Mổ ở phòng khám tư xong thì nguy kịch, phải cấp cứu ở bệnh viện

Duy Tính
Duy Tính
25/01/2019 14:33 GMT+7

Phòng khám tư nhân cắt da thừa, u nhú hậu môn và truyền kháng sinh cho bệnh nhân nhưng lấy giá đến 30 triệu đồng. Sau đó bệnh nhân biến chứng nhiễm trùng nguy kịch phải nhập bệnh viện khác cấp cứu.

Ngày 25.1, bác sĩ Hoàng Anh Bắc, Phó Khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân T.B.N (nữ, 36 tuổi, Q.12) trong tình trạng nguy kịch sau phẫu thuật tại phòng khám tư nhân trên đường Thành Thái, Q.10.
Theo bác sĩ Bắc, lúc 12 giờ 30 ngày 24.1, bệnh nhân N. nhập viện trong tình trạng đau bụng, bụng trướng, khó thở, sốt. Kết quả khám, xét nghiệm cho thấy bạch cầu bệnh nhân tăng cao, huyết áp tụt, dấu hiệu nhiễm trùng và đe dọa sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể nghi do thủng đại tràng sau khi cắt u nhú và da dư vùng hậu môn bằng laser ngày thứ 4.
Sổ khám bệnh, toa thuốc bênh nhân cung cấp không rõ tên bác sĩ nào của phòng khám điều trị
Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện mổ cấp cứu. Kết quả mổ cho thấy bệnh nhân bị viêm phúc mạc toàn thể ổ bụng, nhiều dịch mủ, vỡ ổ áp xe. Các bác sĩ tiến hành làm sạch ổ bụng, ổ áp xe và làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân, chờ vết thương trực tràng lành sẽ đóng hậu môn lại.
Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định.
Theo bác sĩ Bắc, với tình trạng da dư, u nhú hậu môn như bệnh nhân trên thì cần tiểu phẫu hoặc dùng dao đốt, một ngày là xuất viện. Giá viện phí từ 3 - 5 triệu đồng. Còn đằng này phòng khám lạm dụng laser để đốt, không kiểm soát được tia laser nên có thể gây tổn thương.
Theo lời kể của bệnh nhân N., 4 ngày trước nhập viện, chị lên lên mạng tìm nơi chữa trị bệnh trĩ và thấy phòng khám K. là nơi được quảng cáo tốt lắm, tốt nhất bây giờ. Bệnh nhân được nhân viên phòng khám này tư vấn rất nhiệt tình và mời đến phòng khám thăm khám. Kết quả nội soi chẩn đoán chị bị da thừa hậu môn nên xử lý phẫu thuật bằng tia hồng ngoại với giá tiền… 25,8 triệu đồng.
“Họ nói tôi bị bệnh nặng lắm, bị sốt, nhiễm trùng máu, phải mổ đi. Tôi mệt nên bác sĩ nói gì tôi cũng ừ. Từ lúc khám đến lúc đè tôi ra gây tê và mổ là 45 phút. Họ mổ mà không thay quần áo cho tôi luôn!”, chị N. kể lại.
Cũng theo chị N., người mổ cho chị là một bác sĩ nói tiếng Việt.
Còn bà Nguyễn Thị Lý, mẹ bệnh nhân N., cho hay bà theo con đến phòng khám K. Trước khi đi bà khuyên con vào bệnh viện lớn mà làm nhưng N. không chịu. Con gái bà khám bệnh, xét nghiệm xong thì nội soi trực tràng.
“Bác sĩ gọi tôi vào phòng cho xem hình ảnh và nói bệnh con tôi rất nặng. Bị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng tiểu, trong trực tràng có u phải cắt, không cắt sẽ gây ung thư nên con tôi hoảng loạn quá nói bác sĩ cắt. Mặc dù tôi bảo con tôi suy nghĩ lại vào bệnh viện khác làm nhưng nó không nghe”, bà Lý kể lại.
Sau khi mổ, 4 ngày liên tiếp bệnh nhân vào phòng khám truyền kháng sinh, mỗi lần gần 1,5 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng đã đóng cho phòng khám K. khoảng 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, mỗi ngày tái khám, truyền kháng sinh chị N. không những không giảm bệnh mà còn tăng đau bụng, sốt, mệt cộng với sự thờ ơ của phòng khám. Đến ngày thứ 4, do sau truyền dịch thì khuya chị N. chịu không nổi nên gia đình đưa vào bệnh viện gần nhà cấp cấp cứu, sau đó đưa vào Bệnh viện Thống Nhất.
“Trong khi trước mổ họ nói với tôi là sau mổ sẽ truyền kháng sinh, các bệnh viêm nhiễm sẽ khỏi hết. Không phải lo gì hết nên tôi và con tin tưởng. Mà sau càng điều trị thì càng nặng”, bà Lý bức xúc.
Bà Lý khuyên mọi người rút kinh nghiệm đừng như con bà, bị bệnh nên chọn bệnh viện lớn, uy tín để khỏi phải sai lầm, chết oan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.