Xóa "nút cổ chai" đường về miền Tây
Góp ý hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận gửi Bộ GTVT, UBND TP.HCM khẳng định việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, với quy mô 8 làn xe trong giai đoạn 2024 - 2028, là phù hợp với đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030. Bên cạnh đó, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận được nhận định rất cần thiết nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ phía tây nam TP.HCM, kết nối vùng Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM, nhưng lưu lượng lớn, trong khi quy mô đường cao tốc chỉ 4 làn xe nên đã nhanh chóng quá tải. Trong đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9 km thông xe từ tháng 2.2010 theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc này giúp thời gian đi từ TP.HCM tới Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút thay vì 90 phút như trước đó. Thế nhưng từ năm 2019 khi tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30%, với hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày đêm khiến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Cơ quan quản lý đã phải giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ chỉ còn 60 km/giờ. Đơn vị tư vấn cho biết, khi mở rộng, cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ đạt tốc độ thiết kế 120 km/giờ, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200 ha đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1.
Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là vô cùng cấp bách. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm, đến nay không đáp ứng với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc giao thông, không đảm bảo cho việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng tuyến đường giai đoạn này khá thuận lợi bởi giai đoạn 1 đã đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, đồng thời đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch.
Ngoài ra, TP.HCM đang tập trung, ưu tiên nguồn lực cho 2 dự án gồm phối hợp các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM; phối hợp tỉnh Tây Ninh đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Vì thế, khi mở rộng tuyến cao tốc này chỉ cần bố trí vốn thực hiện thi công, xây lắp, còn mặt bằng đã có sẵn.
Trong khi đó, đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km sau 2 năm đưa vào khai thác cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vận hành từ tháng 4.2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc trên QL1 (đoạn qua Tiền Giang); đồng thời rút ngắn khoảng cách hơn 20 km từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Thế nhưng, tuyến cao tốc này nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh đối với cánh tài xế bởi tuyến chính của dự án chỉ có mặt đường rộng 17 m, 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp. Mỗi làn xe chỉ rộng 3,5 m (nhỏ hơn 0,25 m so với làn xe cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Do đó, chỉ cần một sự cố nhỏ về giao thông là phương tiện lập tức bị ùn ứ lên đến vài cây số. Đặc biệt, do không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có các điểm dừng với khoảng cách gần 10 km/điểm nên việc cứu hộ các xe gặp nạn cũng vô cùng khó khăn.
Chưa kể, theo tính toán của cơ quan chức năng, lưu lượng xe trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay quá lớn so với tính toán cách đây 10 năm nên cơ bản bị quá tải, không còn phù hợp. Tuyến cao tốc này đang trở thành "nút thắt cổ chai" của miền Tây khi các tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu... lần lượt được đưa vào vận hành khai thác.
"Khi hoàn thành, dự án mở rộng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ đi TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành cả nước", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.
Người dân, tài xế mong mỏi
Vui mừng trước thông tin mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và khu vực miền Tây rất lớn. Giai đoạn trước, mỗi tháng Công ty Lâm Vinh nhận chạy hàng trăm chuyến hàng chở gạo, hàng xuất khẩu, nhập khẩu về miền Tây đi qua tuyến đường này. Tuy nhiên, hầu hết tài xế đều ám ảnh bởi tuyến đường nhỏ hẹp, tuy là cao tốc nhưng không thu phí nên không được bảo trì, bảo dưỡng cẩn thận, chất lượng đường kém, dễ xảy ra tai nạn. Tuyến đường chỉ 4 làn xe, nên mỗi lần có va chạm là tài xế phải xếp hàng dài nhiều cây số, ùn tắc nghiêm trọng. Vì thế, nhiều tài xế xe tải đã phải chọn đi quốc lộ như Công ty Lâm Vinh, tuy tốc độ chậm hơn, nhiều giao cắt, nhiều phương tiện nhưng an toàn hơn. Thậm chí, đôi khi đi quốc lộ còn nhanh hơn nếu cao tốc có tai nạn, kẹt xe.
"Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận mà mở rộng lên 8 làn xe thì quá tuyệt vời. Thời gian đi nhanh hơn, doanh nghiệp vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, chi phí, vừa tăng được tần suất, tối ưu hóa hoạt động vận tải. Không chỉ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hay TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… cũng vậy, càng sớm mở rộng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đường sá thông thoáng, thuận lợi sẽ mở đường cho giao thương, vận tải phát triển. Chỉ mong dự án được làm nhanh, làm sớm để không lỡ cơ hội, chứ vấn đề cấp bách cũng đặt ra nhiều năm rồi nhưng mãi vẫn chưa thấy dự án khởi công", ông Lâm Đại Vinh đánh giá.
Anh Nguyễn Hữu Vinh, tài xế xe cứu thương từ thiện ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cũng "thở phào" khi nghe tin tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sắp mở rộng lên 8 làn xe. Hằng ngày chở bệnh nhân lên TP.HCM cấp cứu, thường xuyên bắt gặp các xe dân sự chạy vào làn dừng khẩn cấp, điều anh Vinh trông mong nhất là tuyến đường sau khi mở rộng sẽ được siết chặt quản lý, xóa triệt để tình trạng xe máy chạy vào đường cao tốc, người đi bộ vượt ngang tuyến chính.
"Đường mở rộng, hạn chế tối đa nguy cơ gây tai nạn thì xe mới dám chạy nhanh, mới phát huy hết được lợi ích của đường cao tốc", anh Vinh nói.
Đồng bộ từ đường dẫn vào cao tốc
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu và lập hồ sơ đề xuất đầu tư mở rộng 12,6 km đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ 6 lên 8 làn xe nhằm đồng bộ với tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sau mở rộng. Trong đó, đoạn Tân Tạo - Chợ Đệm dài 9,5 km và đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm dài 3,1 km đều được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe. Ba cầu vượt cũng sẽ được xây dựng tại các vị trí đường Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu, Bùi Thanh Khiết.
Theo kế hoạch, Sở KH-ĐT TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu, đề xuất giao nhiệm vụ và phân bổ vốn cho Sở GTVT vào năm 2024 để triển khai lập hồ sơ dự án, sau đó thực hiện và hoàn thành vào năm 2028.
Bình luận (0)