Bản tin Covid-19 ngày 11.10: Điểm nóng hạ nhiệt, dần tiến tới đi lại "bình thường mới"

11/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 11.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị.

Bản tin Covid-19 ngày 11.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước thêm 3.619 ca nhiễm mới, 2.549 ca khỏi bệnh

Theo bản tin Bộ Y tế tối 11.10, tính từ 17h ngày 10.10 đến 17h ngày 11.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, 2.549 ca khỏi bệnh.

- Trong ngày, cả nước ghi nhận 115 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 20.670 ca.

Ngày 11.10: Cả nước 3.619 ca Covid-19, 2.549 ca khỏi | TP.HCM 1.527 ca

Thông tin về 3.619 ca nhiễm mới công bố vào chiều 11.10 như sau:

  • 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố (có 1.726 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.527), Đồng Nai (499), Bình Dương (446), An Giang (142), Đắk Lắk (119), Kiên Giang (91), Long An (76), Tiền Giang (67), Tây Ninh (55), Đồng Tháp (55), Cà Mau (51), Trà Vinh (48), Cần Thơ (47), Bình Thuận (45), Bến Tre (40), Quảng Ngãi (38), Hậu Giang (32), Nghệ An (27), Lâm Đồng (26), Khánh Hòa (26), Hà Nam (21), Bình Định (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Bạc Liêu (14), Gia Lai (13), Vĩnh Long (12), Kon Tum (10), Đắk Nông (9), Ninh Thuận (9), Bình Phước (6), Quảng Bình (5), Bắc Ninh (4), Hà Tĩnh (4), Sơn La (3), Hải Dương (2), Thanh Hóa (2), Quảng Trị (2), Ninh Bình (1), Nam Định (1), Phú Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Hà Nội (1).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-336), Đồng Nai (-163), Bình Thuận (-64).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+460), Đắk Lắk (+119), Bến Tre (+28).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.183 ca/ngày.

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
  • Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (411.655), Bình Dương (222.528), Đồng Nai (55.488), Long An (33.379), Tiền Giang (14.608).
Ngày 11.10: Thông báo 115 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.549

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 784.748Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 788
  • Thở máy không xâm lấn: 145
  • Thở máy xâm lấn: 668
  • ECMO: 22

- Trong ngày, cả nước ghi nhận 115 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (75), Bình Dương (18), Đồng Nai (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Ninh Thuận (2), Long An (2), Quảng Bình (1), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Tây Ninh (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 117 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 128.114 xét nghiệm cho 205.382 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.202.582 mẫu cho 56.174.649 lượt người.

- Trong ngày 10.10 có 879.949 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 54.279.564 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.698.136 liều, tiêm mũi 2 là 15.581.428 liều.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Phải hiểu đúng về pháo đài chống dịch"

Sáng 11.10.2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu quốc hội đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TP.HCM trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15.

Bên cạnh Chủ tịch nước, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 còn có Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri có các đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và ông Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương cùng nhiều lãnh đạo trung ương và TP.HCM.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu đã gửi ý kiến đến đoàn đại biểu về các vấn để như các gói hỗ trợ người lao động, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em và các vấn đề về quy hoạch trên địa bàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, xã hội của huyện Củ Chi; đồng thời đánh giá đây là cố gắng rất lớn, trong đó có ý thức trách nhiệm của người dân và sự đoàn, kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền huyện.

Chủ tịch nước cho biết sự điều chuyển chiến lược từ Zero Covid-19 (không có Covid-19) sang thích ứng an toàn với dịch bệnh là phù hợp. Cũng tại buổi tiếp xúc, người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh về chủ trương pháo đài chống dịch và giải thích về chủ trương này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Phải hiểu đúng về pháo đài chống dịch"

Về tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh an toàn cho trẻ em đến trường là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện Bộ Y tế đã có khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ em, dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11.2021 bắt đầu tiêm.

Đây là buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Từ đầu tháng 10.2021, Chủ tịch nước đã tham dự 2 buổi tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến với các cử tri ngành y tế và kinh tế.

Thí điểm chạy xe khách liên tỉnh từ 13.10

Tối 10.10.2021, Bộ GTVT đã ra văn bản hướng dẫn thí điểm vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô, trong 7 ngày, từ 13 - 20.10.

Quy định tạm thời này áp dụng đối với xe khách liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, đi, đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc.

Đối với các địa phương, khu vực nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Với hành khách từ địa phương có nguy cơ rất cao, cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn: phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Đồng thời, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, tuân thủ 5K.

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ và thực hiện biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương nguy cơ cao hơn: tuân thủ 5K, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… Xét nghiệm âm tính 72 giờ, kê khai thông tin, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

Hành khách phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương.

Với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng tương tự, phải tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc mắc Covid-19 nhưng đã khỏi không quá 6 tháng, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Từ 13.10 chạy lại xe khách liên tỉnh, khách 'vùng đỏ' phải tiêm đủ vắc xin

Với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú phải quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 2 kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Giai đoạn thí điểm từ 13.10 đến hết ngày 20.10, sau đó Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Trong giai đoạn thí điểm, chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Người chưa tiêm vắc xin có được đi xe khách đến TP.HCM?

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các tỉnh dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định.

Theo dự thảo, hành khách đi từ TPHCM phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin được 14 ngày (đối với các loại vắc xin tiêm 2 mũi) hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh Covid-19 (dưới 6 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên xe.

Hành khách đến TP.HCM phải đáp ứng điều kiện gồm: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Hành khách thực hiện khai báo y tế trước khi lên xe, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe, phải đáp ứng các điều kiện nêu trên trừ yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Trên xe phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.

Trong quá trình di chuyển từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-Covid, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Hành khách chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Hành khách tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K…

Người chưa tiêm vắc xin Covid-19 có được đi xe khách đến TP.HCM?

Đối với người điều khiển phương tiện, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu phải đáp ứng yêu cầu gồm: tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).

Đồng thời, người điều khiển phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Trên xe thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.

Lật tẩy đường dây tiêm vắc xin thu phí

Từ phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên vào cuộc xác minh, điều tra và bóc trần manh mối về một đường dây tiêm vắc xin Covid-19 thu phí tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Qua người quen giới thiệu, một ngày đầu tháng 10.2021, ông V. (xin giấu tên, ngụ TP.Thủ Đức) được nam thanh niên tên Ân (24 tuổi, quê Bến Tre, tự xưng là tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch của UBND P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) móc nối để ông và em trai tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1, với giá 1,5 triệu đồng/người. Sau đó, anh em ông V. nhận tin nhắn mời đi tiêm từ hệ thống tiêm chủng, và cả giấy xác nhận đã tiêm mũi 1 làm “hành trang” vào tiêm tại điểm tiêm Trường tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (viết tắt là THHVN, số 78 Quốc Hương, P.Thảo Điền). “Vì đợt này chỉ tiêm mũi 2 nên Ân nói phải có giấy xác nhận đã tiêm mũi 1 mới được vào tiêm”, ông V. kể.

Tiêm xong, Ân hẹn ông V. tại một địa chỉ gần THHVN để nhận tiền. Tuy nhiên, Ân cho biết việc nhận tiền là nhiệm vụ của người phụ nữ tên Hiền. “Có gì anh liên hệ với chị Hiền, vì chị giữ quỹ… mua đồ ăn thức uống cho anh em tình nguyện viên (?)”, Ân nói. Sau đó, Ân đưa số điện thoại của người phụ nữ tên Hiền cho ông V. gọi đến lấy tiền. Khoảng 5 phút sau, Hiền xuất hiện, cũng tự xưng tình nguyện viên chống dịch cùng nhóm với Ân. “Chi phí bao nhiêu cho anh gửi?”, ông V. hỏi.

Ân ra trao đổi với cán bộ công an đang kiểm tra giấy tờ

“Giống như em đã nói với anh kia vậy đó (trước đó Hiền báo giá cho người quen của ông V. - PV). Bữa em chốt là xin 3 triệu đồng/2 người. Mai mốt nếu đi tiêm mũi 2, sẽ có tin nhắn gửi mời tiêm cho anh và không tốn chi phí nữa”, Hiền giao dịch. Ông V. lấy lý do “Dịch này khó khăn quá nên, anh gửi 1,5 triệu đồng thôi. Vì khi nào chích mũi 2, bên anh sẽ tự kiếm điểm tiêm khác”, rồi rút 1,5 triệu đồng trả cho Hiền.

Tối 3.10, trong vai doanh nghiệp cần tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 cho 10 người, chúng tôi liên lạc với Ân, hẹn gặp trực tiếp giao dịch. “Ngày mai, tại điểm tiêm THHVN tiêm vắc xin Vero Cell; 2 điểm còn lại (91 Thảo Điền và Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - viết tắt ĐHVH, địa chỉ 51 Quốc Hương) tiêm vắc xin AstraZeneca. Anh lên danh sách, ghi họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CMND, ngày tháng năm sinh gửi qua, em sẽ xử lý”, Ân hướng dẫn và cam kết sắp xếp cho nhóm tiêm vắc xin AstraZeneca tại điểm tiêm ĐHVH. Giá cho 10 người tiêm khoảng 10 triệu đồng, khi nào tiêm xong mới lấy tiền

Ân tháp tùng người đi tiêm vắc xin vào trong điểm tiêm tại Trường tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi

Ân tư vấn thêm cần có tin nhắn của hệ thống tiêm chủng và giấy xác nhận đã tiêm vắc xin mũi 1 thì mới được tiêm, vì hiện trên địa bàn P.Thảo Điền đang tiêm vắc xin mũi 2. “Tin nhắn tiêm chủng làm nhanh cực kỳ luôn. Cứ gửi danh sách qua cho em, em gửi về cho một bộ phận bên UBND P.Thảo Điền. Bên UBND P.Thảo Điền sẽ có bộ phận đảm nhiệm việc nhắn tin qua hệ thống tiêm chủng…”, Ân tỏ ra chuyên nghiệp. Về giấy xác nhận đã tiêm mũi 1, Ân khẳng định sẽ có “giấy thật 100%, có cả chữ ký của bác sĩ nên anh cứ yên tâm”.

Hiền đang thu tiền của “khách hàng”

Đang giao dịch trực tiếp với PV, điện thoại của Ân đổ chuông. Qua điện thoại, Ân hướng dẫn cho một nam “khách hàng” cách thức đi tiêm vắc xin tại bệnh viện (BV) ở TP.Thủ Đức. “Ngày mai cứ qua bên BV, cầm giấy giới thiệu hồi chiều em đưa đó. Mà em nói trước ngày mai Moderna không có nha, chỉ có Pfizer thôi”, Ân nói với khách.

Hình ảnh bên trong điểm tiêm Trường ĐH Văn hóa

Ân tiết lộ tiêm vắc xin Moderna, Pfizer làm hồ sơ khá phức tạp, không dễ như tiêm AstraZeneca. “Bữa nay em làm bộ hồ sơ cho anh kia, để ảnh lên BV tiêm Pfizer. Mấy loại này lo cũng được thôi, nhưng chi phí sẽ cao hơn. Giá Moderna, Pfizer là 4 triệu đồng/mũi. Mấy loại này chỉ dành cho mấy ông bà “lắm tiền nhiều của” thôi”, Ân kể.

Chúng tôi hỏi “người có nhu cầu tiêm vắc xin kết nối với nhóm bằng cách nào”, Ân trả lời: “Không phải mình em, mà là có rất nhiều bạn trong nhóm cùng làm. Tin nhắn, giấy tờ có chữ ký của bác sĩ đều là thật. Việc tiêm vắc xin này là nguyên một đội luôn, chứ phải một mình em làm đâu”.

Tiếp xúc với khách hàng, Ân tỏ ra hết sức dè dặt: “Thật sự mà nói lấy tiền em cũng sợ lắm. Tiền lấy cũng không phải cho một cá nhân nào hết. Tụi em làm là làm nguyên tập thể (?)”.

Sau đó, chúng tôi liên hệ với Ân, nâng số lượng người cần tiêm vắc xin AstraZeneca lên 30 và được Ân đồng ý sắp xếp, nhưng dặn phải chuyển danh sách sớm để ngày 6.10 tiêm hết 30 người một lần. “Phải nhanh lên chứ sợ vắc xin không có về nữa đâu nha. Có 30 người tụi em cũng xử lý được hết”, Ân đốc thúc.

Để lật tẩy đường dây tiêm vắc xin thu phí này, sáng 4.10, PV Thanh Niên gọi điện cho Ân, ngỏ ý sẽ tiêm vắc xin AstraZeneca trước, vì những trường hợp khác chưa thu xếp được. Ân đồng ý. Khoảng 7 giờ 30, Ân hẹn PV đứng chờ gần THHVN, rồi Ân đi bộ từ trường ra, dặn dò. “Tin nhắn tiêm chủng chuẩn bị nhắn qua số anh nha. Bất cứ ai hỏi anh tiêm mũi mấy, anh phải trả lời đi tiêm mũi 2 nghe chưa. Nếu bị ai phát hiện, anh cứ nói “tôi cũng không biết nữa”. Rồi sau đó phải ra về ngay”, Ân nói.

“Giấy tờ, tin nhắn tiêm chủng giả hay sao mà bị phát hiện?”, chúng tôi lo lắng. “Hợp lệ chứ, song vẫn có khả năng bị người ta phát hiện; nhưng đó là trường hợp xui thôi, hiểu không. Trước giờ tụi em đưa người vào tiêm vắc xin, chưa bị phát hiện bao giờ cả”, Ân trấn an.

Ân căn dặn chúng tôi phải nói địa chỉ trên đường Quốc Hương (P.Thảo Điền). “Nếu ai hỏi giấy CMND thì nói để quên ở nhà rồi. Còn người ta “soi” kỹ thì nói mình đang tạm trú, làm việc trên địa bàn P.Thảo Điền. Có vấn đề gì cứ gọi cho em. Bữa nay, tại điểm tiêm ĐHVH có anh công an tên C., ảnh là người của tụi em luôn đó. Nên nếu có vấn đề gì em sẽ a lô cho ảnh, ảnh giúp liền”, Ân tiếp tục hướng dẫn, rồi dúi vào tay chúng tôi tờ giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 (tiêm ngày 4.8). Đáng chú ý, giấy xác nhận này có cả chữ ký của bác sĩ P.G.T và đóng mộc đỏ của đơn vị tiêm chủng là BV Lê Văn Thịnh.

Làm theo hướng dẫn, khoảng 8 giờ ngày 4.10, với “hành trang” là tin nhắn từ hệ thống tiêm chủng (nội dung hẹn tiêm ngày 4.10 tại ĐHVH) và giấy xác nhận đã tiêm mũi 1, chúng tôi xếp hàng đợi tới lượt. Theo quan sát của PV, tại cổng vào điểm tiêm ĐHVH có 2 cán bộ mặc sắc phục công an làm công tác kiểm tra giấy tờ, nội dung tin nhắn tiêm chủng và đúng là một trong 2 người này đeo bảng tên C. Chúng tôi chủ động đưa tin nhắn, giấy xác nhận tiêm mũi 1 cho người tên C. kiểm tra. Sau khi kiểm tra tin nhắn, người này ra hiệu cho chúng tôi vào trong khu vực tiêm vắc xin.

Sau đó, chúng tôi dễ dàng lọt qua các bước kiểm tra tiếp theo của nhân viên y tế bên trong điểm tiêm. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ hoàn tất khám sàng lọc, trước khi đến lượt tiêm vắc xin, chúng tôi viện lý do cá nhân, rời khỏi điểm tiêm.

Tài xế taxi truyền thống hoạt động lại, không quên ngày tháng chở F0 cấp cứu

Từ ngày 5.10, TPHCM cho phép xe buýt, xe khách, xe taix, ô tô công nghệ dưới 9 chỗ và xe du lịch sẽ được hoạt động trở lại. Riêng xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ chưa được phép hoạt động.

Vài ngày qua, các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun cũng đã hoạt động trở lại trên đường phố.

Anh Trần Văn Nam, tài xế taxi có 3 năm chạy cho hãng Mai Linh bày tỏ sự vui mừng sau khi được quay lại làm việc.

Mặc dù không được làm nghề trong suốt 4 tháng, tuy nhiên trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng nhất, anh Nam là một trong số hàng trăm tài xế của hãng taxi này trở thành tình nguyện viên của ‘Biệt đội taxi chạy đua với Tử thần, cấp cứu F0 Covid-19 trước lằn ranh sinh tử’ từng được Báo Thanh Niên đưa tin.

Nhiệm vụ của anh là chở ô xy đến cho các bệnh nhân và chở các F0 Covid-19 cần cấp cứu đến các bệnh viện trong thành phố. Nhớ lại những chuyến xe đặc biệt, anh Nam vẫn còn hồi hộp.

Tài xế taxi truyền thống hoạt động lại, không quên ngày tháng chở F0 cấp cứu

Người Sài Gòn đội mưa, quyết mua bằng được bánh tráng trộn

Thời tiết Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 10 thường xuất hiện những cơn mưa. Thế nhưng, thời tiết dường như là không đủ để hạ nhiệt sức hấp dẫn của món bánh tráng trộn tại quán cô Năm trên đường Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp, TP.HCM vừa mở bán lại cách đây không lâu.

Với bà Thu Hà - chủ quán,hay mọi người quen gọi là cô Năm, ngày 1.10.2021 đối với bà giống như một ngày mùng Một Tết vì có biết bao bồi hồi sau thời gian quá dài tạm nghỉ. Trước ngày mở bán, bà chuẩn bị tươm tất, đầy đủ đến tận khuya của đêm “giao thừa” trước đó.

Lượng khách tìm đến mua trực tiếp cùng với đó là lượng đơn hàng được đặt qua các ứng dụng trong vài ngày trở lại đây là khá lớn khiến quán thường xuyên rơi thường vào tình trạng quá tải.

Để đảm bảo giãn cách, không tập trung quá đông người, đôi lúc chủ quán buộc phải tắt ứng dụng nhận đơn hàng trực tuyến nhằm giảm tải lượng tài xế đến lấy đơn.

Người Sài Gòn đội mưa, quyết mua bằng được bánh tráng trộn ngày mở bán lại

Nhằm chiều lòng cũng như không để những vị khách của mình phải chờ món quán quá lâu, quán bánh tráng trộn cô Năm lúc nào cũng có hơn 5 nhân viên làm việc liên tục, mỗi người một công đoạn khác nhau. Lượng bánh tráng trộn được chuẩn bị sẵn có trong quán lúc nào cũng lên đến hàng trăm bịch.

Ngoài bánh mì, cơm tấm hay bún bò thì có lẽ bánh tráng trộn là một phần không thể thiếu của Sài Gòn và lẽ dĩ nhiên sau bao tháng ngày xa cách, người Sài Gòn, đặc biệt là các trẻ lại có dịp được thưởng thức cho thỏa cơn thèm.

“Chiếc hộp Thạch Sanh” trên vệ đường

Một số người thoáng bỡ ngỡ, rồi sau đó đi trong mưa mạnh dạn bước tới, mở nắp hộp, mới hay bên trong có phong bì đựng tiền. Mỗi người lấy 1 phong bì.

Những chiếc hộp nhựa bên trong có các phong bì đựng tiền đặt bên vệ QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Trị để bà con từ miền Nam đi xe máy về quê qua đó dừng lại lấy cho mình một phần. Điều diệu kỳ là chiếc hộp ấy cứ như “nồi cơm Thạch Sanh”, vơi rồi lại đầy…

Buổi sáng 7.10, trời mưa lất phất. Dòng người đi xe máy từ phía nam về quê vẫn rầm rập ngang qua Quảng Trị, nhiều người tơi tả trong chiếc áo mưa tiện lợi. Trên nhiều xe máy cũ nát, có gia đình lỉnh kỉnh đồ đạc, đi cả ngàn cây số. Họ dừng lại bên đường khi thấy chiếc hộp ghi dòng chữ “Hội cà phê… tặng bà con về quê” đặt trước đầu ô tô. Một số người thoáng bỡ ngỡ, rồi sau đó đi trong mưa mạnh dạn bước tới, mở nắp hộp, mới hay bên trong có phong bì đựng tiền. Mỗi người lấy 1 phong bì. Khi những người đang ngồi bên trong ô tô vẫy tay chào như một lời chúc “thượng lộ bình an”, họ khẽ cúi đầu cảm ơn…

Đây là chương trình của một nhóm bạn hay uống cà phê buổi sáng cùng nhau ở TP.Đông Hà. “Chúng tôi xem trên báo, đài và cả trên mạng xã hội thấy hình ảnh những gia đình đang dắt díu nhau về quê từ miền Nam mà nghẹn lòng. Chúng tôi cũng thấy người dân ở nhiều địa phương ra đường hỗ trợ đồng bào về quê và chúng tôi tự hỏi nhau: Lẽ nào mình ngồi im?”, anh Võ Xuân Long, thành viên của hội cà phê, chia sẻ.

Thế rồi, cũng chính anh Long là người nhắn vào nhóm Zalo của hội: “Hay là mình quyên góp tiền đi! Cùng lắm 16 anh em hội ta ra đứng đường, hỗ trợ bà con một ngày”. Cùng với việc “thả tim”, những thành viên của nhóm đã lần lượt chuyển tiền. Tổng cộng được 16 triệu đồng.

“Chiếc hộp Thạch Sanh” trên vệ đường Quảng Trị

Nhưng thay vì mua đồ ăn, thức uống, xăng… cấp phát cho người dân đang có hành trình nhọc nhằn trên dặm trường thiên lý trở lại quê nhà, nhóm anh em cà phê sáng này đã chọn cách phát tiền mặt. “Chúng tôi chia 16 triệu vào phong bì, mỗi chiếc có 200.000 đồng. Sau đó, cho số phong bì vào hộp nhựa. Khi ra đường, sẽ để hộp tiền trước đầu ô tô cho bà con chủ động vào lấy”, anh Nguyễn Bá Tài, một thành viên khác của nhóm, kể lại.

Cách làm khá đơn giản, nhưng vừa có thể giúp được bà con phần nào lộ phí đi đường, còn đảm bảo an toàn vì hầu như giữa người tặng quà và người nhận quà không có sự tiếp xúc gần nào. Xong xuôi, một thành viên trong hội đã đưa một vài hình ảnh lên trang cá nhân… và đó chính là “nguồn cơn” để chiếc hộp nhựa bé xíu trở thành “Chiếc hộp Thạch Sanh”, làm hành trình bám đường của anh em trong hội cà phê kéo dài thêm nhiều ngày nữa.

Tặng xăng xe, thức ăn tiếp sức dòng người hồi hương

Sáng 11.10.2021, dòng xe máy của những người lao động từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19 qua tỉnh Phú Yên vẫn cứ đông đúc. Trong suốt thời gian dịch Covid-19, họ cố bám trụ chờ cơ hội làm việc, nhưng mọi cơ hội của họ bị dịch Covid-19 “thổi bay” nên họ đành lòng trở về quê để sinh sống.

Những ngày này, thiếu tá Trần Quốc Vương, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuy An, cùng các cộng sự vẫn đang tất bật hỗ trợ người dân về quê chạy qua điểm dừng chân ở ga Hòa Đa thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An.

Tặng xăng xe, thức ăn tiếp sức dòng người hồi hương qua Phú Yên

Hành trình của những người dân trở quê đầy gian nan. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên cùng chính quyền các cấp, các cơ quan đoàn thể và người dân Phú Yên đã đồng hành hỗ trợ lương thực, nước uống, áo mưa và xăng, tiếp sức cho họ trở về quê an toàn.

Những chia sẻ của tỉnh ủy, chính quyền, các tổ chức và người dân Phú Yên cũng như các tỉnh thành đã khiến hành trình của hàng ngàn người bớt đi phần nào vất vả.

Cầm cọc tiền phát cho người thuê, chủ nhà trọ gây ‘sốt’

“Đại gia pyjama” hay “Ông chủ trọ siêu cấp dễ thương” là những biệt danh mà dân mạng đặt cho người đàn ông trong video clip cầm cọc tiền phát cho người thuê nhà đang gây sốt những ngày qua.

Nhân vật chính trong video là ông Lê Tuấn Giản, 78 tuổi, chủ nhà trọ tại hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM. Ông thường được bà con xóm trọ gọi với cái tên thân mật là chú Tư.

Đợt phát tiền vừa rồi, ông Tư Giản phát hết 16 triệu đồng

Video clip ghi lại hình ảnh ông Tư mặc bộ đồ ngủ, cầm cả cọc tiền phần lần lượt cho người xóm trọ chỉ là một phần nhỏ trong những điều mà ông đã giúp đỡ những người thuê nhà nhiều tháng qua.

Những người thuê trọ của chú Tư đều là công nhân của công ty PouYuen Việt Nam (ở quận Bình Tân, TP.HMC) hoặc thợ hồ, công nhân của doanh nghiệp tư nhân, thất nghiệp 4 tháng ròng. Đến nay, cả dãy trọ cũng mới chỉ có vài người bắt đầu có công việc lai rai, số còn lại vẫn đang thất nghiệp.

Tiền trọ mỗi phòng là 1,3 triệu đồng/tháng nhưng từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, chú Tư giảm 50%. Tháng 8, tháng 9 chú Tư, miễn luôn 100% vì dịch kéo dài. Tháng 10 này, chú Tư lại tiếp tục miễn 100% tiền phòng trọ.

Chú Tư được hàng xóm nhận xét là ông chủ trọ “lạ lùng” vì thương người ở trọ như con cháu trong nhà. Đợt vừa rồi, dãy trọ có người nhiễm Covid-19 phải đi cách ly, chú Tư thương khóc rưng rức khiến cả xóm bật cười.

Những người thuê trọ ở đây nhận xét dãy trọ mình đang ở là “xịn” nhất Sài Gòn. “Xịn” ở đây không phải về cơ sở vật chất, mà đang nhắc đến cách chủ trọ quan tâm đến mọi người. Do vậy, những người ở trọ đã tới đây đa phần không muốn chuyển đi nơi khác.

Cầm cọc tiền phát cho người thuê, chủ nhà trọ Sài Gòn gây ‘sốt’ mạng xã hội

Tận mắt chứng kiến những bữa cơm đạm bạc, tô canh lõng bõng nước của người lao động thất nghiệp, chú Tư vét tiền túi và kêu con gái phụ thêm để tặng mỗi phòng 200.000 đồng và tặng luôn một số phòng trọ trong hẻm của chủ trọ khác vì “ai cũng khổ như ai”. Tổng số tiền chú Tư tặng người ở trọ hôm 8.10 vừa qua là 16 triệu đồng.

Ông Tư được người thuê trọ gọi là ông chủ trọ kỳ lạ

VŨ PHƯỢNG

Ngày trước, chú Tư làm bếp Ông Táo ở khu Lò Gốm, cực khổ kiếm từng đồng tiền nuôi các con ăn học. Giờ đây con cái đều có công ăn việc làm ổn định, ông quan niệm cần sống có đức, làm nhiều việc thiện thì ắt trời thương.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, thấu hiểu sự khó khăn của người lao động, công nhân do ảnh hưởng dịch kéo dài, quận đã vận động các chủ nhà trọ chia sẻ với người thuê trọ bằng cách miễn hoặc giảm tiền trọ. Thống kê vừa qua, Q.Bình Tân 7.913 chủ nhà trọ đã miễn, giảm tiền nhà trọ cho 107.521 phòng và tặng nhu yếu phẩm cho người thuê với 254.361 công nhân khó khăn trên địa bàn. Trong đó có 1.733 phòng trọ miễn tiền thuê. Vừa qua, quận đã đến thăm, cảm ơn một số chủ nhà trọ có nhiều chia sẻ với người thuê trọ.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 ngày 11.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.