêu cầu của Chính phủ để hoàn thiện lại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ban soạn thảo nghị định (Bộ Công thương) cho biết việc lấy ý kiến chủ yếu xoay quay điểm còn có một ý kiến lo ngại, đó là dự thảo quy định về việc “cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35%”. Quy định này nếu được chấp thuận sẽ đồng nghĩa với việc “nới room” cho doanh nghiệp ngoại bước chân vào lĩnh vực xăng dầu.
Trên thực tế, đây là quy định gây ý kiến trái chiều từ lần trình dự thảo đầu tiên (cuối năm 2019) cho đến khi Bộ Công thương trình lại lần thứ 3 vào tháng 3.2021. “Trong lần trình thứ 3, Chính phủ cũng đã thực hiện quy trình lấy ý kiến đối với từng thành viên và đã có tới 24/25 thành viên Chính phủ nhất trí thông qua quy định này. Chúng tôi cũng đã phân tích nếu cần thì Chính phủ cứ thông qua nghị định, còn nội dung này có thể để lại để nghiên cứu thêm nếu cần”, đại diện Ban soạn thảo chia sẻ.
Vậy nhưng, theo đại diện của Bộ Công thương, sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương một lần nữa lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế bằng văn bản về một số vấn đề trong nghị định, trong đó có nội dung này. “Tổng hợp ý kiến mới nhất mà 8 chuyên gia kinh tế được lấy ý kiến gửi lại cho thấy tất cả đều đồng thuận và kiến nghị để lại quy định này”, vị này tiết lộ.
“Không nên quá cầu toàn”
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) - 1 trong 8 chuyên gia được lấy ý kiến lần này, cho biết ông đã kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ nên mở cửa cho nhà đầu tư ngoại, với tỷ lệ tham gia không quá 35%. “Điều này sẽ giúp doanh nghiệp huy động được vốn, kinh nghiệm quản trị công ty, văn hóa kinh doanh phục vụ khách hàng. Với tỷ lệ dưới 35% thì họ không có quyền phủ quyết vào công việc điều hành của doanh nghiệp chúng ta”, ông Long nói. Theo chuyên gia này, xây dựng nghị định không thể quá cầu toàn, không cần phải có sự thống nhất tuyệt đối mọi vấn đề. “Hiện tuy còn có những ý kiến khác nhau nhưng không nhiều, nếu việc giải trình có căn cứ pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đặt ra là có thể chấp nhận được”, ông Long nói thêm.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (đơn vị được Bộ Công thương giao trực tiếp chủ trì xây dựng nghị định) cho hay trong các tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã nói rõ quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% là nội dung mới đưa vào nghị định nhưng thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hóa và đều được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau, tùy thuộc vào đề nghị của từng doanh nghiệp (Petrolimex 20%; PVOil 35%; BSR 49%…).
“Việc cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 35% hiện không vi phạm cam kết quốc tế, không trái các luật và nghị định trong nước... Trên cơ sở đó, Bộ Công thương nhận thấy việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% là phù hợp”, Bộ Công thương giải trình.
Do vậy, đại diện Bộ Công thương khẳng định cơ quan này sẽ sớm “bản cũ trình lại”. Việc chỉnh sửa nếu có thì “chỉ là một chút kỹ thuật soạn thảo văn bản để trau chuốt hơn mà thôi”.
Bình luận (0)