Đoàn tàu gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng khoảng 500 tấn, xuất phát tại ga Sóng Thần ngày 27.9 và dự kiến đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) ngày 5.10.
Đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu nội địa
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 35 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN FDI.
Thời gian qua, tỉnh đã đón rất nhiều DN tới đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới xuất khẩu qua các thị trường châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu từ riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu đi bằng đường biển và một phần nhỏ đi bằng đường bộ.
Để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, cơ sở hạ tầng giao thông Bình Dương đã được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, hiện đại, kết nối đường biển, đường bộ, hàng không và đường sắt. Trên địa bàn tỉnh có ga liên vận quốc tế Sóng Thần (thuộc địa bàn TP.Dĩ An) là ga hàng hóa lớn nhất phía nam. Tuy nhiên, ga Sóng Thần hiện mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa nên chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc đánh dấu việc ga liên vận quốc tế Sóng Thần lần đầu tiên trực tiếp tham gia phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương.
Dẫn lại sự kiện hồi tháng 2 khi Tổng công ty đường sắt VN (VNR) khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (H.Lạng Giang, Bắc Giang), ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR, nhận định các hoạt động vận tải đường sắt nói chung và hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa VN - Trung Quốc nói riêng trong thời gian qua có chuyển biến rất tích cực.
Vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các DN hai nước trong công tác giao thương. Việc tiếp tục đưa ga Sóng Thần gia nhập đường đua liên vận quốc tế là tiền đề quan trọng để VNR hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa theo phương án "Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt" đã được Chính phủ thông qua.
Khi đã mở được những cửa khẩu ngay tại khu hậu cần logistics hoặc ngay trong khu công nghiệp thì DN khi xuất/nhập khẩu hàng hóa có thể làm thủ tục hải quan ngay trong nội địa, thay vì phải ra tới biên giới rồi xếp hàng chờ đợi như trước đây. Điều đó giúp giảm thiểu rất nhiều thời gian, thủ tục cho DN, góp phần giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giúp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng miền, trong khi đường sắt cũng có điều kiện để tăng doanh thu vận tải hàng hóa.
"Sau chuyến tàu đầu tiên này, VNR sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên, các công ty vận tải đường sắt căn cứ nhu cầu thực tế, tổ chức tăng tần suất chạy tàu trên tuyến. Hiện nay, Bộ GTVT cũng đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Dự kiến, giai đoạn 2025 - 2030, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt VN. Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, chúng tôi sẽ tổ chức chạy tàu hằng ngày và cung cấp đầy đủ dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực Bình Dương cũng như các tỉnh lân cận", ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin.
Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng Việt
Gọi việc chính thức đưa vào vận hành tuyến đường sắt liên vận từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là "giấc mơ thành hiện thực" đối với các DN sản xuất, xuất khẩu cũng như các DN làm dịch vụ logistics, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành TBS logistics, phân tích: Với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều rất cao, tuyến đường sắt này mang lại năng lực cạnh tranh rất lớn cho Bình Dương nói riêng cũng như các địa phương trong khu vực nói chung như Đồng Nai, TP.HCM.
Trước kia, các đơn hàng của TBS khi xuất đi Trung Quốc phải vận chuyển bằng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại ga Yên Viên, cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn. Giờ hoàn toàn có thể làm thủ tục xuất khẩu tại Bình Dương, rút ngắn được thời gian, chi phí và giảm tải gánh nặng cho hạ tầng giao thông đường bộ.
Năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô - xe máy và nông sản, thực phẩm. Hiện tuyến vận chuyển chính là từ ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội), sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua bên thứ ba (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
Đồng tình, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, đánh giá tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc sẽ giúp các DN xuất nhập khẩu của VN, đặc biệt là các DN ở khu vực miền Nam có thêm lựa chọn về loại hình phương tiện vận chuyển hàng hóa. So với đường bộ, vận chuyển hàng hóa qua đường sắt cũng có nhiều lợi thế như một chuyến tàu có thể cùng lúc giải quyết nhiều đơn hàng, hoặc cho nhiều khách hàng, thời gian thông quan tập trung nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Cụ thể, một container hàng vận chuyển bằng đường bộ từ miền Nam ra biên giới phía bắc tốn chi phí ít nhất 80 triệu đồng nhưng nếu đi tàu hỏa, có thể giảm xuống dưới 60 triệu đồng. Chưa kể, các loại phí cầu đường, qua trạm thu phí, chi phí cho tài xế… cũng được tiết giảm nhiều. Đơn cử như sau khi có tuyến tàu Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) chạy đến thủ đô Bangkok của Thái Lan, chi phí vận chuyển của các DN được kéo giảm khoảng 20%, thời gian thì rút ngắn được khoảng một nửa. Với tốc độ chạy tàu như hiện nay, đường sắt của VN có thể giúp kéo giảm thời gian khoảng 1/3 so với đi đường bộ.
Giám đốc một DN chuyên chế biến, xuất khẩu thủy hải sản từ TP.HCM cũng hào hứng chia sẻ đây là tin rất vui đối với DN xuất khẩu thủy hải sản ở miền Nam, miền Tây, đặc biệt với mặt hàng cua Cà Mau. Hiện nay, tôm hùm, cua đi từ Nha Trang sang Trung Quốc được đóng gói bằng thùng xốp, đi đường bộ thẳng tới cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn hoặc đi máy bay từ Cam Ranh ra tới Hà Nội rồi chạy tiếp xe container đi cửa khẩu. Nếu các tuyến liên vận đường sắt có hệ thống hạ tầng cấp đông, giữ lạnh thì DN hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện này thay thế.
"Đi bằng tàu hỏa không chỉ hỗ trợ tiết giảm thời gian và chi phí vận chuyển mà còn giúp các DN chủ động hơn. Nếu tự thuê xe thì phải phụ thuộc vào xe, chịu rủi ro trong vấn đề vận chuyển, nếu bị kẹt xe hay có vấn đề gì xảy ra trên đường vận chuyển thì thiệt hại sẽ rất lớn. Đi đường sắt an toàn hơn, cứ đến ngày đến giờ tàu chạy, không lo rủi ro trên đường", vị này nói.
Đề xuất chi 400 triệu USD nâng cấp 3 tuyến quốc lộ nối Lào và Trung Quốc
Bình luận (0)