|
Là người đã tìm hiểu về mô hình taxi Uber trên thế giới, theo TS Lương Hoài Nam, đã kinh doanh phải đăng ký và đóng thuế.
Phân rõ loại hình
“Vấn đề các cơ quan quản lý coi đây là loại dịch vụ gì, căn cứ theo đó để quy định, hướng dẫn việc đăng ký và trách nhiệm thuế cho chủ xe và Uber”, ông Nam khuyến nghị. Vì Uber chỉ cung cấp nền tảng kết nối hành khách và chủ xe, Uber kinh doanh nền tảng công nghệ, chủ xe mới là người kinh doanh vận tải. Mỗi bên phải đăng ký và đóng phần thuế của mình.
Cũng theo ông Nam, không nên coi đây là dịch vụ taxi, mà là loại hình vận tải mới mà nhà nước cần có quy định riêng. Nếu áp quy định về taxi thì Uber dễ rơi vào thế “việt vị”, một ví dụ là lâu nay các khách sạn và công ty du lịch vẫn vận chuyển khách bằng xe con và thu tiền, nhưng không bị coi đó là taxi. “Để cạnh tranh bình đẳng và để Uber được tồn tại, nhà nước ra quy định và thu thuế, khi đó Uber có cạnh tranh được với taxi truyền thống hay không sẽ do thị trường và bản thân hai bên tự quyết định”, ông Nam nói.
Phải đảm bảo quyền lợi cho hành khách
Dưới góc độ tư vấn chính sách về giao thông cho Chính phủ, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho rằng, để hợp pháp hóa cho mô hình taxi Uber, bản thân Uber cần đăng ký kinh doanh tại VN, do doanh nghiệp (DN) này có doanh thu phát sinh tại VN (Uber hiện ăn chia theo tỷ lệ 20% - 80% với chủ xe tham gia - PV). “Trang web của Uber bằng tiếng Việt vẫn ghi là thực hiện theo pháp luật Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để giải quyết tranh chấp giữa Uber với những người mua bán dịch vụ thông qua Uber. Đại diện của Uber cần thực hiện đăng ký kinh doanh để hoạt động theo đúng pháp luật VN và được các cơ quan pháp luật của VN bảo vệ quyền lợi cho chính người kinh doanh và khách hàng của họ”, ông Hùng nói.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đã giao cho Vụ Vận tải chủ trì nghiên cứu để bổ sung khuôn khổ pháp lý cho loại hình taxi Uber, trong đó có việc liên hệ với Uber để làm rõ các vấn đề cần giải quyết.
Còn theo ông Hùng, quy định luật pháp hiện nay khá đầy đủ để có thể cung ứng dịch vụ thông qua Uber. Không chỉ Uber, các DN kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải theo các phần mềm khác cũng có thể đăng ký kinh doanh để hoạt động hợp pháp.
Về bản chất, Uber chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm, mà không xác định trách nhiệm cũng như sự an toàn của dịch vụ vận tải, mà người cung cấp dịch vụ (các chủ xe) liên kết với Uber phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, theo ông Hùng, những lái xe sử dụng phần mềm Uber phải đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 86. Những đơn vị vận tải khách hiện nay cũng hoàn toàn có thể bán dịch vụ qua Uber trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Đặc biệt, các lái xe hay DN vận tải tham gia Uber phải đăng ký đảm bảo các quy định cần thiết về an toàn giao thông cho lái xe, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm cho hành khách…
Có thể kiểm soát được thuế taxi Uber?
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục Thuế thừa nhận đây là loại hình dịch vụ mới thông qua các giao dịch điện tử chưa có tại VN. Tuy nhiên, theo lãnh đạo này, qua tìm hiểu của Ban Cải cách hiện đại hóa ngành thuế cho thấy đã có hàng chục quốc gia chấp thuận cho triển khai. Mô hình quản lý thuế sẽ được học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này, đặc biệt của Mỹ. “Về cơ bản, taxi Uber được hoạt động thông qua thương mại điện tử, nên việc quản lý thuế sẽ thông qua các quy định của luật giao dịch điện tử, thu thuế thông qua các hoạt động phát sinh từ dịch vụ này. Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có phản hồi sớm trong thời gian tới”, vị lãnh đạo này cho biết.
Trong khi đó, theo một cán bộ phụ trách trực tiếp việc quản lý thuế thương mại điện tử, để quản lý được đầy đủ, chính xác và tránh thất thu thuế cũng không hề đơn giản. Bởi hiện nay hoạt động thương mại điện tử là lĩnh vực còn rất mới mẻ tại VN, chưa có những quy định, hướng dẫn đầy đủ. Về dịch vụ này, hướng nghiên cứu của ngành thuế sẽ tập trung kiểm soát các giao dịch thông qua ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thẻ khi mà khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa, Master. Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ sẽ có chứng từ giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử để kê khai chi phí được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hằng năm khi quyết toán.
Tại nhiều quốc gia, việc triển khai taxi Uber không nhất thiết do công ty trong nước triển khai mà do nhiều tập đoàn, công ty lớn nằm ngoài phạm vi quốc gia đó thực hiện. Trong trường hợp này, nếu VN có quy định cho phép triển khai, theo Tổng cục Thuế vẫn hoàn toàn có thể quản lý được thông qua các hiệp định thuế giữa các quốc gia, thông qua việc áp dụng thuế nhà thầu đối với từng đơn vị.
Sức ép cho taxi truyền thống Theo nhiều chuyên gia, việc tạo cho Uber con đường sống hợp pháp sẽ là sức ép rất lớn để các DN taxi truyền thống phải đổi mới, cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn. TS Lương Hoài Nam nói: “Các hãng taxi sẽ phải tính tới ứng dụng công nghệ mạnh hơn để mang lại một số tiện ích mà Uber đang vượt trội trong việc đặt xe, thanh toán cước, phản hồi về chất lượng xe và lái xe, tìm kiếm hành lý bỏ quên...”, TS Nam nói. M.Hà Không phản đối nếu đăng ký kinh doanh và đóng thuế Tôi không phản đối Uber nếu Uber có đăng ký kinh doanh taxi và đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, được cấp phép hoạt động hợp pháp tại VN. Mai Linh cũng đang nghiên cứu chuẩn bị áp dụng công nghệ quản lý còn tốt hơn cả Uber, và hoàn toàn sử dụng công nghệ trong nước, tiện lợi hơn Uber như phần mềm chấp nhận thanh toán không chỉ qua thẻ Visa, mà còn qua cả thẻ Master Cart, ATM, thẻ Mai Linh... Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Mai Linh Đình Mười (ghi) |
Mai Hà - Anh Vũ
>> Có 45 quốc gia cho phép dùng taxi Uber
>> Bộ trưởng Thăng: Uber nếu có lợi cho dân thì cần được hợp pháp hóa
>> Bộ GTVT khẳng định Uber vi phạm luật
>> Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị 'siết' quản lý taxi Uber
>> Uber bị 'siết' trên thị trường toàn cầu
>> Ngày đầu ra quân xử phạt taxi Uber: Tài xế không biết mình vi phạm
Bình luận (0)