Mở dịch vụ theo cấp độ dịch, khó khả thi

18/11/2021 06:26 GMT+7

TP.HCM cho phép mở lại thêm nhiều hoạt động dịch vụ, nhưng đòi hỏi yêu cầu chia theo từng cấp độ vùng dịch , vô tình làm khó doanh nghiệp.

Hoang mang chờ hướng dẫn

Ngay sau khi TP.HCM ban hành quy định cho phép nhiều dịch vụ hoạt động theo cấp độ dịch, nhân viên hệ thống ICOOL Karaoke đã tất bật chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng đón khách trở lại từ tối 17.11.

Bà Lê Thị Mai, đại diện các chủ sở hữu chuỗi ICOOL, cho biết toàn hệ thống có 18 chi nhánh rải đều ở các quận tại TP.HCM. Trước mắt, ICOOL sẽ mở cửa lại khoảng 13 điểm nằm ở những quận được tính là dịch cấp độ 1 và cấp độ 2. Với 5 chi nhánh còn lại thuộc các khu vực là cấp độ 3 thì sẽ xem xét mở cửa lại sau. Háo hức với việc được mở cửa trở lại, qua thăm dò ý kiến khách hàng, ước tính có khoảng 55 - 60% khách bày tỏ có nhu cầu về karaoke sau gần nửa năm dịch vụ này bị đóng cửa, tức nhu cầu khá tốt, song bà Mai vẫn lo lắng vì “thực tế chưa biết như thế nào”.

Bà khẳng định tất cả tiêu chí đánh giá an toàn cho các cơ sở dịch vụ đã được hướng dẫn thì các chi nhánh ICOOL đều thực hiện đầy đủ như quét mã QR đối với khách hàng, đảm bảo 5K, mỗi phòng karaoke đều có micro riêng cho từng người tham gia... Tuy nhiên, vấn đề chia tỷ lệ, điều kiện đón khách theo vùng dịch thì chưa rõ.

Karaoke mở cửa, người Sài Gòn đeo khẩu trang đi hát xả stress

Nhiều tiêu chí có vẻ như an toàn trong phòng chống dịch, nhưng sẽ khó thực hiện. Thay vì phân mức độ hoạt động theo từng quận thì có thể xem xét chỉ đưa ra tiêu chí kiểm soát đối tượng như đã tiêm đủ vắc xin, là F0 đã khỏi bệnh khi tham gia các dịch vụ này. Đồng thời điều kiện đi kèm là hạn chế công suất hoạt động là đủ.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển

“Đơn cử, cửa hàng đang thuộc vùng cấp độ 1 tuần sau chuyển sang cấp độ 2 thì phải làm sao? Khách hàng chỉ mới tiêm 1 mũi đi cùng người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì cách đối xử thế nào cho phù hợp mà khách không giận?... Giờ cứ mở cửa, cố gắng làm đúng theo quy định và xem thực tế thế nào rồi tính tiếp chứ đã nghỉ quá lâu, nhân viên thì không có thu nhập, chi phí mặt bằng cũng gồng gánh cạn kiệt”, bà Mai cho hay.

Tương tự, chị P.T.A.Linh, chủ một cơ sở spa trên đường Điện Biên Phủ (Q.10), tỏ ra khá khó hiểu về quy định đối với những spa ở vùng cấp độ 2 như của chị sẽ chỉ được đón khách 50% công suất. Theo chị, tùy cấu trúc từng cơ sở spa sẽ có cách sắp xếp khách khác nhau. Hiện nay, chủ yếu những spa có mặt bằng rộng, từ tầm trung cấp trở lên sẽ sắp xếp thiết kế chia thành từng phòng, mỗi phòng chỉ 1 hoặc 2 người. Khi đó, khả năng lây nhiễm rất thấp, vì thế quy định 50% hay 100% công suất thì gần như cũng không có gì khác nhau. Còn lại, sẽ có phòng trị liệu chung khoảng từ 4 - 6 giường. Giới hạn số lượng khách, các cơ sở muốn tiết kiệm chi phí, dồn vào chung một phòng thì quy định cũng mất ý nghĩa.

“Nếu muốn giới hạn thì sao không quy định về diện tích cho dễ tính. Ví dụ diện tích phòng 25 m2 thì được giới hạn bao nhiêu khách. Mà thật ra, đã mở rồi thì đặt nặng vấn đề phòng dịch kiểu gì với những loại hình dịch vụ tiếp xúc gần thế này? Chưa kể, chúng tôi dù ở vùng cấp 2, nhưng khách đến từ vùng cấp 3, cấp 4 hay không thì cũng đâu thể kiểm soát được, có được phục vụ hay không?”, chị Linh đặt vấn đề.

Đối với các dịch vụ vận tải, đến cuối chiều qua (17.11), đại diện các hãng xe công nghệ vẫn thông báo đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GTVT TP để có phương án tổ chức và hoạt động phù hợp bởi không biết TP quy định cấp độ dịch theo từng địa phương hay trên toàn TP. Phải tới tối muộn, Sở GTVT mới ban hành hướng dẫn chi tiết các hoạt động vận tải trên địa bàn. Theo đó, cho phép taxi, taxi công nghệ hoạt động trở lại bình thường nhưng xe ôm công nghệ vẫn bị giới hạn không quá 50% số xe của từng đơn vị.

Quán karaoke ở Q.Phú Nhuận chuẩn bị đón khách trở lại

Ngọc Dương

Khó quản theo vùng dịch

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP cho rằng hiện TP.HCM đã mở cửa kinh tế, không thể kiểm soát di chuyển của người dân từ vùng này qua vùng khác nên cách làm áp quy định theo từng vùng dịch là không khả thi. Việc giới hạn số lượng phương tiện của xe ôm công nghệ cũng không mang nhiều ý nghĩa phòng, chống dịch vì cả tài xế và người dân gần như đều đã tiêm vắc xin. Đi bằng xe ôm còn ít khả năng nhiễm bệnh hơn taxi hay xe buýt.

“Có nhiều việc không cần quá kiểm soát. Đôi khi công sức và chi phí đầu tư cho kiểm soát còn nặng nề hơn là mở ra. Đối với những dịch vụ thiết yếu, nên mở hoàn toàn về trạng thái bình thường để phục vụ nhu cầu trở lại của người dân cũng như hạn chế cản trở kinh tế hồi phục. Nguyên tắc là chỉ cần siết chặt quản lý hoặc giới hạn đối với những đối tượng chưa tiêm vắc xin, ngoài ra nên mạnh dạn mở rộng hơn”, vị này đề xuất.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá việc cho phép mở cửa lại đối với tất cả hoạt động, dịch vụ tại TP.HCM là cần thiết vì Chính phủ cũng đã đưa ra chủ trương phải sống chung với dịch Covid-19. Hơn nữa, chỉ có mở cửa mới có thể giúp kinh tế TP.HCM hồi phục trở lại. Tuy nhiên, việc phân chia điều kiện hoạt động theo từng cấp độ dịch theo địa giới hành chính ở cấp quận chỉ mang tính tương đối nên sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện của các doanh nghiệp. Đơn cử, Q.Gò Vấp giáp với Q.Phú Nhuận, lại là 2 vùng có cấp độ khác nhau, nếu chia ra thì sẽ rất khó phân biệt, gây nên tâm lý ức chế cho cả người dân. Từ đó, dễ dẫn đến việc thực hiện lấy lệ để đối phó.

Thí điểm hàng quán bán rượu bia trên toàn TP.HCM

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký văn bản cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động thí điểm đến hết ngày 30.11. Theo đó, các cơ sở phải đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn và đóng cửa trước 22 giờ hằng ngày.

TP.HCM cũng giới hạn quy mô hoạt động ở từng cấp độ dịch cụ thể. Trong đó, các cơ sở ở địa bàn nguy cơ dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 được kinh doanh bình thường mới. Cơ sở ở địa bàn nguy cơ dịch cấp độ 3 không được phục vụ ăn, uống tại chỗ vượt quá 50% công suất tại cùng một thời điểm, cũng như không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Riêng địa bàn cấp độ 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ. UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động theo các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau thời gian thí điểm, chính quyền địa phương tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công thương để tổng hợp, đề xuất UBND TP.HCM.Sỹ Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.