Mở đường cho hàng Việt vào Trung Đông - châu Phi

29/10/2024 08:07 GMT+7

Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống UAE quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) đã được ký kết. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra con đường lớn cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi.

Xóa bỏ thuế quan cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam

Với Hiệp định CEPA, hai bên thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.

Trong khuôn khổ Hiệp định, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Có thể kể đến các ngành hàng chính của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ CEPA.

Thứ nhất, về nông sản, các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.

Mở đường cho hàng Việt vào Trung Đông - châu Phi- Ảnh 1.

Mẫu xe VF 8 chuẩn bị mở bán tại thị trường Trung Đông

ẢNH: V.G

Thứ hai là hàng tiêu dùng, bao gồm dệt may, da giày, điện tử... Việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.

Thứ ba, với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.

Mặt hàng hưởng lợi thứ tư là gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng, là rất lớn.

Cơ hội cho hàng Việt từ cửa ngõ UAE

CEPA là FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả Rập ở khu vực Trung Đông và châu Phi, và là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực. Trả lời báo chí sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "CEPA không chỉ tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - UAE, mà còn là động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ UAE vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng".

Về phát triển dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, UAE là một trung tâm logistics thuộc loại lớn nhất toàn cầu. CEPA sẽ giúp tăng cường hợp tác về dịch vụ vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, giúp hàng hóa Việt Nam được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Diên đánh giá: Với CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên, và đây là cơ hội để DN chúng ta đuổi kịp, thậm chí vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.

Bên cạnh đó, UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Do vậy, thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khi thực hiện CEPA sẽ có một số thách thức cần lưu ý. Trước hết là các DN cần tận dụng tối đa các cơ hội mà CEPA mang lại. Điều này đòi hỏi DN cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.

Ngoài ra, với các nước Ả Rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng, nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên DN Việt cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu.

VinFast chính thức tiến vào thị trường Trung Đông

Hôm qua (28.10), tại đảo Bluewaters (Dubai), VinFast Auto tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu chính thức tại thị trường Trung Đông.

Cùng ngày ra mắt thương hiệu, VinFast và đối tác Al Tayer Motors đã chính thức khai trương cửa hàng đại lý đầu tiên tại UAE, đặt tại khu vực trung tâm thành phố Dubai. Với tổng diện tích trên 1.000 m2, cửa hàng được thiết kế hiện đại, sang trọng, tích hợp xưởng dịch vụ sẽ mang đến cho khách hàng cơ hội trải nghiệm trực tiếp các mẫu xe điện thông minh của VinFast, bao gồm VF 6, VF 7, VF 8, và VF 9.

Theo kế hoạch, các cửa hàng đại lý VinFast tiếp theo tại khu vực Trung Đông, bao gồm Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait và Bahrain sẽ được khai trương ngay trong năm nay. Dự kiến, mẫu VinFast VF 8 khi được mở bán tại Trung Đông sẽ có mức giá từ 47.500 USD (phiên bản Eco) và từ 51.500 USD (phiên bản Plus).

Hà Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.