Mô hình tiết kiệm tự nguyện của phụ nữ tại xã vùng cao Hồng Quảng (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) không chỉ tạo nguồn vốn giúp chị em phát triển kinh tế mà còn là nơi sinh hoạt về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.
Mô hình phụ nữ tiết kiệm xã Hồng Quảng giúp nhau có vốn chăn nuôi, trồng trọt - Ảnh: Tuyết Khoa |
Một dịp lên vùng núi A Lưới, chúng tôi được người dân nơi đây kể về mô hình tiết kiệm rất hiệu quả của phụ nữ xã Hồng Quảng, địa phương có đồng bào Pa Kô chiếm hơn 95%. Là xã vùng núi còn nhiều khó khăn, mô hình này có cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt, giúp chị em phụ nữ chủ động phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau. Chị Hồ Thị Xuyến (trú tại thôn 1, xã Hồng Quảng) cho biết: “Nhờ nguồn vốn của mô hình này, mình có tiền mua thêm con giống để nuôi, cây giống để trồng. Đến khi thu hoạch, mình lại trả cho hội để chị em khác vay. Việc tiết kiệm này rất hay, mỗi tháng đóng một ít nhưng đến khi cần lại có số tiền lớn để làm ăn”.
Mô hình được triển khai từ năm 2014 do Hội LHPN xã Hồng Quảng quản lý. Ban đầu chỉ có khoảng 20 hội viên và hiện tại ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia. Mỗi tháng một lần, hội viên đóng từ 50.000 - 250.000 đồng tùy điều kiện mỗi người. Mỗi con dấu tương ứng với 50.000 đồng. Một năm sau, hội viên sẽ được chia lại vốn và lãi tùy vào con dấu đã đóng được. Trong một năm đó, nguồn vốn sẽ cho các hội viên có nhu cầu vay vốn nhận theo hình thức xoay vốn liên tục với số tiền từ 1 - 3 triệu đồng/người. Để hỗ trợ nguồn vốn kịp thời và đúng mục đích, hội sẽ có bình xét mỗi khi cho vay. Sau 3 tháng, hội viên phải trả lại số tiền đã vay để chuyển cho chị em khác.
Theo chị Hồ Thị Tanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Quảng, việc tiết kiệm và cho vay đúng mục đích đem lại kết quả tốt khi nhiều chị em đã có khởi sắc trong việc cải thiện kinh tế gia đình. Đồng thời, nhiều chị em không may mắn bị mất mùa hay dịch bệnh trong chăn nuôi cũng được hỗ trợ, ưu tiên vay vốn kịp thời. Hiện nay, mô hình mới chỉ có ở hai thôn. Sắp tới, sẽ được mở rộng ra các thôn khác để chị em có nhu cầu tham gia.
Ngoài ra, mô hình còn là nơi chị em trao đổi kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi. Mỗi tháng, hội viên sinh hoạt một lần với các chủ đề cụ thể. Những lần sinh hoạt không chỉ để đóng tiền tiết kiệm mà còn được các ban ngành, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt, hội viên nào đau ốm, gặp khó khăn hoạn nạn cũng được động viên, giúp đỡ. Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Hồng Quảng cho biết: “Mô hình tiết kiệm được các chị em phụ nữ xây dựng hơn 2 năm nay. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả tốt trong việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi mà phụ nữ chủ động hơn trong kinh tế gia đình. Nhờ đó chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên”.
Bình luận (0)