Mở đi lại liên tỉnh, vẫn phập phồng lo

12/10/2021 05:59 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh dự thảo 3 phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định.

Dự kiến xe khách liên tỉnh sẽ thí điểm mở cửa từ 13.10, song tới chiều 11.10, các nhà xe vẫn hoang mang vì nhiều địa phương chưa có hướng dẫn chính thức. Riêng đường sắt đã nới hơn khi quy định hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin đi cùng người thân chỉ cần có xét nghiệm âm tính.

Hành khách đi chuyến bay Hà Nội - TP.HCM tại sân bay Nội Bài, ngày 10.10

Đậu Tiến Đạt

Chưa tiêm vắc xin vẫn vào được TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh dự thảo 3 phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định (xem infographic). Theo đó, hành khách đi từ TP.HCM phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 được 14 ngày (đối với các loại vắc xin tiêm 2 mũi) hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid-19 (dưới 6 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ trước khi lên xe. Hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng các điều kiện trên.

Bến xe Miền Đông trước ngày chạy liên tỉnh: Khách gọi ‘cháy’ máy

đồ họa: văn năm

Đối với hành khách đến TP.HCM, chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… Với lái xe, phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi lên xe.

Bộ hướng dẫn, vẫn chờ địa phương

Vẫn chưa chốt di chuyển liên tỉnh cho xe cá nhân

Sở GTVT TP.HCM vừa tiếp tục trình UBND TP dự thảo phương án đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và các tỉnh liền kề. Đáng chú ý, việc đi lại bằng xe cá nhân vẫn chưa thống nhất. Cụ thể, phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy), người điều khiển phương tiện và ngồi trên phương tiện từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP.HCM phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Đối với trường hợp lưu thông từ TP.HCM vào các tỉnh, tỉnh Long An và Tây Ninh, yêu cầu người điều khiển phương tiện và ngồi trên phương tiện tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; Bình Dương cũng yêu cầu tương tự với trường hợp cá nhân sử dụng phương tiện ô tô, yêu cầu thêm giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường. Trường hợp sử dụng mô tô, xe gắn máy chỉ áp dụng đối với người lao động đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP.Thủ Đức là TP.Thuận An và Dĩ An. Người ngồi trên phương tiện phải tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động. Trong khi đó, Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) lưu thông.

Tối qua 11.10, Bộ GTVT ban hành quyết định thí điểm khôi phục vận tải đường sắt, giai đoạn 13 - 20.10. Theo đó, hành khách đi từ địa phương nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ 2 liều vắc xin, hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin theo quy định của Bộ Y tế, khi đi cùng người thân trên tàu phải có xét nghiệm âm tính, thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ. Hành khách đi tàu từ vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được bán vé theo chỗ tại toa xe riêng trên đoàn tàu.

Trước đó, bàn về việc mở lại đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng chạy lại tàu khách là nhu cầu cấp thiết của người dân. Ông cho rằng hành khách chỉ cần tiêm mũi 1 vắc xin đủ 14 ngày và test tại chỗ âm tính là có thể lên tàu. Thực tế, số lượng người đáp ứng được quy định tiêm đủ 2 mũi vắc xin rất ít, cả nước chỉ được hơn 10%, như TP.HCM cao nhất cũng chỉ 50 - 60%.

Bộ GTVT trước đó vào tối muộn 10.10 có hướng dẫn thí điểm hoạt động xe khách liên tỉnh từ 13 - 20.10. Theo đó, lái xe, nhân viên phụ xe và hành khách từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ 2 liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Đồng thời, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, tuân thủ 5K. Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới không cần tiêu chí tiêm đủ vắc xin...

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải Đất Cảng (Hải Phòng), cho biết vẫn đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ phía Sở GTVT TP.Hải Phòng. “Bộ GTVT mới có hướng dẫn chung, còn cụ thể triển khai như thế nào, các quy định với hành khách ra sao thì phải đợi văn bản cụ thể của địa phương. Ngoài ra, do xe khách liên tỉnh nên để chạy được còn phải xin văn bản đồng ý của địa phương đến”, ông Hải nói.

Hành khách lên tàu về Quảng Bình từ ga Sài Gòn ngày 9.10.2021

Nguyễn Anh

35 triệu liều vắc xin Covid-19 phân bổ đến các tỉnh, thành trong các tuần cuối tháng 10

“Người xanh” vẫn chưa “xanh”

Người về Hà Nội từ TP.HCM được cách ly tại nhà

UBND TP.Hà Nội tối qua 11.10 đã ban hành văn bản bãi bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày với người về từ TP.HCM trên các chuyến bay thường lệ. Theo đó, trong giai đoạn thí điểm từ 10 - 20.10, 2 đường bay Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất ghế. Hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi cư trú, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Tuy nhiên văn bản của Hà Nội không đề cập tới việc phải cách ly tại nhà bao lâu.

Mai Hà

Là địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề nhất trong đợt dịch thứ 4, song hiện tại TP.HCM cũng là địa phương “mở” nhất về các hoạt động sau khi bỏ giãn cách. Song vào TP.HCM thì dễ, đi ra khỏi TP giai đoạn này là cả một bài toán khó. Ngày 6.10, Bộ Y tế có Công văn 8399 hướng dẫn các tỉnh, thành về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Theo đó, với những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất. Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin sẽ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về. Những người chưa tiêm vắc xin phải cách ly 14 ngày.

Tuy nhiên khi thực hiện, mỗi địa phương lại vận dụng khác nhau về việc cách ly, gây nhiều khó khăn cho người dân có nhu cầu về quê hoặc di chuyển trong trường hợp cấp bách.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá việc mỗi địa phương thực hiện chỉ đạo theo 1 kiểu đang lặp lại câu chuyện “luồng xanh nhưng chưa xanh” như đối với vận tải hàng hóa giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội.

Theo ông Trường, đến nay khi tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân ngày càng cao, nhiều địa phương đã bước sang giai đoạn bình thường mới, thì chính sự cẩn trọng quá mức, siết chặt thông qua các quy định mang tính cục bộ lại khiến những nỗ lực của chiến dịch vắc xin trở nên vô nghĩa, khiến những “người xanh” không được trở về với cuộc sống bình thường. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, nếu những hoạt động giao thông, vận tải, di chuyển của người dân tiếp tục ách tắc thì mục tiêu hồi phục kinh tế rất khó thực hiện.

“Chính phủ đã thống nhất chủ trương, các bộ đã ban hành hướng dẫn, các địa phương phải lập tức chấp hành nghiêm chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp cấp thiết, Thủ tướng cần thành lập 1 hội đồng đặc biệt, cấp bách kiểm tra toàn bộ việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của từng địa phương, bắt đầu từ TP.HCM, từ đó đi các tỉnh miền Tây, miền Đông. Những chỉ đạo, quyết sách trong giai đoạn này cần quyết liệt hơn nữa để đảm bảo những chính sách mở cửa được thực thi kịp thời, nhanh chóng”, ông Trường đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.