Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng - Kỳ 3: Ai giám sát đội ngũ công vụ?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
07/05/2020 10:17 GMT+7

Bên cạnh nhiều mặt tích cực, mô hình chính quyền đô thị cũng đặt ra nhiều thách thức cho Đà Nẵng .

HĐND thành phố phải có “cánh tay nối dài”

Cuối năm 2019, tại hội thảo thu thập ý kiến về các mô hình chính quyền đô thị, Phó viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) Nguyễn Huyền Hạnh cho rằng, mô hình cấp quận, phường chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước kế thừa được những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường mà Đà Nẵng đã từng thí điểm trong giai đoạn từ 2009 - 2016.

Tại hội thảo này, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng cho rằng, cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị một cách hoàn chỉnh sau đó có phân từng giai đoạn cho phù hợp.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho rằng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng cần đổi mới phương thức hoạt động của HĐND cấp thành phố

Ảnh: Hoàng Sơn

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Ngữ nói: “Trước mắt trong giai đoạn này để phù hợp với cơ chế hiện hành thì cho thí điểm chỉ tổ chức một cơ quan quyền lực ở địa phương có HĐND ở cấp TP. Còn quận, phường chỉ là cấp hành chính. Việc này TP đã có bài học kinh nghiệm rồi”.
“Vấn đề này khi lặp lại cần bổ sung, điều chỉnh những thiếu sót từ lần trước (tức 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường – PV). Đó là, sự phân cấp phải rõ ràng hơn kể cả T.Ư với TP và giữa TP với quận, phường. Nhiệm vụ quyền hạn từng cấp phải rõ ràng nhất là HĐND phải có thực quyền, quyết định được nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển địa phương, bảo đảm dân chủ và đời sống của cộng đồng dân cư của địa phương”.
Theo ông Ngữ, Đà Nẵng cần phải đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP. Các chủ trương lớn, các chính sách vượt trội, các nhiệm vụ do T.Ư phân cấp đều lấy ý kiến của nhân dân.
“Các giải pháp cho vấn đề này là tăng thẩm quyền, tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để đại diện từng khu vực dân cư. Có cơ chế tiếp thu phản hồi và giải quyết các phản ảnh của nhân dân theo thẩm quyền...”, ông Ngữ nói thêm.

Ngành chức năng TP.Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để ghi nhận ý kiến đóng góp việc xây dựng chính quyền đô thị

Ảnh: Hoàng Sơn

Cũng theo ông Ngữ, đối với bộ máy tổ chức khi không còn HĐND quận, phường thì các cơ quan hành chính thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực xuyên suốt, có cơ chế liên ngành, phối hợp để nâng cao tính hiệu quả.
Cấp phường không còn người không chuyên trách mà thống nhất thực hiện theo tên gọi Luật Công chức. Các tổ chức sự nghiệp đẩy mạnh khả năng tự chủ theo quy định…
Ông Phan Thanh Long, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng nhấn mạnh: “Về tổ chức, vai trò, thẩm quyền quyết định và giám sát của HĐND TP sẽ được triển khai phù hợp, nhất là tổ đại biểu tại các quận, để làm sao HĐND TP có “cánh tay nối dài” thực hiện hiệu quả việc giám sát và là cơ quan đại diện cho cử tri tại các quận, các phường; về số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách… Đây là vấn đề đặt ra cho HĐND TP khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026”.

Phải có phương thức mới giám sát cán bộ

Theo ông Long, khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải hình thành phương pháp làm việc khoa học, hiện đại, chủ động, sáng tạo hơn.
“Việc giám sát, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ phải có phương thức mới, thông qua phương tiện, hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố thông minh. Phải có cơ chế giám sát phù hợp và thật sự hiệu quả để trả lời cho được câu hỏi không có HĐND quận, phường thì ai trực tiếp giám sát hoạt động của UBND”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trước đây, TP thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, nhưng lần này là thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, điều đó có nghĩa, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường cũng phải khác trước đây, kể cả các cơ quan chuyên môn là các sở, ngành thuộc UBND TP. Cụ thể, theo ông Long, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường sẽ được tăng thêm.

Đà Nẵng đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường mang lại nhiều chuyển biển tích cực

Ảnh: Hoàng Sơn

Bên cạnh đó, việc phát huy chức năng, vai trò, cơ chế giám sát của Ủy ban MTTQ quận, phường khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng là một một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, khoa học.

Ngoài ra, một vấn đề cần được quan tâm khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị đó là việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với số cán bộ dôi dư. Được biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 250 đại biểu HĐND cấp quận và khoảng 1.000 đại biểu HĐND cấp phường.

Theo HĐND TP.Đà Nẵng, hiện nay, Chính phủ đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng”.

“Tôi cho rằng tên gọi như vậy là phù hợp với nội dung, phạm vi của Nghị quyết. Theo kế hoạch Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2020”, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng Phan Thanh Long thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.