Tự động phát
Sau khi trải qua nhiều ngành nghề khác nhau như nhân viên tiếp thị, giao hàng, thậm chí công nhân xưởng máy, anh Phúc Đức (Q.4, TP.HCM) tự hỏi niềm đam mê thật sự của mình là gì. Đến một ngày ngồi buồn, anh nghĩ phải làm gì đó thật khác biệt, nhưng phải đúng sở thích của mình mới làm, còn nếu làm trái ngành trái nghề thì nhất quyết không làm. Lúc này, anh nhớ ra món quà hồi lớp 6 được ba tặng, đó là một mô hình ngôi nhà bằng gỗ thông. Mặc dù món quà mộc mạc nhưng có ý nghĩa lớn với anh.
|
Anh nảy ra ý tưởng, tại sao không làm các mẫu mô hình này rồi thương mại lên. Anh lên mạng nghiên cứu, xem những bài hướng dẫn về mô hình, sau đó mua đồ đạc về cắt cưa rồi đăng lên Fanpage riêng.
“Lúc đầu các mô hình cũng không đẹp lắm, thậm chí xấu hoắc”, anh tự nhận xét. Nhưng càng làm thì càng đẹp lên. Một thời gian ngắn sau, bạn bè mới hỏi, “mẫu này làm có bán không bạn?” anh mới nghĩ sẽ làm để thương mại luôn chứ không thể làm chơi hoài. Thế rồi anh quyết định nghỉ việc và ở nhà tập trung làm mô hình từ năm 2014, sau 3 năm tự mở công ty khởi nghiệp với số vốn chỉ vài triệu đồng.
“Cha đẻ” loạt mô hình lắp ráp sáng tạo
Những mẫu mô hình tái hiện một Sài Gòn dung dị, gần gũi như các tiệm tạp hóa tuổi thơ, tiệm vịt quay hay xe bánh mì dân giã; những căn chung cư cũ với nếp sinh hoạt cộng đồng thân thuộc hay mới đây là bộ sưu tập mô hình miền Tây thu nhỏ… tất cả hiện lên đầy sinh động, ấn tượng và bắt mắt. Tuy nhiên, ông chủ của dự án mô hình thu nhỏ này lại cho biết chưa từng học qua lớp mỹ thuật hay kiến trúc nào, thậm chí vẽ cũng không đẹp.
Anh chỉ tự nhận mình cực kì mê lắp ráp mô hình: “Khi ráp mô hình, Đức mê lắm nên làm hoài luôn”.
|
Để có ngày hôm nay, ông chủ thế giới mô hình thu nhỏ cũng phải có cả một quá trình rèn luyện, giờ kĩ năng đã thành thục đến độ trước một ý tưởng mới, anh lập tức triển khai thành sản phẩm thu nhỏ như hình ảnh thực tế chứ không cần mày mò, vặn óc suy nghĩ như xưa.
|
Thời điểm bắt đầu sáng tạo mô hình là năm 2014, lúc đó các nội dung trên Internet chưa được phát triển như bây giờ nên anh Đức gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Anh chủ yếu xem các mẫu xa bàn của Đức để học tập. Họ có những mô hình tàu xe lửa, mặc dù không liên quan đến nội dung đang làm nhưng bản thân anh học được nhiều điều.
“Họ vượt qua nhiều rào cản, không nhất thiết phải chất liệu đó, không nhất thiết màu đó hoặc áp dụng công thức máy móc nào cả, trong nhà có gì đều có thể trở thành vật dụng để làm mô hình”, anh nói. "Khi hình thành tư duy 'nghĩ ngược lại và làm khác đi', mình không phải quá phụ thuộc vào nguyên vật liệu đó, miễn làm sao khi làm ra mình làm nó giống thật là được".
Bí quyết để “thế giới tí hon” tồn tại
Ngày xưa anh làm vì đam mê, anh có thể dành nguyên một ngày để lắp ráp một mẫu mô hình nào đó cho khách. Hết mẫu này qua mẫu khác, ngày qua ngày đều như vậy đến độ anh bị “stress”.
Anh tự hỏi bản thân: “Một ngày có 8 tiếng, giỏi lắm cũng chỉ ráp được một mẫu, đi giao cho khách luôn cũng có chi phí đó nhưng đâu có đủ để nuôi sống bản thân. Nếu một ngày muốn làm 5 mẫu thì sao? Thì phải đi thuê người, nhưng thuê người thì chưa chắc đã làm giống mình, ai mà đủ cần cù, đam mê với nghề này như mình để làm?”.
Trong một lần mua được một mô hình của Nhật Bản, mở ra bên trong thấy có tờ hướng dẫn nhưng chỉ vẽ hình đen trắng. Mặc dù là người chơi có kinh nghiệm nhưng anh vẫn gặp nhiều khó khăn khi lắp ráp mô hình này. “Vấn đề của người chơi Việt là phải rõ ràng, dễ hiểu. Mình lấy bản thân mình ra trước làm ví dụ, tờ hướng dẫn phải có màu sắc, phải chụp hình cụ thể, thậm chí giống như cầm tay chỉ việc, cách làm bước 1, 2, 3, 4…”, anh phân tích.
Ông chủ mô hình thu nhỏ nói chuyện này với Linh, một người bạn là “dân” thiết kế đi cùng từ những ngày đầu khởi nghiệp. Linh thích vẽ và có năng khiếu chụp hình. Khi tạo ra tờ hướng dẫn, anh đã nghĩ chắc trong bụng: vấn đề của mình đã được giải quyết rồi. Sản phẩm tung ra thị trường lập tức khiến người chơi Việt thích thú, từ đây dự án khởi nghiệp của cựu nhân viên giao hàng như có được cú hích mạnh để phát triển.
|
"Mình bán được một sản phẩm thì bình thường. Còn mình bán làm sao để người ta về chơi, lắp ráp ra được một thành phẩm là một câu chuyện khác. Không quan trọng là bán số lượng bao nhiêu, quan trọng là những người khách họ phản hồi cho mình những sản phẩm lắp ráp thành công thì bản thân mình vô cùng vui sướng. Đó là điều mà Đức làm được trong 4 năm nay để dự án thế giới thu nhỏ có thể tồn tại được đến tận bây giờ", ông chủ trẻ tuổi tâm niệm.
Khi được hỏi thú chơi này thuộc dòng bình dân hay cao cấp, ông chủ chia sẻ: “Khi người chơi đã có một sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực này rồi thì họ sẽ thấy đây là một thú chơi bình dân. Bình dân cho Đức tự định giá, nếu bạn cũng mua dòng này ở Đức hoặc Thái thì giá rất cao. Tuy nhỏ như vậy nhưng quy trình sản xuất các đồ đạc bên trong như đồ thật. Đôi khi nhiều người lầm tưởng hỏi, thấy cái này nhỏ xíu mà sao bán 300 - 400 dữ vậy? Nhưng họ chưa hiểu quá trình sản xuất bên trong tốn kém thế nào. Nếu so sánh đúng dòng này với Thái Lan, nếu muốn chạm tới thì cỡ khoảng 1,5 triệu; còn của Nhật Bản cỡ 2 - 3 triệu là bình thường”.
Bỏ ngang việc, bán xe máy khởi nghiệp
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông chủ trẻ không khỏi bồi hồi khi quyết định nghỉ việc và cầm số tiền lương cuối cùng chưa đầy 5 triệu để bắt đầu con đường mới. Anh đi mua đồ về để làm nhưng mọi thứ không được như ý muốn.
"Mua máy cưa về nhưng mình cũng không phải thợ mộc, mở máy cưa è è cả xóm chửi cho te tua, gỗ bay bụi tùm lum... Thất bại rồi lấy xe của mình đi bán luôn. Lúc đó mình thấy mình không thông minh lắm, bán xe rồi lấy cái gì chạy đi chạy lại mua hàng, giống như chặt mất cái chân rồi nhưng không có sự lựa chọn khác”, anh kể.
|
Bán chiếc xe được gần cả chục triệu đó để đầu tư, anh không mua máy móc nữa mà để tiền nhập những sản phẩm tương tự của nước ngoài về bán lấy tiền tiếp tục nuôi dự án đang sản xuất. Khi bán chiếc xe rồi cũng chưa thành công, hàng làm ra chất đầy ở nhà nước ngập lên cái ướt hết đồ... Khi làm xong hết rồi, bài toán đặt ra là mình làm ông thợ thì không được.
“Ông thợ thì tối ngày ngồi nghiên cứu, làm sao phải tiếp cận được khách hàng, lại một lần nữa phải đi học”, anh nói. “Thế giới tí hon muốn phát triển hơn thì buộc mình phải học nhiều hơn nữa, chứ nếu cứ suy nghĩ như cũ thì mãi mãi chỉ ngồi một chỗ..."
|
Hai năm trước, anh tự đặt mục tiêu phải đưa sản phẩm phủ hết Việt Nam mình. Cuối cùng, chỉ vài tháng nữa, mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực. Bởi trước khi thực hiện tham vọng đưa sản phẩm ra khu vực và trên thế giới, anh muốn các mô hình thu nhỏ phục vụ tốt người dùng trong nước. Không lâu nữa, người dùng Hà Nội sẽ dễ dàng tìm mua các mô hình thu nhỏ tại hệ thống siêu thị, nhà sách lớn...
Đối với người nước ngoài, trước mắt anh sẽ phục vụ đối tượng là khách du lịch. Để đưa được sản phẩm ra nước ngoài, các các mặt hàng cần khá nhiều kiến thức và giấy tờ pháp lý, anh cũng đang tìm đối tác thiện chí, sản sàng hợp tác để sản phẩm Việt đến được bạn bè năm châu.
Bình luận (0)