'Mở cửa' để Việt Nam thành phim trường quốc tế

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
25/11/2019 05:57 GMT+7

Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), sáng 24.11, buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề Bối cảnh quay phim tại Việt Nam đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà quản lý điện ảnh, nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành phim...

Hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam được tổ chức với mục đích giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của bối cảnh quay phim tại Việt Nam. Trưởng ban Chỉ đạo LHP Việt Nam 21 - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết: “Thông qua hội thảo, các nhà sản xuất điện ảnh có thể đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhằm tìm ra giải pháp điều chỉnh chủ trương và chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình lựa chọn bối cảnh quay tại Việt Nam”.
Nhiều tham luận, ý kiến đã được nêu ra như: Vai trò, tầm quan trọng của bối cảnh đối với một bộ phim điện ảnh; Tiềm năng, thế mạnh của bối cảnh quay phim tại Việt Nam; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lựa chọn bối cảnh quay phim; Đẩy mạnh sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch; Khai thác bối cảnh quay phim để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới...
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nêu ý kiến: “Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do nhà nước và tư nhân đồng sản xuất đã tạo nên “cơn sốt” với những cảnh quay tuyệt đẹp ở tỉnh Phú Yên. Sau khi phim được công chiếu rộng rãi trên cả nước vào năm 2015, lượng khách du lịch đổ về Phú Yên để khám phá vùng đất “hoa vàng, cỏ xanh” này tăng đáng kể. Thế nên, chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều đoàn làm phim quảng bá thành công cho bối cảnh Việt Nam hơn nữa, điện ảnh và du lịch cần phải chủ động bắt tay nhau”.
Những năm gần đây, cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc ở nhiều địa phương của Việt Nam đã xuất hiện trong nhiều bộ phim gây được tiếng vang. Cao nguyên Đồng Văn của tỉnh Hà Giang từng hiện ra đẹp và hùng vĩ đến nao lòng trong Chuyện của Pao. Với bộ phim từng đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thì cảnh sắc mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ với hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi đã làm người xem rung động sâu sắc. Còn Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ lại khiến người xem đắm chìm trong khung cảnh non xanh nước biếc của vùng đất Ninh Bình. Đặc biệt, bộ phim Hollywood Kong: Skull Island với 70% bối cảnh được quay tại Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình đã khiến cả thế giới biết đến một “phim trường Việt Nam” với cảnh sắc đẹp như mơ. Trước đó cũng đã có một số nhà làm phim quốc tế lựa chọn Việt Nam làm bối cảnh khiến cho khán giả ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, như phim: Người tình (L’Amant, 1991), Đông Dương (Indochine, 1992), Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002)... Các lãnh đạo ngành điện ảnh cho biết sẽ đẩy mạnh hơn nữa những chính sách để thu hút các nhà làm phim thế giới. Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim tiếp cận các điểm quay tại Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.