Thu hút hơn 27.000 lượt người quan tâm chỉ sau 6 tháng thí điểm, mô hình Zalo An ninh tại quận 12, TP.HCM bước đầu đã tạo những dấu ấn nhất định đối với người dân, hỗ trợ mục tiêu "Kết nối Zalo - Vì Quận 12 bình yên, an toàn". Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Ngọc Nhứt, Phó Trưởng Công an quận 12 về vấn đề này.
“Sự hài lòng của người dân là trách nhiệm của chúng tôi”
Triển khai trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp nhất, mô hình Zalo An ninh đã hỗ trợ như thế nào cho Công an quận 12 trong giữ gìn ANTT, cải cách hành chính và các hoạt động dân sinh khác?
Thượng tá Trần Ngọc Nhứt: Trong năm 2021, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM và quận 12, người dân bị hạn chế đi lại, tụ tập, các hội nghị, họp tổ dân phố để thông tin, tuyên truyền về ANTT cũng như tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế. Tuy nhiên, nhờ có mô hình Zalo An ninh mà các công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANTT không bị gián đoạn, việc hỗ trợ người dân cũng thuận lợi hơn.
Thông qua Zalo, Công an quận đã tuyên truyền các phương thức hoạt động của tội phạm trong mùa dịch, cảnh báo phòng cháy, hỗ trợ cấp giấy đi đường, hướng dẫn người dân cách di chuyển đúng quy định. Đặc biệt, thời gian này hotline Zalo của công an quận luôn túc trực 24/7 để kịp thời đưa người dân đi cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc, nhận nhu yếu phẩm…
Đến đầu tháng 10.2021, khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, thông qua các trang Zalo của quận, phường chúng tôi đã nhanh chóng tái khởi động việc cấp, trả CCCD gắn chip. Người dân dễ dàng đăng ký làm CCCD hay tra cứu CCCD đã làm qua Zalo,... giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế tụ tập đông người. Qua đó, chúng tôi đã nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Vì sao Công an quận 12 lại lựa chọn Zalo là kênh để triển khai công tác tuyên truyền, đảm bảo ANTT trên toàn địa bàn quận nói riêng và chuyển đổi số nói chung, thưa bà?
Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự phổ biến của điện thoại thông minh cũng như các ứng dụng trên nền tảng internet thì chúng tôi xác định việc tăng hàm lượng công nghệ trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung và ngành Công an là xu hướng tất yếu để gần dân.
Chúng tôi lựa chọn Zalo là một trong những nền tảng chuyển đổi số của quận vì đây là ứng dụng nhiều người sử dụng nên thuận lợi hơn cho lực lượng công an trong tiếp cận người dân từ đó phổ biến pháp luật, nâng cao cảnh giác cho mọi người. So với những mô hình khác, sử dụng Zalo cách thức tuy đơn giản nhưng hiệu quả. Chẳng hạn, khi phản ánh ANTT, tội phạm, người dân có thể thông tin qua Zalo bằng nhiều hình thức như nhắn tin, gọi hoặc gửi ảnh, video…
Vì vậy, Công an quận đã khai thác triệt để các tính năng trên Zalo vào công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
Người dân, doanh nghiệp cũng như lực lượng công an được hưởng lợi ích gì từ mô hình Zalo An ninh này thưa bà?
Với người dân, khi cần trao đổi có thể sử dụng tính năng trò chuyện (chatbot) hoặc gọi đến hotline được tích hợp tại các trang Zalo. Ưu điểm là dễ dàng liên hệ trực tiếp với các đơn vị công an hoặc cảnh sát khu vực để phản ánh, cung cấp thông tin giúp công an truy xét, đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật. Đặc biệt các nội dung này sẽ luôn được bảo đảm bí mật nguồn tin nên người dân hoàn toàn yên tâm.
Ngoài ra, thông qua Zalo người dân cũng rút ngắn thời gian khi làm các thủ tục hành chính như cấp CCCD, khai báo tạm trú, tạm vắng, cấp số định danh, đăng ký xe,…
Về phía lực lượng công an, chúng tôi sẽ có thêm một kênh để tương tác, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT hiệu quả. Đặc biệt, gắn kết công an và người dân chung sức phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT.
Khi có tin báo của người dân qua Zalo về an ninh trật tự, an toàn giao thông, tố giác tội phạm,… cần bao nhiêu thời gian để công an quận tiếp nhận tin và xử lý?
Đối với tin báo về ANTT, người dân chỉ cần cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng (SĐT, hình ảnh, clip, nội dung vi phạm,…) đến các trang Zalo thì công an quận, phường sẽ được tiếp nhận xác minh và xử lý ngay.
Riêng đối với các tin báo tố giác tội phạm thì sẽ mất thời gian hơn một chút vì cần xử lý theo đúng quy định và phải có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Ngoài ra, để hạn chế việc báo tin giả, tin vu khống,… gây ảnh hưởng đến công tác của lực lượng Công an thì chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng gây rối.
“Gần dân để giữ vững ANTT tại từng phường, khu phố”
Vừa qua, Công an quận 12 và Zalo cũng đã ký kết chính thức triển khai mô hình Zalo An ninh. Sau lễ ký kết người dân có thể về kỳ vọng gì về sự phát triển của mô hình này?
Qua 6 tháng thí điểm và rút kinh nghiệm, trong thời gian tới mô hình Zalo An ninh của Công an Quận 12 sẽ chú trọng vào chiều sâu để phục vụ người dân tốt hơn ở 3 vai trò: Tương tác, tuyên truyền và tiết giảm thủ tục hành chính.
Với vai trò tương tác, hiện nay chúng tôi đã thiết lập 15 trang Zalo gồm: 4 trang cấp quận và 11 trang Zalo cấp phường. Các trang này giúp cho việc trao đổi giữa người dân và công an quận được thuận lợi và nhanh chóng nhất.
Với vai trò tuyên truyền, chúng tôi sẽ tăng cường số lượng các bài viết, video clip để phổ biến đến người dân những thông tin chính thống và trực tiếp.
Sắp tới chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều thủ tục thiết yếu như: Đăng ký tạm trú, thường trú, khai báo tạm vắng, điều chỉnh thay đổi sổ hộ khẩu, các thủ tục của lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đăng ký xe, đăng ký con dấu… lên Zalo. Người dân chỉ cần chiếc điện thoại có cài Ứng dụng Zalo là có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục này.
Ngoài trang Zalo của Công an quận thì các phường đều có trang Zalo riêng. Vai trò của các trang này như thế nào? Các phường triển khai hướng dẫn người dân tham gia vào mô hình này ra sao?
Chúng tôi xác định công an phường là lực lượng cơ sở, gần dân nhất, có khả năng nắm tình hình sát sao nhất. Họ cũng là “mắc xích” quan trọng kết nối người dân với chính quyền cấp xã, trực tiếp triển khai mọi chủ trương, chính sách đến người dân.
Vì vậy, để vai trò của lực lượng này được phát huy hiệu quả nhất các phường trong quận 12 rất quyết liệt chỉ đạo, vận động Đảng viên, Đoàn viên và người dân quan tâm tham gia, góp ý xây dựng trang Zalo tại địa bàn mình sinh sống.
Đặc biệt, cảnh sát khu vực, tổ trưởng khu phố, bộ phận tiếp dân,... cũng thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi, phổ biến những lợi ích của mô hình này và hướng dẫn người dân về Zalo. Một điểm thú vị là người dân sau khi biết về các trang Zalo, thấy được cái hay thì họ cũng tự chia sẻ cho người thân và bạn bè của mình cùng quan tâm.
Từ những kết quả khả quan trong quá trình triển khai thử nghiệm. Bà có kỳ vọng gì về mô hình Zalo An ninh trên địa bàn trong thời gian sắp tới?
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Zalo để tiếp tục cải thiện và cung cấp thêm tính năng mới cho các trang Zalo An ninh của đơn vị, tối ưu hóa các tiện ích 4.0, thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng, phản hồi về chất lượng hoạt động.
Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng lực lượng nhân sự ngày càng chính quy, hiện đại hơn để đáp ứng yêu cầu công tác được giao. Đặc biệt, sẽ chú trọng đẩy mạnh truyền thông để người dân biết đến các tính năng của các tài khoản Zalo này.
Với tất cả nỗ lực trên, chúng tôi kỳ vọng mô hình Zalo An ninh sẽ là cầu nối giúp lực lượng Công an quận, phường gắn kết chặt chẽ với người dân ngay từ cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Bình luận (0)