Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách

Thanh Nam
Thanh Nam
05/03/2024 10:53 GMT+7

Không ít người ta thán việc buôn bán ế ẩm. Đây là tình cảnh khá phổ biến mà nhiều người trẻ khởi sự kinh doanh đã và đang gặp phải.

"Dọn ra rồi dọn vào"

Anh Đỗ Hữu Nhật Long (34 tuổi), ngụ ở Thái Bình, vào TP.HCM để khởi sự kinh doanh. Anh Long thuê mặt bằng trên đường Hoa Cúc, Q.Phú Nhuận, TP.HCM mở quán cà phê.

Tuy nhiên tình hình kinh doanh ảm đạm. Theo lời ông chủ trẻ này thì có nhiều ngày "dọn ra rồi dọn vào". Nghĩa là sáng sớm nhân viên mở cửa quán, quét dọn lau chùi, bày biện ghế… để chờ đón khách. Nhưng quán ế suốt cả buổi. Không ít ngày chỉ bán được khoảng… dưới 10 ly cà phê.

Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách- Ảnh 1.

Nhiều nơi kinh doanh nhưng suốt cả ngày không có khách

THANH NAM

Một quán chuyên bán các món như: bánh hỏi, cháo lòng, nem nướng, bò lá lốt… trên đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh, cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Dù giờ hoạt động của quán từ 7 – 23 giờ mỗi ngày. Nhưng lắm lúc trong quán chỉ có nhân viên chứ không hề có bóng dáng của khách. Quãng thời gian vắng khách có khi kéo dài cả vài tiếng đồng hồ. Đặc biệt là vào buổi tối.

Nguyễn Phúc Hải (27 tuổi), chủ một quán bán bê thui, dê quay trên đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, rầu rĩ: "Không hiểu sao suốt nhiều tháng nay, tình hình kinh doanh không khả thi. Khung giờ từ 17 – 22 giờ lẽ ra sẽ đông khách nhưng thực tế ngược lại. Nhiều khi nhân viên quán chỉ ngồi bấm điện thoại, tán gẫu vì không có khách. Nhân viên giữ xe thường… không phải làm gì".

Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách- Ảnh 2.

Một quán ăn vắng khách nhiều tiếng đồng hồ, nhân viên chỉ biết ngồi xem điện thoại

THANH NAM

Anh Trang Thành Lợi (32 tuổi), chủ một quán cà phê trên đường Trường Sa, cho hay: "Nhật ký một ngày thường là: 6 giờ mở cửa quán. Sau đó vài phút, người chở đá lạnh đến giao. Tiếp đến là các nhân viên tiếp thị đến chào hàng cà phê, nước ngọt, thuốc lá. Cũng có những người đến để... hỏi đường. Còn khách thì "biệt tăm".

Anh Lợi than thở thêm: "Rất buồn khi kinh doanh ế ẩm. Mỗi tháng tiền thuê mặt bằng và các khoản chi tiền điện, nước, internet, nhân viên… tổng cộng gần 20 triệu đồng. Nhưng tiền thu vào chỉ được vài triệu đồng. Tình trạng này cứ kéo dài thì không biết phải thế nào".

Chị Nguyễn Diễm Hằng (30 tuổi), mở quán điểm tâm với các món bún trên đường Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận. Thực tế khiến chị Hằng… hết hồn bởi thời gian gần đây vắng khách. "Bán điểm tâm, nghĩa là ăn sáng. Nhưng nhiều khi suốt cả buổi sáng không khách nào ghé đến mua. Chán quá nên 10 giờ là dọn quán".

Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách- Ảnh 3.

Khách lèo tèo khiến không ít chủ quán cảm thấy buồn

THANH NAM

"Lỗ… te tua"

Chị Võ Thị Hải (33 tuổi), chủ một địa chỉ làm đẹp trên đường số 12, Q.Bình Tân, cho biết cơ sở của chị mở ra được hơn nửa năm. "Nhưng chắc phải dẹp tiệm vì thấy không ổn. Khách ngày càng vắng. Có những khi suốt cả ngày không có khách", chị Hải tâm sự.

Chị Hải kể khi vừa mở tiệm, chị chủ yếu cung cấp các dịch vụ gội đầu, làm tóc, nhuộm… Sau đó, có người bạn muốn kết hợp làm chung để mở thêm dịch vụ làm nail. "Nhưng họ thấy ế quá. Họ cảm thấy chán nản bởi nhiều khi đến tiệm ngồi đợi khách "dài cả cổ", chỉ biết trò chuyện với nhau từ sáng đến tối, hoặc... ngủ cho qua ngày. Và rồi họ buồn nên đã ngưng hợp tác", chị Hải cho biết và chia sẻ thêm: "Có khi tôi cũng đóng tiệm chứ lỗ… te tua. Mỗi tháng thuê mặt bằng tốn 7 triệu đồng. Chưa kể tiền điện, nước… Sáng mở mắt ra là hiện lên suy nghĩ trong ngày phải kiếm được hơn 250.000 đồng. Mà không có khách thì cảm thấy áp lực vô cùng".

Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách- Ảnh 4.

Người kinh doanh chỉ mong có khách. Nhưng không phải lúc nào điều họ mong cũng trở thành hiện thực

THANH NAM

Anh Châu Việt (32 tuổi), cho biết vừa trả mặt bằng để… dẹp một cơ sở nha khoa, lý do vì không có khách. Anh Việt thuê mặt bằng 40 triệu đồng/tháng tại gần vòng xoay Lê Đại Hành, Q.Tân Bình. Tiền lương cho nhân sự, tiếp tân, bảo vệ khoảng 30 triệu đồng/tháng. "Nhưng nhiều ngày không có khách nên các nhân viên, đặc biệt là các bác sĩ, kỹ thuật viên cảm thấy chán nản, nghỉ việc. Tôi cũng cảm thấy chẳng thể "gồng" nổi nên trả mặt bằng", anh Việt kể.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Quang, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, cho biết trong những hội thảo với sự tham gia của những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP.HCM, ông đã được nghe những nỗi niềm của người trẻ khi gặp khó khăn trong khởi sự kinh doanh.

Theo ông Quang: "Tùy đặc thù của mỗi lĩnh vực, ngành nghề mà tìm ra những phương án khác nhau để tháo gỡ khó khăn. Nhưng dù kinh doanh buôn bán sản phẩm nào thì cũng nên biết cách thích ứng với cuộc sống".

Mở cửa quán cả buổi để kinh doanh nhưng… không có khách- Ảnh 5.

Quán xá đìu hiu là điều buồn nhất của người kinh doanh

THANH NAM

Ông Quang ví dụ trong lĩnh vực ăn uống thì các quán ăn, cà phê có thương hiệu lâu đời, nổi tiếng thì đã được khách biết đến và thường xuyên lui tới. Còn những quán mới mở, tồn tại trong thời gian không dài, muốn trụ vững phải biết cách để tạo sự ấn tượng để thu hút khách. "Chẳng hạn có thể tạo những fanpage, kênh TikTok để quảng cáo quán. Ngoài bán trực tiếp, nên trở thành đối tác của những ứng dụng đặt đồ ăn nhằm tăng doanh số mỗi ngày", ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng khách hàng khi sử dụng các dịch vụ hoặc muốn mua hàng, thường có tâm lý mong chi trả khoản tiền vừa phải. "Đối với những cửa hàng kinh doanh thời trang, nha khoa, làm đẹp… nên lưu ý vấn đề này. Tăng chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Thay đổi giá cả phù hợp, phải chăng. Dịch vụ chăm sóc khách hàng thật tốt. Có nhiều ưu đãi hơn… Và đừng quên tận dụng mạng xã hội để khuếch trương sản phẩm. Khi đó, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn và có nhiều cơ hội để thành công", ông Quang cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.