Mở đường dây nóng cứu di tích

21/05/2015 09:00 GMT+7

Với nhiều kiến trúc cổ, tiền không phải điều khó nhất khi muốn tu bổ. Cái quan trọng là nên tư vấn từ cơ quan nào, sửa chữa như thế nào để giữ được vốn văn hóa ấy.

Với nhiều kiến trúc cổ, tiền không phải điều khó nhất khi muốn tu bổ. Cái quan trọng là nên tư vấn từ cơ quan nào, sửa chữa như thế nào để giữ được vốn văn hóa ấy.

Đình Cổ Chế, Hà Nội với nhiều mảng chạm quý đang chờ sập do thủ tục quá mất thời gian - Ảnh: Bình Nguyễn
Đình Cổ Chế, Hà Nội với nhiều mảng chạm quý đang chờ sập do thủ tục quá mất thời gian
- Ảnh: Bình Nguyễn
Anh Cường, thành viên thứ 3.000 của nhóm Đình làng Việt vội vã viết những dòng tâm thư nóng hổi lên Facebook của nhóm ngay khi phát hiện thấy 5 cột lim của ngôi từ đường cũ bị ruỗng lõi ở quê mình.

Đừng để người ta có tiền trong tay mà không thể tự cứu di tích. Trường hợp, chùa Trăm Gian năm nào là ví dụ. Tiền có, mà cuối cùng không có tư vấn nên đã làm sai luật, phá hoại di sản

Một nhà nghiên cứu giấu tên
 Tất cả đều là lim Sơn Động, Bắc Giang, có đường kính khoảng 25 cm. “Trước hiện tượng xuống cấp này, em xin các bác cho em bài thuốc chữa để em khắc phục vì khoảng 2 tháng nữa, sau khi xây xong nhà thì 27 cột lim, trong đó có 5 cột ruỗng của từ đường sẽ lại được dựng trả lại vị trí cũ”, anh khẩn khoản. Anh Cường cũng đề nghị các thành viên khác trong nhóm chỉ giúp nơi bán đế chân cột đá xanh cánh hoa sen để làm trụ đỡ cho số chân cột nhà.
Dân phải tự tìm
Trong câu chuyện nhà từ đường của anh Cường, sự lúng túng trong tu bổ dù sao cũng chỉ trong phạm vi gia đình, hay cùng lắm là của dòng họ. Còn có những lúng túng lớn hơn, thành chuyện của cả làng, cả nước. Đối diện với một kiến trúc cổ, một di tích xuống cấp, các cộng đồng địa phương thực sự bối rối. “Nhiều người vẫn cho rằng đầu tiên là tiền đâu. Nhưng không phải thế. Có những nơi, cộng đồng có thể tự quyên góp tiền mà việc vẫn không trôi. Họ không biết làm thế nào để ra một phương án tu bổ hợp lý, hợp pháp”, một nhà nghiên cứu chia sẻ.
Một trong những trường hợp như vậy là ngôi đình 300 tuổi của thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Hiện di tích cấp thành phố này đang trong tình trạng xuống cấp, phải chống đỡ bằng đủ loại xà cột. Ông Kiều Văn Dị, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Triều Đông cho biết do đây là di tích đã được xếp hạng nên người dân sẽ không được tự ý tu sửa dù đã có nguồn tiền xã hội hóa. Ông cũng cho biết đã thuê đơn vị đưa ra phương án, xin phép 10 năm nay rồi mà chưa được sửa. Tiền dân làng ủng hộ do đó cứ trích dần hằng năm ra để chống, sửa kiểu hỏng chỗ này vá chỗ kia. Nguy cơ sập ngày càng rõ.
“Sở VH-TT-DL đề nghị UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo các phòng chuyên môn đưa vào kế hoạch đầu tư, chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn của thị xã và huy động các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ di tích, trước mắt là chống đỡ, gia cố tạm thời để ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ”, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội chỉ đạo. Chống sập chỉ là chuyện tạm thời, còn quan trọng nhất vẫn phải có một phương án sửa chữa cụ thể được cơ quan chuyên môn thông qua nhanh.
“Các kiến trúc cổ là di sản văn hóa. Vì thế khi cần trùng tu cũng đừng mong nhanh quá mà phải có nghiên cứu”, GS Trần Lâm Biền nói. Cũng theo ông, giờ đây, các kiến trúc cổ đang chịu một sức ép lớn từ nhu cầu thờ cúng của người dân. Họ chỉ muốn sửa rất nhanh để có nơi thực hành các nghi lễ tâm linh. Họ cũng muốn kiến trúc mới to lớn hơn, đẹp đẽ hơn trong khi nhiều người không hiểu về kiến trúc cổ và các giá trị của chính kiến trúc được sửa. Điều này theo ông khiến “nhanh chóng dễ đi đến phá hoại, làm mất bản sắc”.
Chính vì thế, theo GS Biền, người dân cần tìm đến các cơ quan có chuyên môn. Bản thân các nhà quản lý cũng vậy. Trong trường hợp của ngôi từ đường ở Bắc Giang, các thành viên của nhóm Đình làng Việt đã hướng dẫn anh Cường tìm đến Viện Bảo tồn di tích. Đây là Viện đã thực hiện việc trùng tu đình Chu Quyến - một trường hợp trùng tu kiểu mẫu. Trong ngôi đình này cũng có những cột lim đã tiêu tâm, sau trùng tu trở nên vững chắc mà vẫn giữ được yếu tố gốc. Bản thân KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng cũng nhiều lần cho biết Viện ông sẵn sàng tư vấn cho người dân cách thức trùng tu di tích khi được hỏi.
“Hỏi thăm đường” sửa chữa di tích
Một yêu cầu khác của việc trùng tu là tốc độ, để chạy đua cho kịp với thời gian và “sức khỏe” của các ngôi đình, chùa chờ sập. Về điều này, GS Biền cho biết nhất nhất cần theo luật. Nhưng người dân cần phải biết đường để tránh đi đường vòng. “Địa phương luôn có bộ phận quản lý di tích. Từ huyện rồi đến Sở, phải đi đúng chỗ như vậy. Và nếu cần thì có cả báo chí vào cuộc nữa”, GS Biền nói. Ông Biền cũng cho biết, mới đây khi một ngôi đình Hà Nội chờ sập mà chưa có danh hiệu gì, ông cùng người có liên quan cũng đã xuống tận nơi để xem xét. Đình này sau đó được đưa vào danh sách nhận danh hiệu, để có thể nhận những quyền lợi tương ứng, hỗ trợ nó khỏi sập. Đây là ví dụ nếu đi đúng đường, kêu đúng chỗ thì việc sẽ vận hành đúng. Theo ông, người dân cần hiểu luật và hiểu cơ quan nào có thể giúp gì cho họ.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu giấu tên cho rằng, ngành văn hóa rất nên có những đường dây nóng để người dân kêu cứu, hoặc “hỏi thăm đường” sửa chữa di tích. “Đừng để người ta có tiền trong tay mà không thể tự cứu di tích. Trường hợp chùa Trăm Gian năm nào là ví dụ. Tiền có, mà cuối cùng không có tư vấn nên đã làm sai luật, phá hoại di sản. May mà sau đó còn sửa sai được”, nhà nghiên cứu này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.