Mộ gió - Truyện ngắn của Du Quang

17/07/2016 14:00 GMT+7

Cái tin thằng Dí chết đuối khiến tôi bàng hoàng. Vứt cái xe đạp bị đứt xích giữa đường, tôi lao về hướng dòng sông.

Gần đến nơi đã thấy một đám đông xúm xít kêu gào, toàn thân tôi rụng rời không nhớ nổi làm cách nào để lết đến bờ sông. Rẽ đám đông, tôi cứ sợ sẽ nhìn thấy Dí nằm sõng soài ở đó. Nhưng không, dòng sông sau cơn lũ như con thú hoang kiệt sức bã bời từng con sóng. Không thấy Dí của tôi, chỉ thấy những ánh mắt đau đớn kiếm tìm trên dòng sông vô vọng. Vài chiếc thuyền thận trọng bơi ra giữa dòng tìm kiếm. Bỗng tiếng khóc thất thanh của mẹ thằng Dí từ phía xa khiến mọi người đều quay lại. Ai cũng ra sức ngăn cản không cho người đàn bà tội nghiệp ấy lại gần. Nghe nói người chết đuối thường hộc máu tươi mỗi khi người nhà đến. Mà một khi đã hộc máu là tài thánh cũng không thể nào cứu sống. Nhưng lại có người bảo suốt cả tiếng đồng hồ không thấy ngoi lên thì sống thế nào được... Riêng tôi không tin Dí chết, chỉ cần không thấy xác nó tức là vẫn còn hy vọng.
Thằng Dí không cha. Nói đúng hơn là cha nó từng làm nghề đánh cá, nương theo khúc sông này mà kiếm kế sinh nhai. Nhưng khúc sông phù sa thì nhiều, tôm cá thì ít ỏi. Thành ra ông chán sông, chán luôn cuộc sống bấp bênh chỉ biết thụ động chờ vào lộc của trời. Một hôm chờ mãi không thấy chồng về, mẹ Dí ra sông tìm chỉ thấy chỗ ngồi nhẵn thín và mấy cái vó vứt lại không người cất. Nghe nói ông theo tàu chở gỗ đi lên mạn ngược xin một chân khai thác rừng. Đấy là đồn đoán thế chứ cũng chẳng ai nhìn thấy tận mắt bao giờ. Cũng có thể dòng sông đã ôm ông ấy vào lòng rồi cuốn trôi đến một nơi xa lắc. Từ đó không ai trong làng còn nhìn thấy cha thằng Dí. Sau nhiều năm chờ đợi, mẹ Dí đã đắp một ngôi mộ gió cho chồng. Mộ nằm chênh vênh trên đê, hoa cỏ may đâm thủng trời chiều và quấn chân những người qua lại. Sau này có vài lần tôi bắt gặp Dí ra ngồi tựa đầu vào mộ. Như thèm sự chở che, an ủi của một người cha đã vắng bóng ngay từ lúc nó vừa mới lọt lòng. Nên tôi biết trong sâu thẳm tâm hồn Dí là nỗi cô đơn trống vắng...
Lúc nhỏ, dân làng đã quen với cảnh hai mẹ con thằng Dí nheo nhóc nuôi nhau. Lúc Dí còn bé, chiều chiều người đàn bà tiều tụy ấy hay bế nó đi gửi ở mấy nhà hàng xóm. Rồi bà đi buôn sắt vụn, gò lưng đạp chiếc xe cà tàng kêu lòng xọc. Nhiều hôm người ta thấy bà mong manh như một con bù nhìn bằng rơm hay vải vụn đang cố gắng chống chọi trên con đường ngược gió. Thằng Dí lớn lên bằng sữa của cả chục người đàn bà nuôi con nhỏ trong làng. Không sữa thì nước cơm pha đường, thằng Dí ăn thun thún. Người lớn kể Dí là đứa trẻ hiểu chuyện từ nhỏ, không bao giờ quấy khóc mè nheo.
Lớn lên, Dí là đứa trẻ ngoan. Mẹ quanh năm ốm yếu, nên từ lúc mười tuổi Dí đã quen sông nước, thạo bơi lội kiếm kế sinh nhai. Tôi từng đứng trên bờ nhìn nó lặn ngụp như một con rái cá. Khối lần nó giả vờ chết đuối để trêu tôi. Thấy nó lặn xuống mà chờ mãi không thấy nổi lên, tôi đã chạy dọc bờ sông gào khóc cho đến khi mệt lử. Thì bỗng đâu nó nổi lên giữa dòng cười khanh khách, tay cầm một con cá giơ cao. Giỏ cá của Dí luôn nhiều hơn những người khác dù người nó bé tí, đen nhẻm. Người ta luôn thắc mắc không biết nó lấy sức đâu mà bơi khỏe vậy. Dí bảo “Sông như lòng mẹ vậy. Có mệt mỏi gì đâu, chỉ là vui chơi cùng tôm cá thôi mà!”. Nên tôi không tin lòng mẹ lại mang Dí đi vĩnh viễn. Chắc là Dí chỉ trêu chọc tôi thôi, nhưng lần này thì nó đùa dai quá. Từng có thời gian dài tôi lang thang bên bờ sông sau giờ học, thèm được thấy nó bất ngờ nổi lên giữa dòng cười khanh khách. Nhưng không, tiếng cười đó chỉ vang vọng trong thẳm sâu ký ức như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Mà đôi khi tôi không phân biệt được ranh giới giữa hiện thực và ký ức. Nhiều đêm trăng tôi bị cơn mộng du kéo tuột ra sông. Dưới ánh trăng mờ ảo tôi tưởng như đã nhìn thấy Dí đang vùng vẫy giữa sông. Dí trong ảo ảnh trước mắt tôi vẫn luôn là thằng Dí mười bốn tuổi đen nhẻm với hàm răng trắng bóc. Nó cứ bơi, bơi mãi cho đến khi có một bàn tay nào đó đặt lên vai tôi lắc mạnh. Cơn ảo ảnh vỡ vụn, dòng sông lặng ngắt. Bố bảo tôi “về nhà thôi con”.
Mộ thằng Dí xanh rì cỏ, được chôn ngay trên bờ đê gần mộ cha nó. Hai ngôi mộ nằm chênh vênh đón gió thổi từ sông bốn mùa tanh nồng vị phù sa. Mộ không có xương thịt, nhốt gió bên trong cỏ mọc bên ngoài. Dù chỉ là mộ gió nhưng nghĩ Dí chết thiêng nên dân làng thường thắp hương khấn vái nó mỗi khi ra sông bắt cá. Dân làng thi nhau thêu dệt những câu chuyện ma quái. Rằng hằng đêm vẫn thấy Dí chui ra từ mộ rồi chạy vù xuống lặn ngụp dưới sông. Biết vì sao thằng Khải đang bơi lại bị chuột rút mà chết đuối không? Vì hôm nọ uống rượu say nó vạch quần tè ngay mộ Dí. Không tin à? Thì ra đó mà xem, cỏ chết một vệt dài loằng ngoằng vắt ngang qua mộ. Thằng Dí chết trẻ thiêng lắm mấy ông nhé, mơ thấy nó lần nào là trúng lô đề lần đó. Đi cất cá mà không qua mộ nó thắp hương thì cá lặn mất tăm. Cất vó cả ngày mà một vài con tôm cũng không thấy có. Biết sao bao năm nay mưa to, nước đầu nguồn đổ về mà làng mình vẫn không bị lụt? Nhờ thằng Dí cả đấy. Nó lớn lên nhờ sữa và vòng tay bao bọc của làng nên khi chết đi nó cũng vì làng mà bảo vệ. Nói rồi ai cũng thở dài thương, ờ thì... chỉ có mẹ thằng Dí là đau. Một nỗi đau câm lặng.
Từ khi thằng Dí mất, người mẹ khốn khổ ấy không nói một câu. Nỗi đau gói trong những tiếng ú ớ nghẹn ứ nơi cuống họng. Có những ngày dài bà ra sông ngồi bất động. Lưng bà gù xuống, nặng trĩu phận người. Hai người thân yêu nhất của bà đã biến mất giữa dòng sông không một lời từ biệt. Không cả nắm trong tay ngay cả phần thịt xương hiện hữu. Ba năm sau thì người mẹ gieo mình xuống sông mà chết. Người ta cũng không tìm thấy xác của bà. Ngôi mộ gió thứ ba được đắp lên. Nằm cạnh nhau tựa như sự sum vầy mang hình hài của gió.
* * *
Tôi thi đỗ đại học, từ biệt quê hương xuống phố. Trước hôm đi còn ra sông vục từng vốc nước mặn mòi và tanh nồng mùi phù sa lên mặt. Tôi vẫn tin là Dí còn sống, nó nhất định sẽ trở về. Chỉ có điều tôi phải đi, không thể cứ mãi quanh quẩn con sông quê chờ đợi. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ lẫn lộn mùi phố, tiếng phố tôi vẫn mơ thấy Dí. Nó cười khanh khách trêu tôi “Con trai gì mà sợ nước chứ. Thử xem con trai cả làng này có ai không biết bơi giống mày không?”. Tôi cười khì khì, cười xong thì tỉnh giấc. Đã gần mười năm trôi qua, nếu còn sống không biết Dí sẽ thế nào? Có người nghe thấy vậy thì cười bảo “Điên à? Chết cá rỉa mất xác rồi còn sống thế nào được mà mong”. Nhưng ở đời thiếu gì những điều kỳ diệu. Biết đâu Dí đã lặn một hơi thật sâu và lém lỉnh biến mất trước mắt dân làng giữa ngổn ngang bão lũ.
Rồi cuộc sống cứ cuốn tôi đi. Ra trường đi làm trong một công ty lớn, tôi quay cuồng mưu sinh đến mức chỉ thỉnh thoảng mới có thời gian nghĩ về Dí. Một hôm đang ngồi uống nước với đồng nghiệp, tôi bỗng chú ý đến người đàn ông ăn mặc sang trọng bước xuống từ chiếc xe hơi đắt tiền. Khẽ rùng mình khi thấy người đàn ông đó có nhiều nét rất quen. Hình như Dí, đúng là Dí! Chỗ tôi ngồi chỉ cách người đàn ông ấy một tấm cửa kính, không lẽ lại nhìn lầm. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, buông cốc nước, tôi lao ra ngoài bằng vận tốc của gió.
- Có phải Dí đấy không? Dí à...
Người đàn ông ngẩng lên, thoáng chút sững sờ rồi gật đầu hỏi giọng thản nhiên:
- Cò à. Khỏe không mày?
Mất mấy phút đầu tôi gần như không nói được gì, ngôn từ lúng búng trong miệng. Sau đó tuôn một tràng dài đến kiệt cả sức mà chính tôi cũng không nhớ mình vừa hỏi Dí những gì. Chỉ nghe thấy Dí cười khà khà, tặc lưỡi bảo:
- Hồi đó tao bị nước cuốn, cố gắng chống chọi cho đến khi kiệt sức thì đã đến gần ngã ba sông. Tao được một con tàu khai thác cát cứu mạng. Tao bị mất trí nhớ một thời gian dài.
- Thế sau này phục hồi trí nhớ sao mày không tìm về quê?
- Về làm quái gì. Nghe nói mẹ tao đã chết. Quê hương toàn là ký ức buồn khổ. Tao muốn quên béng nó cho xong.
Vừa nói chuyện Dí vừa ngước nhìn về phía một đám người trong quán đang réo gọi. Tôi như người đuối sức, hắt ra những tiếng cuối cùng:
- Thì về thắp cho mẹ mày một nén hương, về để...
Tôi mới nói đến đó thì Dí đã bật cười:
- Hương khói làm gì, chết là hết. Chủ tàu thương nên nhận tao làm con nuôi, sống đủ đầy. Nói thật, tao chả còn thời gian mà tiếc nuối ký ức. Thôi nhé, tao phải vào vui cùng các chiến hữu đây.
Dí đi. Tôi đứng ngơ ngác với đống ngôn từ còn lúng búng như sỏi trong cuống họng. May mà còn chưa kịp bảo với Dí “... về để gặp lại thằng bạn nối khố này, để tao khỏi trông mong mày mấy chục năm qua”. Nếu nói ra chắc Dí sẽ lại cười, như thể tôi là một kẻ dở hơi. Vào chính giây phút này, khi Dí đã ở bên trong vui vẻ với bạn bè, tôi lại đứng chôn chân nghĩ về ba ngôi mộ gió...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.